Sáng 8.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 45, cho ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành vẫn rất quan tâm, dành thời gian xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến.
Theo bà Hải, các bộ, ngành đã tích cực tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng rất lớn với 1.910 kiến nghị cử tri trên toàn quốc gửi tới kỳ họp, một số bộ, ngành trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị cử tri; một số nội dung trả lời kiến nghị cử tri cũng được các Đoàn đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá tốt, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Nhiều cơ quan trả lời chung chung
Tuy nhiên, bà Hải cũng cho biết, hiện tượng kiến nghị cử tri tồn đọng, chưa được giải quyết chuyển sang kỳ sau không giảm, vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa rõ ràng, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, gây khó khăn cho đại biểu khi trả lời cử tri.
Theo bà Hải, vẫn còn có những văn bản trả lời chưa rõ, chưa đúng nội dung mà cử tri hỏi, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật mà chưa xem xét, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cụ thể mà cử tri nêu, do đó, cử tri tiếp tục kiến nghị.
Bên cạnh đó, một số nội dung trả lời chỉ căn cứ trên báo cáo của cấp dưới mà thiếu sự kiểm tra, theo dõi, đôn đốc nhắc nhở nên trên thực tế, nhiều kiến nghị chưa được giải quyết nhưng lại được trả lời là đã giải quyết xong do thiếu thông tin, dẫn đến cử tri bức xúc.
Ngoài ra, một số kiến nghị của cử tri yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm, nhưng cơ quan có thẩm quyền thường chỉ trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.
|
Báo cáo của Ban Dân nguyện dẫn chứng, tỉnh Thái Bình đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc tính toán, chi trả sai lương hưu dẫn đến phải điều chỉnh và thu hồi lương hưu đối với hàng nghìn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998 tại tỉnh Thái Bình.
Theo số liệu tại báo cáo của Bảo hiểm xã hội, chỉ riêng tại tỉnh Thái Bình đã có 974 giáo viên mầm non với tổng số tiền chi sai là 7,5 tỉ đồng. Từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình mới chỉ thu hồi được 3,38 tỉ đồng (44,7%) .
Theo bà Hải, như trả lời của Bảo hiểm xã hội, sai phạm trong tính toán chi trả tiền lương hưu đối với một số giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình là có, và hiện Bảo hiểm xã hội đang khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vấn đề mà cử tri quan tâm đề nghị được trả lời là làm rõ trách nhiệm thì chưa được trả lời rõ ràng.
Cần làm rõ các vấn đề bức xúc đã được giải quyết thế nào
Góp ý thêm vào dự thảo báo cáo, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ rất mừng khi có những cơ quan, ngành đã giải quyết 100% kiến nghị gửi đến.
Theo bà Thịnh, qua đại dịch Covid-19, chúng ta rất vui trước 2 kết quả. Đó là niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, ngành y tế tăng lên. Niềm tin của cộng đồng quốc tế với Việt Nam cũng tăng lên.
“Vậy qua công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, tôi cũng muốn nói đến niềm tin của cử tri, của người dân đối với cơ quan của Quốc hội, đối với đoàn Đại biểu Quốc hội, đối với đại biểu Quốc hội như thế nào?”, bà Thịnh nêu vấn đề, và cho rằng Báo cáo cần đánh giá và so sánh qua giải quyết kiến nghị của cử tri thì niềm tin của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội có tăng lên không.
Bà Thịnh dẫn chứng, như vấn đề "tín dụng đen", khi cử tri nêu, đại biểu Quốc hội nói nhiều thì các cơ quan chức năng có chỉ đạo quyết liệt, nên việc giải quyết tín dụng đen hiệu quả hơn, phát hiện, phá được nhiều vụ tín dụng đen mạnh mẽ hơn.
“Hay chúng ta hay nói đến 60 - 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai thì lần này có phải vấn đề đất đai nữa không?”, bà Thịnh nêu.
“Gần đây nổi lên vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP.HCM thì cử tri muốn nói đến vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội ở đâu? Dĩ nhiên, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị, nhưng có trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo bám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu?”, bà Thịnh đặt vấn đề và đề nghị Ban Dân nguyện nên đầu tư để có đánh giá, khái quát các vấn đề bức xúc mà cử tri phản ánh giữa 2 kỳ họp đã được giải quyết thế nào.
Bình luận (0)