Lúa hè thu ùn ứ do không có thương lái đến mua - Ảnh: Thanh Dũng |
Lật kèo, ép giá
Trời đang mưa lâm râm, nhưng nông dân Nguyển Văn Xể (ngụ ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) vẫn kiên trì ngóng thương lái tới cân lúa. Nghe tiếng xe honda từ xa, ông nhổm dậy rồi lại ngồi xuống, nét mặt buồn xo. Chỉ đồng lúa đang chờ thu hoạch, ông Xể lo lắng: “Tôi trồng 1,5 ha lúa OM 5451, chỉ còn 2 ngày nữa là lúa chín, nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy lái tới cân. Mấy ngày trước, họ trả tôi 4.100 đồng/kg, nhưng nghe lúa rớt giá nên lật kèo”. Nhiều nông dân ở đây cũng chịu chung cảnh này. Lúa đã đến ngày thu hoạch, nhưng mưa gió kéo dài làm hạt lúa ẩm ướt, xấu đi dẫn đến bị hao hụt và mất giá. Một số nông dân cho biết ngày 10.6, giá lúa từ 4.100 đồng/kg giảm xuống 4.000 đồng/kg, nay lái trả chỉ còn 3.900 đồng/kg.
Theo anh Minh Tùng, một nông dân ngụ ấp Bình Phú Quới, năm rồi lúa IR 50404 có giá 4.500 đồng/kg, thì vụ này bị lái “nhận” giá chỉ còn 3.800 đồng/kg. Nếu cứ duy trì mức giá này, nông dân cầm chắc lỗ, còn ai thuê đất ruộng làm xem như trắng tay, thậm chí vướng nợ. Do lúa rớt giá nên lái cân lúa chê bai đủ điều và tìm mọi cách kéo giá xuống thấp. Điều này đã dẫn đến tình trạng cự cãi giữa nông dân và lái. Nông dân Lê Minh Hùng, ngụ cùng ấp Bình Phú Quới, vừa cãi nhau với lái do trước đó, lái đồng ý mua lúa với giá 3.850 đồng/kg, nhưng đến ngày 13.6 lại phá kèo, đòi giảm xuống còn 3.800 đồng/kg. “Lúa tuốt vào bao rồi phải bán cho họ thôi. Đem bán cho lái khác chắc chắn họ lại nhận giá xuống thấp nữa, vì cho rằng mình bán lúa xấu nên mới vô bao sớm. Các lái lúa hay dùng “tẩy” này để chèn ép nông dân nếu giá lúa đang xuống, còn khi giá lúa lên thì họ không chịu tăng giá. Mình không bán thì họ đòi thưa, vì nói đã đặt tiền cọc trước”, ông Hùng bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Sảnh, một nông dân ở ấp Bình Phú Quới, tính trồng 1 công lúa phải mất tiền phân bón từ 600.000 - 700.000 đồng, tiền thuê gặt lúa 400.000 đồng, tiền thủy lợi 120.000 đồng, tiền xịt dưỡng lúa 850.000 đồng… Nếu trong thời điểm ít mưa gió và côn trùng gây hại không nhiều, thì lúa trúng lắm cũng được 45 - 50 giạ/công, tương đương 900 kg lúa tươi. “Giá lúa dưới 4.000 đồng/kg, nhà nông khó có lời, bởi tiền đầu tư từ 2,7 - 3,5 triệu đồng/công”, bà Sảnh cho biết thêm.
Không còn lúa để trữ
Nhiều nông dân nói họ có nghe thông tin từ ngày 15.6 triển khai thu mua lúa tạm trữ; tuy nhiên, nhà nông không đủ kiên nhẫn để đợi tới ngày đó. Ông Lê Minh Lắm (ở xã Bình Thành, H.Lấp Vò) cho biết: “Lúa vừa chớm chín là chủ nợ xuất hiện đòi tiền rồi. Nông dân phải bán ngay tại ruộng để lấy tiền trả nợ thuốc trừ sâu, phân bón… Nếu mình không trả, vụ sau họ không bán nữa. Lúc đó mất uy tín thì biết mua thiếu ở đâu?”. Thêm nữa, những người có khả năng trữ lúa chủ yếu là những hộ khá giả, còn nông dân chỉ có vài công ruộng, làm bao nhiêu bán bấy nhiêu. Đó là chưa kể trữ lúa chờ giá sẽ gặp nhiều khó khăn như bị mưa gió làm ướt, chuột bọ cắn phá…
Theo tính toán của nông dân, vụ hè thu này, nếu giá thu mua lúa từ 4.100 - 4.500 đồng/kg thì nông dân mới có lãi. Với giá lúa hiện nay, nông dân lỗ khoảng 1.000 đồng/kg, người sản xuất càng nhiều càng lỗ nặng. Nhiều nông dân cho biết tuy Chính phủ ra giá sàn là 4.300 đồng/ kg, nhưng các lái lúa không áp dụng theo mức giá đó. Giá lúa thấp họ lại càng nhận giá, nông dân nào không chịu bán thì thôi.
Trước đó, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đến ngày 4.6, tỉnh đã cơ bản thu hoạch khoảng 60% diện tích lúa hè thu; trong khi đó ngày 15.6, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới triển khai thu mua lúa tạm trữ. Tuy nhiên, cho tới ngày 11.6, các sở ban ngành của tỉnh cũng chưa rõ Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ thu mua lúa tạm trữ ở Đồng Tháp với số lượng bao nhiêu.
Thanh Dũng
Bình luận (0)