Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 6.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sau vụ việc học sinh ép cô giáo vào tường rồi văng tục tại Tuyên Quang, bộ đã có văn bản yêu cầu tỉnh chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc.
Theo ông Sơn, đây là "việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được". UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.
"Sự việc xảy ra chúng ta rất bức xúc nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân, khách quan, thấu đáo vụ việc, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm. Nếu trách nhiệm liên quan giáo viên, nhà trường, hay liên quan học sinh, tập thể, để có các giải pháp xử lý trước mắt, rút kinh nghiệm sâu sắc", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.
Vụ cô giáo bị học sinh ép vào tường rồi văng tục: Tạm đình chỉ hiệu trưởng
Cũng theo ông Sơn, trước vụ việc này đã có một số vụ việc khác xảy ra "giống nhau về hiện tượng", đều liên quan đến bạo lực học đường. Về biện pháp xử lý, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, biện pháp xử lý kỷ luật học sinh chỉ là với vụ việc cụ thể. Căn cơ lâu dài phải giáo dục các em cũng như xem lại đội ngũ giáo viên.
"Chúng tôi rất tôn trọng các nhà giáo nhưng phải nhìn nhận lại đội ngũ giáo viên, từ quy trình đào tạo bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong quá trình giảng dạy. Giáo viên không chỉ một môn học mà cả giáo viên chủ nhiệm, giáo vụ trong nhà trường; năng lực, kỹ năng từng nhà giáo thế nào cần rà soát, đánh giá", ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, sẽ rà soát đánh giá hiệu quả việc dạy và học, tăng cường giáo dục đạo đức. Với nhà trường, thường xuyên theo dõi đánh giá, để một việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải phát hiện sớm, nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn sớm. Xem xét từ quan hệ thầy trò, quan hệ học trò trong lớp, diễn biến tâm lý học sinh, quản lý nhà trường, quản lý lớp.
Về phía phụ huynh, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đề nghị việc giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phụ huynh cũng phải có trách nhiệm, đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Dù bạo lực xảy ra trong trường học nhưng cũng là hiện tượng toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng Sơn, nếu văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa trên không gian mạng đều được làm tốt là việc quan trọng thì sẽ tác động tới học sinh nói chung. Do đó, biện pháp cần toàn diện, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức... "Đây là việc chúng tôi rất trăn trở", ông Sơn nêu.
Xem nhanh 12h ngày 6.12: Lộ thêm chiêu của tiến sĩ giả | Chỉ đạo khẩn xử lý vụ giáo viên bị ném dép
Không thể cấm dạy thêm
Liên quan đến đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, đề xuất này không mới, trước kia luật Đầu tư cũng quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, sau đó luật bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện.
"Việc dạy thêm, học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Nhiều vấn đề đặt ra được dư luận, phụ huynh học sinh quan tâm. Con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao", ông Sơn nêu.
Vì vậy, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy, cô.
Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi thông tư về quản lý dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó quy định thời gian dạy thêm, khi nào được dạy thêm.
Bình luận (0)