Vụ dùng bằng tiến sĩ giả giảng dạy khắp nơi: Làm sao để phát hiện bằng giả?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/11/2023 16:55 GMT+7

Mới đây, việc một người dùng bằng tiến sĩ giả để đi dạy khắp nơi và suýt trở thành trưởng khoa công nghệ thông tin của một trường CĐ đã khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi liệu có cách nào để nhận biết bằng thật, bằng giả ngay lập tức?

Hôm qua 25.11, lãnh đạo Trường CĐ Công thương Việt Nam cho biết trường vừa phát hiện ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả để nộp hồ sơ vào vị trí trưởng khoa công nghệ thông tin của trường.

Trong quá trình ông N.T.H thử việc ở vị trí này, Trường CĐ Công thương Việt Nam đã gửi công chứng văn bằng tiến sĩ của ông N.T.H sang Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM để xác minh thì nhận được kết quả thông tin của văn bằng không có trong dữ liệu lưu trữ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Vụ dùng bằng tiến sĩ giả giảng dạy khắp nơi: Làm sao để phát hiện bằng giả? - Ảnh 1.

Bằng tiến sĩ giả của ông N.T.H

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Trước đó, ông N.T.H cũng từng dùng bằng tiến sĩ cùng tên, cùng ngày tháng năm sinh nhưng khác số hiệu bằng để đi dạy ở một số trường khác nhưng cũng đều bị các trường phát hiện. Ngay sau khi bị phát hiện, ông N.T.H chủ động nghỉ việc và cắt đứt liên lạc với các trường.

'Tiến sĩ bằng giả' suýt thành trưởng khoa trường cao đẳng

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Trên các bằng tốt nghiệp đều có tem chống giả. Tuy nhiên, bất cứ ký hiệu gì nếu muốn làm giả đều có thể làm được. Ngay cả việc dùng giải pháp gắn chip, mã QR thì kẻ gian họ vẫn làm được. Chỉ có duy nhất một thứ không thể làm giả được, đó là thông tin lưu trữ tại đơn vị cấp bằng. Vì thế, khâu xác minh văn bằng vẫn là cách duy nhất để biết người đó có sử dụng bằng giả hay không".

Theo tiến sĩ Tuấn, việc xác minh văn bằng có thể bằng 2 cách, đó là lên trang web của các trường gõ số hiệu văn bằng sẽ ra đầy đủ thông tin về người được cấp. Nhưng đa số các đơn vị sử dụng lao động vẫn gửi văn bản tới các đơn vị cấp bằng để nhờ xác minh bằng cấp của người lao động.

Cùng quan điểm này, thạc sĩ Văn Chí Nam, Phó khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận: "Nếu sử dụng mã QR trên văn bằng, việc tra cứu, xác minh văn bằng sẽ thuận lợi và chính xác hơn vì mã QR có phép dẫn link đến dữ liệu xác thực văn bằng của nơi cấp bằng. Dù người ta vẫn có thể làm giả mã này, nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt được bằng thật hay giả, nhưng nếu là bằng giả, khi quét thì mã QR sẽ không thể dẫn tới thông tin xác thực chính xác của nơi cấp bằng".

Về việc gắn chip trên bằng, thạc sĩ Nam cho rằng vẫn có thể làm để chống giả tuy nhiên sẽ phức tạp cho việc tra cứu hơn và người ta cũng có thể làm một con chip giả, nhìn bằng mắt thường sẽ khó xác định là bằng giả hay thật. Chưa kể việc gắn chip còn tốn kém chi phí cho nhiều bên liên quan. 

"Vì thế, giải pháp chủ yếu và chính xác nhất để xác định bằng thật hay giả vẫn là qua việc tra cứu văn bằng trên dịch vụ trực tuyến được nơi cấp bằng cung cấp hoặc gửi văn bản nhờ đơn vị cấp bằng xác minh", thạc sĩ Nam chia sẻ.

Xem nhanh 20h: Phanh phui cách tiến sĩ giả lừa các trường

Vụ dùng bằng tiến sĩ giả giảng dạy khắp nơi: Làm sao để phát hiện bằng giả? - Ảnh 2.

Trang tra cứu văn bằng của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

CHỤP TỪ WEB

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nhận định việc chống làm giả bằng cấp hiện khó có giải pháp triệt để. "Cách tốt nhất vẫn là thực hiện xác minh văn bằng, có thể lên trang web các trường để tra cứu hoặc gửi công văn nhờ đơn vị cấp bằng xác nhận. Hiện nay các đơn vị sử dụng lao động vẫn dùng cách này để xác định ứng viên dùng bằng thật hay giả", tiến sĩ Khang cho hay.

Được biết, tại trang tra cứu văn bằng của Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Văn Lang và nhiều trường ĐH khác, chỉ cần nhập số hiệu văn bằng là sẽ hiện ra thông tin về người được cấp bằng, vì vậy việc phát hiện bằng giả hiện nay cũng không quá khó khăn.

Xem nhanh 12h ngày 26.11: Thời sự toàn cảnh

Luôn cẩn thận xác minh

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết thời gian qua, rất nhiều đơn vị tuyển dụng gửi công văn qua trường nhờ xác minh văn bằng. Qua đó trường cũng đã có một vài trường hợp dùng bằng giả để đi xin việc do thông tin không có trong dữ liệu của trường.

"Về phía trường, khi tuyển dụng giảng viên hay nhân viên, nếu là bằng cấp trong nước thì chúng tôi đều gửi văn bản về nơi cấp văn bằng để nhờ xác minh. Nếu là bằng nước ngoài thì kiểm tra thông tin đơn vị cấp bằng có được công nhận tại Việt Nam không, thông qua trang web của Cục quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT", tiến sĩ Tuấn thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cũng chia sẻ quy trình tuyển dụng của trường diễn ra rất chặt chẽ. "Việc xác minh đều thực hiện bằng cách gửi văn bản đến đơn vị cấp bằng. Đến giờ trường vẫn chưa phát hiện có ứng viên nào dùng bằng giả để nộp hồ sơ vào trường", ông Khang cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.