Vụ hóa chất độc hại đổ thẳng ra môi trường: Cơ quan chức năng họp khẩn

Cơ quan chức năng Đồng Nai đã đến bãi rác tự phát của ông Hiệp lấy mẫu rác, bùn và nước ở hố đưa về kiểm nghiệm, phân tích.

Chiều 22.7, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai) cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an tỉnh Đồng Nai), Phòng TN-MT H.Trảng Bom và H.Vĩnh Cửu đã đến bãi rác tự phát của ông Lê Tư Hiệp (ấp Cây Xoài, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) để kiểm tra và lấy mẫu chất thải xét nghiệm.
Sau khi ghi nhận thực tế khu vực bãi rác, Chi cục Bảo vệ môi trường đã lấy mẫu rác, bùn và nước ở hố đưa về kiểm nghiệm, phân tích.
Vòng vo trách nhiệm
Trong cuộc họp ngay sau đó tại trụ sở UBND xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom), đoàn kiểm tra cho biết đã ghi nhận khu vực đổ trộm rác thải công nghiệp rộng khoảng 7.000 m2, nằm trên địa bàn giáp ranh giữa xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) và xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) thuộc sở hữu của ông Đinh Quang Hải, ông Nguyễn Tấn Hiệp và Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đồng Nai. Khu vực có khoảng 4 tấn rác thải công nghiệp, thời điểm đoàn khảo sát rác ở đây đang cháy âm ỉ, khói đen bay nghi ngút. Riêng cái hố rộng khoảng 400 m2 thuộc xã Bắc Sơn, có chứa chất thải lỏng màu vàng đậm (nghi hóa chất a xít - PV).
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu, cho rằng do địa hình sâu xa, hẻo lánh, phức tạp, giáp ranh giữa địa bàn hai huyện; các đối tượng đổ trộm vào ban đêm nên rất khó bắt quả tang. Ông Bình kiến nghị Sở TN-MT, Công an tỉnh Đồng Nai thường xuyên tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Kim Tấn, Trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom nhìn nhận hố chứa chất thải nằm gần chân trụ điện 220 kV thuộc huyện quản lý. “Hố chất thải này hình thành mấy tháng nay, huyện chưa phát hiện được”, ông Tấn nói và cho biết: “Phải chờ kết quả xét nghiệm và chỉ đạo của Sở TN-MT, trên chỉ đạo sao thì dưới làm vậy. Chủ sử dụng đất phải chịu trách nhiệm, buộc phải khắc phục và xử phạt nghiêm”.
Ông Bình thì nói: “Trường hợp chủ sử dụng đất để tình trạng đổ rác thải tiếp diễn; sử dụng đất không hiệu quả thì chúng tôi sẽ cho thu hồi. Huyện cũng sẽ cho lập một đội để thường xuyên đi kiểm tra ban đêm, xử lý việc đổ rác tại đây. Nếu gặp khó khăn quá sẽ yêu cầu tỉnh hỗ trợ chứ không thể để tình trạng đổ rác như thế này tái diễn”.
Còn đại diện PC49 cho hay, tình trạng đổ trộm rác, chất thải ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. "Không chỉ ở chỗ này, mà các đối tượng còn đổ trộm nhiều vị trí khác", vị đại diện PC49 nói.
Cá, gia cầm, gia súc, cây cối chết
Trở lại khu vực bãi rác trong ngày hôm qua, nhiều người dân ở đây rất bức xúc vì phải “sống chung” với nạn ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Tâm (53 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An) cho hay gia đình bà nuôi cá trên diện tích 16.000 m2. Hóa chất đổ trộm theo các rãnh nước chảy vào ao khiến nguồn nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối làm cá nuôi thường xuyên bị lờ đờ, chết hàng loạt. Bà Tâm bức xúc: “Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay nhưng nặng nhất là khoảng tháng 5.2015. Lúc đó, ao cá diện tích 6.000 m2 với 13 tấn cá chim, cá tra, chép của gia đình đến kỳ thu hoạch bị chết hết. Đến nay ao vẫn bỏ trống không thể nuôi lại được. Không chỉ có cá mà ngan, gà, chó của gia đình uống phải nước nhiễm hóa chất cũng chết dần chết mòn”. Đưa PV đi thị sát quanh khu vực bãi rác, bà Tâm chỉ vào những rãnh nước hóa chất chảy xuống ao và nói: “Trước thì họ còn đổ ban ngày, sau này bị phản ánh nhiều nên lén lút đổ ban đêm. Họ cho đào hố khắp nơi, ban đêm có 2 - 3 xe bồn chở hóa chất đổ xuống hố. Những lúc trời mưa, hóa chất tràn ra chảy xuống dưới chân đồi vào ao hồ của người dân. Cây cối dọc các rãnh hóa chất chảy xuống đều chết khô. Nếu giẫm phải nước hóa chất thì bị ngứa khủng khiếp. Dưới đất hóa chất ngấm, còn trên đồi thì họ đốt rác bốc mùi khét lẹt, gây buồn nôn, khó chịu”.
Ông Đinh Quốc Cường (45 tuổi, ngụ ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn) cũng tố: “Năm ngoái, hồ cá rộng khoảng 5.000 m2 của gia đình bị hóa chất chảy vào đỏ ngòm, bốc mùi hôi thối. Mấy tấn cá đến kỳ thu hoạch nổi lên chết trắng xóa, chúng tôi vớt lên bán cũng chẳng được. Mấy hộ dân ở đây kéo nhau đi kêu cứu, lúc này ông Tư Hiệp mới hỗ trợ cho tôi 10 triệu đồng, bà Tâm 5 triệu đồng”. Xách bao hóa chất xuống ao để xử lý nước, ông Cường nói: “Tôi đã xử lý liên tục mấy năm nay rồi mà ao vẫn không thể khôi phục lại được nguồn nước như trước để nuôi cá. Giờ họ vẫn đổ hóa chất độc hại đều đều mỗi đêm”.
Còn anh Nguyễn Văn Khẩn, một người chăn bò ở gần khu vực trên cho hay: “Trước đây, tôi hay lùa bò lên gần bãi rác. Dần đàn bò cứ trướng sình bụng rồi lăn ra chết. Sợ quá tôi chẳng còn dám lại gần những hố đổ hóa chất đó nữa”.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, theo người dân phản ánh tình trạng đổ trộm hóa chất độc hại ra môi trường do 3 xe tải (có thùng để chở hàng nhưng khi chở hóa chất được gắn bồn lên, đồng thời phủ bạt bên ngoài) BS 60C-199..., 60C-025... và 60S-756... Qua tìm hiểu, thì 3 chiếc xe này thuộc Công ty TNHH MTV T.H.P (đóng tại ấp Sông Mây, H.Trảng Bom) do bà L.T.N.H làm giám đốc. Khi chúng tôi gọi vào số điện thoại di động (của công ty trên) thì một người đàn ông bắt máy tự xưng tên là Tư Hiệp, chồng của bà H. Người này thừa nhận 3 xe nêu trên của công ty mình. Khi đề cập đến nghi vấn xe chở hóa chất đổ thẳng ra môi trường thì người xưng tên Tư Hiệp nói đang đi công việc ở TP.HCM và hẹn gặp nói chuyện sau rồi cúp máy.
Tiểu Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.