Viện cớ nguy cơ mưa lũ gây sạt lở để hợp thức, khai thác quặng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai, khu đất 3,77 ha tại xã Đồng Tuyển (TP.Lào Cai) UBND tỉnh Lào Cai cấp cho Công ty Lilama để làm dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn thuộc khai trường 18, đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit giai đoạn 2008 - 2020 và sau năm 2020 tại Quyết định số 28/2008/QĐ-BCT ngày 18.8.
Theo đó, việc khai thác quặng apatit tại khu vực này phải có giấy phép khai thác và thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2012 - 2015, UBND tỉnh Lào Cai liên tục ban hành các quy định trái pháp luật và những văn bản này sau đó đã bị doanh nghiệp lợi dụng để khai thác quặng trái phép.
Khu đất tại xã Đồng Tuyển (TP.Lào Cai) UBND tỉnh Lào Cai từng giao cho Công ty Lilama để xây nhà hàng, khách sạn nhưng bị doanh nghiệp khai thác quặng apatit trái phép |
CTV |
Ngày 26. 3.2012, Công ty Apatit Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc xin khai thác quặng apatit trên diện tích 3,77 ha tiếp nhận từ Công ty Lilama.
Công ty Apatit Việt Nam có báo cáo trong quá trình san gạt mặt bằng đã lộ ra thân quặng apatit và có hiện tượng khai thác trộm. Ngoài ra, thân quặng nằm chênh vênh đến mùa mưa lũ có nguy cơ bị sạt lở, trôi lấp làm thất thoát.
Theo đó, Công ty Apatit Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép khai thác tận thu quặng apatit có nguy cơ thất thoát, trôi lấp trong phạm vi 3,77 ha.
Đến ngày 11.4.2012, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Văn bản số 839 đồng ý giao Công ty Apatit Việt Nam tổ chức bảo vệ quặng apatit trong phạm vi 3,77 ha; giao cho doanh nghiệp tiến hành cải tạo mặt bằng khu mỏ để xử lý nguy cơ sạt lở đất đá, đưa mỏ về trạng thái an toàn trong thời hạn 2 tháng. Trong thời gian này, nếu phát hiện khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit được thu hồi, vận chuyển, quản lý và sử dụng đúng quy định.
Chỉ 1 ngày sau quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, ngày 12.4.2012, bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lalima, đã có văn bản gửi Công ty Apatit Việt Nam đề nghị được tham gia san tạo lại các điểm dễ bị sạt lở xuống các hộ dân trong mùa mưa lũ.
Quyết định này sau đó đã được ông Nguyễn Quang Huy khi ấy là Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam đồng ý. Ngay sau đó, bị can Nguyễn Mạnh Thừa tiếp tục ký ban hành phương án số 13 san tạo khu vực 3,77 ha, tận thu triệt để quặng apatit nếu phát hiện trong quá trình san gạt.
Văn bản của UBND tỉnh Lào Cai không phải là giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình cùng Công ty Apatit Việt Nam tận thu quặng, ngày 30.5.2012, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giao lại diện tích 3,77 ha và cấp lại giấy chứng nhận đầu tư khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai.
Chỉ hơn 2 tháng nhận đề nghị từ phía doanh nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 2160 ngày 2.8.2012 đồng ý về chủ trương dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama, và yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam bàn giao diện tích 3,77 ha thuộc khai trường 18 cho Công ty Lilama.
Quá trình triển khai dự án nếu còn khoáng sản, Công ty Lilama được tận thu và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Sau khi đưa máy móc vào san gạt mặt bằng, Công ty Lilama tiếp tục phát hiện dấu hiệu khoáng sản và đã có đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ngành lấy mẫu phân tích, nếu đúng là khoáng sản thì cho phép được thu gom, vận chuyển và giao cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý và sử dụng, tránh lãng phí tài nguyên.
Trên cơ sở kiểm tra của các sở, ngành, ngày 20.5.2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ra Văn bản số 1717 yêu cầu Công ty Lilama thường xuyên báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện dấu hiệu liên quan đến khoáng sản. Nếu kết quả phân tích có quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận và thống nhất với Công ty Apatit để tập kết, quản lý và sử dụng theo quy định.
Tuy nhiên, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai, tại bản kết luận giám định tập thể về kết luận giám định tư pháp ngày 27.2.2021 của Sở TN-MT tỉnh Lào Cai giám định các nội dung theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã kết luận: theo quy định của pháp luật, Văn bản số 2160, Văn bản 1717 của UBND tỉnh Lào Cai không phải là giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép tận thu khoáng sản.
Theo đó, Công ty Lilama dựa vào các văn bản nói trên để tiến hành khai thác, tận thu, thu gom và tiêu thụ quặng apatit tại khu vực 3,77 ha, thuộc thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai, là khai thác khoáng sản trái phép.
Bình luận (0)