|
9 giờ nối lại mạch máu
Chiều 3.4, chúng tôi tới Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ thăm cháu Như Ý trước khi cháu được ra viện. Sức khỏe Như Ý đã bình phục, có thể đi lại, ăn uống bình thường và tươi cười trò chuyện với mọi người. Đặc biệt mảng da đầu bị máy ép nước mía xé toạc được các bác sĩ (BS) ghép lại đã phục hồi tốt và đang mọc tóc trở lại. Đây thực sự là điều kỳ diệu với những ai từng chứng kiến tai nạn kinh hoàng xảy ra trước đó 11 ngày. Trưa ngày 23.3, cháu Như Ý được người dân đưa đến Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cấp cứu, sau đó chuyển qua Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng bị lóc gần hết da đầu, lộ cả xương sọ, máu ướt đẫm người. Phần da đầu bị lóc rộng 25 cm x 25 cm, được người nhà ướp trong thùng nước đá đem theo.
Ngay khi nhận ca cấp cứu trên, lãnh đạo Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ nhận định đây là một ca cấp cứu phức tạp cần phải nhanh chóng tiến hành vi phẫu ghép lại phần da đầu bị lóc. “Do bệnh nhân nhỏ tuổi, bị lóc rời hơn 2/3 chu vi da đầu, mảnh da đầu lóc rời tổn thương phức tạp, các mạch máu của cháu bé lại rất nhỏ (khoảng 0,3 mm) nên việc nối lại rất khó khăn”, TS-BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ nói.
Ca vi phẫu được giao cho ThS-BS Nguyễn Hữu Tính, Khoa Ngoại chấn thương. ThS-BS Tính kể: “Lúc bắt đầu thực hiện ca vi phẫu là 14 giờ 30, đến 23 giờ 30 mới xong. Trong hơn 9 tiếng đồng hồ đó mình phải tập trung cao độ làm sạch phần da đầu bị lóc rời, sau đó tìm từng cuống mạch máu và tỉ mỉ khâu nối các mạch máu li ti dưới kính hiển vi. Mọi việc đều không được có bất cứ sơ sót nào”.
Sau khi nối xong 2 tĩnh mạch và 1 động mạch để tưới máu nuôi phần da đầu bị lóc rời, việc kiểm soát các mạch máu cũng rất khó khăn. Các BS phải cho truyền thuốc kháng đông máu để tránh trường hợp máu đông làm tắc mạch, đồng thời phải kiểm soát không để chảy máu.
Đầu tư chiều sâu
Có thể nói, ca vi phẫu ghép lại da đầu cho cháu Như Ý là thành công lớn của các BS Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ bởi trường hợp tai nạn như trên rất hiếm gặp, nhất là ở trẻ em. Đây cũng được xem là ca vi phẫu ghép lại da đầu phức tạp đầu tiên thực hiện thành công ở ĐBSCL. Theo TS-BS Đặng Quang Tâm, để đạt được thành công như ca vi phẫu nêu trên, bệnh viện đã có cả một quá trình đầu tư chiều sâu về nhân lực và trang thiết bị. Phẫu thuật viên phải là người được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm, cùng với đó phải có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại như: kính hiển vi điện tử, dụng cụ vi phẫu thuật...
Cũng chính nhờ sự đầu tư trên, những năm qua, Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đã thực hiện thành công rất nhiều trường hợp phẫu thuật vi phẫu khác như nối lại chi thể đứt lìa, nhiều nhất là các ca đứt lìa bàn tay, ngón tay, ghép da… BS.CKII Huỳnh Thống Em, quyền Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay phẫu thuật vi phẫu tạo hình đã trở thành kỹ thuật được thực hiện thường quy tại bệnh viện. Trong năm 2012, bệnh viện đã thực hiện thành công trên 30 ca”.
Đặc biệt, để phát triển kỹ thuật vi phẫu tạo hình, Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư mở thêm một phân khoa chuyên về vi phẫu là bỏng - tạo hình thẩm mỹ (thuộc Khoa Ngoại chấn thương) để làm tiền đề thành lập chuyên khoa sau này. Theo TS-BS Đặng Quang Tâm, khi có được phân khoa này chắc chắn sẽ giúp các bệnh nhân ở ĐBSCL được cấp cứu kịp thời hơn. Ngoài việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân, kỹ thuật vi phẫu tạo hình còn giúp họ giảm bớt biến chứng, giữ lại dáng vẻ bình thường và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống sau khi điều trị.
Tú Uyên
Bình luận (0)