Từ súng cối 160 mm đến máy gây nổ
Ngay sau khi thành lập, Viện Công nghệ tập trung nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm, đưa nhanh vào sản xuất một số vũ khí, khí tài mới. Đầu năm 1974, đơn vị nhận lệnh "đến cuối năm 1974, phải nghiên cứu chế tạo được súng và đạn cối 160 mm để chi viện cho chiến trường". Từ bản thiết kế súng và đạn cối 160 mm của Viện Thiết kế quân giới, cán bộ và kỹ sư của Viện Công nghệ đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chế thử và chuyển các nhà máy quốc phòng sản xuất các bộ phận, tổng lắp súng đạn trước ngày 22.12.1974.
Khi súng và đạn cối 160 mm được lắp ráp hoàn chỉnh, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi xem và khen ngợi.
Sau ngày thống nhất, Viện Công nghệ (lúc này trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật) tập trung nghiên cứu, bảo đảm kỹ thuật các phương tiện cơ giới phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam, biên giới phía bắc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng
Cuối năm 1979, đơn vị nhận nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo máy gây nổ cho bộ đội biên giới đánh mìn từ xa. Đầu tháng 5.1980 đơn vị cho ra đời máy gây nổ GN 79-1, thử nghiệm trên biên giới phía bắc và sản xuất hàng loạt, phục vụ yêu cầu chiến đấu ở biên giới phía bắc, tây nam.
Giàn phóng bom chống ngầm và robot trinh sát
Cuối tháng 1.2007, Viện Công nghệ chính thức trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tập trung nghiên cứu, triển khai công nghệ chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật như: xây dựng năng lực công nghệ chế tạo tên lửa có điều khiển; chế tạo pháo và đạn phòng không, đạn pháo chiến dịch; nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí để hiện đại hóa một bước vũ khí cho sư đoàn bộ binh; chế tạo vũ khí đặc thù cho tác chiến điện tử…
Đại tá - TS Phạm Tuấn Hải (Viện trưởng Viện Công nghệ) cho biết từ 2013 - 2023, Viện đã thực hiện 84 đề tài nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu, chế tạo các vũ khí trang bị mới. Kết quả này đã góp phần tạo ra các sản phẩm vũ khí trang bị mới cho quân đội, nâng cao tính chủ động của công nghiệp quốc phòng VN, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, vật tư, linh kiện từ nước ngoài.
Một số thành công quan trọng của Viện Công nghệ như: cơ bản làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo hầu hết các loại đạn lục quân, phòng không và một số loại đạn hải quân; chế tạo các loại đạn pháo, nòng pháo, giàn phóng bom chống ngầm; một số mác hợp kim đặc biệt, sơn, keo, chất bịt kín, cao su đặc chủng cho chế tạo chi tiết tên lửa, đầu đạn, vỏ liều…; làm chủ công nghệ chế tạo áo giáp, mũ, kính chống đạn; bước đầu nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ từng phần các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí cơ động, tích hợp hệ thống (tên lửa phòng không tầm thấp, robot chiến đấu và trinh sát, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành...).
Súng đạn… thông minh
TS Lê Đại Phong, năm nay 52 tuổi, là Phó viện trưởng Viện Công nghệ, nhưng đã đeo quân hàm đại tá từ cách đây 10 năm. Ông Phong quê Hải Dương, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở Học viện Kỹ thuật quân sự, được giữ lại làm giảng viên và đã có rất nhiều dấu ấn trong ngành điều khiển, đặc biệt là phát hiện, nhận dạng tín hiệu và nhất là làm chip điều khiển từ những năm 2007 - 2008.
"Viện Công nghệ là viện đa ngành, đủ mọi thứ từ súng pháo, đạn dược, hóa chất… cho đến tên lửa, điện tử điều khiển liên quan trực tiếp đến công nghệ thông tin", TS Phong cho biết và bật mí: "Chiến tranh trước đây chỉ bắn đạn thông thường, bây giờ các quốc gia tập trung sản xuất đạn thông minh. Đi theo cách ấy thì rất tốn kém. Chúng tôi đã nâng cấp các loại đạn thông thường, đưa các phần điện tử, công nghệ thông tin vào, để thành đạn… thông minh và điều khiển nổ theo mong muốn, từ đó nâng cao khả năng sát thương của các loại đạn này".
Với súng pháo, phần thông minh được đưa vào (gắn thêm cảm biến, quang điện tử, đo xa, ra đa…) để nâng cao độ chính xác. "Xưa, yêu cầu đối với bộ đội là phải bắn trúng. Nhưng với súng đạn thông minh của chúng tôi, bộ đội bắn… gần trúng, thậm chí sượt qua, cũng diệt được mục tiêu", TS Phong cười.
Mấy lần đi xem diễn tập trên biển, ai cũng trầm trồ bởi kết quả bắn của pháo tàu hải quân. Hỏi ra mới biết đạn là do Viện Công nghệ nghiên cứu chế tạo mấy năm trước, chuyên dùng trên tàu hải quân. Đạn này có độ chụm cao, tầm bắn xa, tăng bán kính sát thương… và toàn bộ đều "Made in VN".
Thời gian tới, sẽ có nhiều sản phẩm của Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được công bố, như: tên lửa tầm thấp; robot trinh sát và chiến đấu mặt đất, tích hợp các vũ khí trang bị kỹ thuật sản xuất trong nước; tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại đánh trả các thiết bị bay có người lái - không người lái (UAV), đặc biệt là đối phó với UAV cảm tử - bầy đàn… "Yên tâm! Thế giới có gì, chúng ta có cái ấy", đại tá - TS Phạm Tuấn Hải nói. (còn tiếp)
Tập trung nghiên cứu nhiên liệu cho vũ khí siêu vượt âm
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm như: các mác thuốc phóng thuốc nổ, nhiên liệu tên lửa, hỏa thuật cho vũ khí, đạn dược cần thay thế, cải tiến; nhiên liệu rắn tên lửa hỗn hợp cho các dòng tên lửa và nhiên liệu cho vũ khí siêu vượt âm; vật tư, hóa chất đặc chủng cho sản xuất vật liệu nổ...
Đại tá - TS Phạm Văn Toại, Viện trưởng Viện Thuốc phóng thuốc nổ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Bình luận (0)