Vũ khí laser trên không của Mỹ

12/09/2009 22:45 GMT+7

Quân đội Mỹ đang triển khai việc sử dụng máy bay gắn vũ khí laser để tiêu diệt tên lửa đối phương. Nói cách khác, họ đang tiến tới việc thành lập hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa đạn đạo từ trên không.

Đích ngắm cuối cùng

Vào giữa tháng 7.2009, theo thông tin từ Không lực Mỹ, quân đội nước này đã phối hợp với hãng Boeing lần đầu tiên thử nghiệm vũ khí laser đối với máy bay. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại trường bắn tên lửa White Sands ở bang New Mexico, Mỹ. Những người tham gia cuộc thử nghiệm khẳng định hệ thống Advanced Tactical Laser (ATL - laser chiến thuật tối tân) được gắn trên chiếc máy bay NC-130H Hercules lần đầu tiên từ trên không đã tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất.

Cuộc thử nghiệm nêu trên nằm trong chương trình đầy tham vọng mang tên ABL (Airborne Laser) của Mỹ, mà cường quốc này hy vọng sẽ chế tạo được loại vũ khí đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương ngay từ trên không. ABL bắt đầu được triển khai vào năm 1996 theo sáng kiến của Không lực Mỹ. Ban đầu, Lầu Năm Góc dự tính sẽ đầu tư vào chương trình này một khoản tiền không lớn: 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn thông tin hiện “laser bay” đã đội giá lên từ mức 7 tỉ đến 13 tỉ USD. Hơn thế, các thiết kế hoàn thiện loại vũ khí này hiện vẫn chưa kết thúc.

 

Những cuộc thử nghiệm thuộc ABL thành công nhất, theo thông tin từ Cục Phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ (U.S. Missile Defense Agency), được tiến hành vào ngày 8.9.2009, tại bãi phóng tên lửa ở duyên hải miền trung California. Tại đây, loại vũ khí laser mới đã hoàn thành và cho kết quả tốt đối với các tình huống được đề ra như phát hiện, bao vây, đi kèm mục tiêu, cũng như tự điều chỉnh các sai số do khí quyển gây nên, để cuối cùng dùng vũ khí laser gắn trên chiếc máy bay YAL–1 do Boeing sản xuất, tiêu diệt mục tiêu là tên lửa. Kích thước và các thông số của loại tên lửa này tương tự với tên lửa đạn đạo và nó còn được gắn thêm một số thiết bị kỹ thuật để đánh giá tính năng của các tia laser. 

Một tháng trước đó, vào ngày 6 và 13.7.2009, lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng laser để chống lại một tên lửa “sắm vai” tên lửa đạn đạo. Trong những tháng tới đây, các cuộc thử nghiệm laser trên không sẽ tiếp tục diễn ra mà kết quả cuối cùng sẽ là tiêu diệt tên lửa đạn đạo đích thực. Theo kế hoạch của các nhà thiết kế và lãnh đạo quân đội Mỹ, đến cuối năm nay, họ sẽ tiến tới đích ngắm này.

Còn không ít khó khăn

Theo báo điện tử Lenta.ru của Nga, vào ngày 28.8 vừa qua, khi được hỏi về loại vũ khí laser mà Mỹ đang thử nghiệm, viện sĩ - cố vấn của Viện Hàn lâm khoa học thiết kế của Nga Yuri Zaishev nói rằng ông nghi ngờ về tính khả thi về kế hoạch đầy tham vọng đó, bởi có quá nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật. Ông Yuri Zaishev cho biết thêm, thực ra loại vũ khí này đã được Liên Xô trước đây thiết kế và đã thử nghiệm thành công vào năm 1972.

Chiếc Boeing laser đầu tiên

Mỹ bắt đầu thiết kế vũ khí laser quân sự vào đầu thập niên 1970. Chiếc máy bay đầu tiên được lắp đặt súng laser do hãng Boeing sản xuất. Lần đầu tiên loại máy bay này cất cánh là vào năm 1973 và có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở độ cao 60 mét. Từ đó cho đến năm 1983, Mỹ nhiều lần thử nghiệm thành công loại vũ khí này, nhưng sau đó đã ngừng các cuộc thử nghiệm. Đại diện Không lực Mỹ khi đó giải thích rằng, đây thuần túy chỉ là các cuộc thử nghiệm khoa học chứ không nhằm mục đích tiến tới thiết kế sản xuất vũ khí laser.

“Trong những tháng cuối, sự phức tạp của việc thử nghiệm vũ khí laser trên không  sẽ tăng lên”, ông Yuri Zaishev bình luận với Hãng tin Interfax. “Đặc biệt điều này sẽ diễn ra khi Mỹ kiểm tra khả năng tham chiến của vũ khí laser đối với tên lửa đạn đạo, khi nó bắt đầu ở giai đoạn mới được phóng lên và chuẩn bị tăng tốc”. Theo lời ông Yuri Zaishev, khi vận hành loại vũ khí này, các tia laser trong nháy mắt sẽ làm nóng bình nhiên liệu của tên lửa đạn đạo ở nhiệt độ cực cao khiến nó bị nổ tung và tên lửa sẽ bị hạ gục. Tuy nhiên, đối phương có thể vô hiệu hóa điều này bằng các biện pháp đặc biệt. Chẳng hạn phủ trên thân của tên lửa lớp chống laser.

Ông Yuri Zaishev cũng khẳng định loại vũ khí laser của Mỹ chỉ có thể tiêu diệt tên lửa tầm trung. Hơn thế, đó chỉ là loại tên lửa chiến thuật. Còn với tên lửa chiến lược thì do những khó khăn trong thiết kế kỹ thuật và do cấu tạo của loại vũ khí laser như hiện nay nên tiêu diệt nó là điều không thể. Mỹ khó mà có thể trong một sớm một chiều khắc phục những điểm hạn chế này. Ngoài ra, khi laser hoạt động nó sẽ làm thân máy bay nóng lên nên dễ dẫn đến thảm họa cho máy bay. Phía Mỹ hiện cũng chưa hoàn thiện được hệ thống thấu kính laser ngắm bắn và giải quyết tốt sự xác định chính xác mục tiêu cần tấn công.

Theo một vài chuyên gia quân sự, các nhà quân sự Mỹ hiểu khá rõ những khó khăn đang chờ đợi họ trong triển khai chương trình ABL. Bởi, theo như dự kiến và tính toán ban đầu sẽ có 7 máy bay được gắn hệ thống vũ khí laser, nhưng trong năm 2008, số lượng được đề cập đến giảm xuống chỉ còn 2 chiếc. Thực tế thì Mỹ hiện chỉ có một chiếc duy nhất thuộc loại này để tiến hành các cuộc thử nghiệm.

Nhiều quốc gia muốn nhập cuộc

Trở lại với việc Liên Xô trước đây thiết kế và thử nghiệm máy bay có vũ khí laser. Cho dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng hiệu quả của nó cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Chiếc máy bay đầu tiên của Liên Xô được dùng để thử nghiệm vũ khí laser là loại IL–76 mà giới quân sự thường gọi là A-60. Nó dự định cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19.8.1981. Tuy nhiên, ngay sau đó chiếc máy bay này đã bị cháy rụi hoàn toàn ngay tại sân bay. Nguyên nhân là có sự cố từ bình xăng rò rỉ. Theo thông tin từ website Airwar.ru, buổi chiều trước ngày chiếc A-60 cất cánh, nó đã được bơm nhiên liệu đầy đủ. Tuy nhiên vào buổi sáng hôm sau, các nhân viên kỹ thuật lại chui vào bên trong máy bay để tiếp thêm xăng. Lúc đó do sự cố chập điện nên dẫn đến hỏa hoạn. Các nhân viên kỹ thuật bị bắt giữ ngay. Các đội xe cứu hỏa có mặt kịp thời, nhưng họ lại không có giấy phép được vào phía trong của chiếc máy bay bí mật. Không thể nào cấp giấy phép theo đúng thủ tục ngay lúc đó, ngọn lửa mỗi lúc một bùng phát, những người lính cứu hỏa chỉ còn biết tự cứu lấy mình.

Chiếc máy bay tương tự thứ hai chỉ cất cánh lần đầu tiên sau đó 10 năm - tháng 8.1991 với các thiết bị laser tân tiến hơn được lắp đặt. Các kết quả thử nghiệm chỉ hé lộ chút ít, bởi nó được tiến hành trong chế độ bảo mật cao. Tuy thế, một số cơ quan chuyên ngành tham gia vào chương trình này sau đó khẳng định: Vài cuộc thử nghiệm đã đạt kết quả tốt, khi vũ khí laser tiêu diệt được các mục tiêu trên không ở độ cao khoảng 30-40 km. Theo một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, hiện phía Nga vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này. 

Cũng cần ghi nhận rằng, hiện có nhiều quốc gia đang theo đuổi thiết kế vũ khí laser, trong đó có Israel. Hàn Quốc hiện cũng muốn thiết kế vũ khí laser để có thể đánh chặn các loại tên lửa mà CHDCND Triều Tiên đang sở hữu. Các chuyên gia quân sự cũng đánh giá Trung Quốc có khả năng thiết kế loại vũ khí laser này.
 
Tựu trung, hiện nay các chương trình thiết kế vũ khí laser của một số quốc gia (nếu có) chỉ mang tính phô trương, quảng bá nhiều hơn là thực tế. Bởi cho đến nay, do có những khó khăn trong thiết kế kỹ thuật, chưa có quốc gia nào khẳng định sẽ hoàn thiện, sản xuất được loại vũ khí này. Tương lai của vũ khí laser đánh chặn từ trên không hiện vẫn là câu hỏi lớn.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.