Vũ khí mới nhất của Mỹ đối phó Trung Quốc và Nga

Khánh An
Khánh An
07/07/2022 19:53 GMT+7

Lầu Năm Góc đang có kế hoạch giành lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực khinh khí cầu với tiềm năng theo dõi vũ khí bội siêu thanh.

Khinh khí cầu trong chương trình JLENS của quân đội Mỹ

AFP

Những khinh khí cầu tầm cao, ở khoảng cách từ 18-27 km sẽ được bổ sung vào mạng lưới do thám của Mỹ và dần dần có thể theo dõi các vũ khí bội siêu thanh, theo tờ Politico ngày 6.7.

Ý tưởng này nghe có vẻ viễn tưởng, nhưng tài liệu về ngân sách của Lầu Năm Góc là dấu hiệu cho thấy công nghệ này đang được chuyển từ cộng đồng khoa học của Bộ Quốc phòng sang quân đội.

Theo chuyên gia Tom Karako thuộc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Quốc phòng tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những vị trí cao và rất cao sẽ có rất nhiều lợi thế về tầm quan sát và liên lạc của các khinh khí cầu.

Hiện Lầu Năm Góc tiếp tục đầu tư vào các dự án này vì quân đội có thể sử dụng khinh khí cầu vào những mục đích khác nhau.

Trong 2 năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi khoảng 3,8 triệu USD cho các dự án khinh khí cầu, và có kế hoạch chi 27,1 triệu USD trong tài khóa 2023 để tiếp tục tập trung và nhiều nỗ lực.

Theo giới chuyên môn, những khinh khí cầu này của Mỹ có thể sẽ được dùng để theo dõi và răn đe các vũ khí bội siêu thanh đang được Trung Quốc và Nga phát triển.

Theo dõi từ bầu trời

Trong nhiều năm, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành thử nghiệm sử dụng các khinh khí cầu tầm cao và những UAV năng lượng mặt trời để thu thập dữ liệu, cung cấp cho lực lượng mặt đất sự liên lạc và giảm thiểu những vấn đề của vệ tinh.

Theo phát hiện của Politico từ những tài liệu liên quan ngân sách của Bộ Quốc phòng, cơ quan này đang âm thầm chuyển giao các dự án khinh khí cầu cho những đơn vị quân đội nhằm thu thập dữ liệu và truyền thông tin cho các máy bay.

Dự án COLD STAR nhằm định vị bọn buôn lậu ma túy từng được truyền thông đưa tin nhiều vào năm 2019. Khi đó, Lầu Năm Góc đã vận hành 25 khinh khí cầu trinh sát từ Nam Dakota để trình diễn.

Chương trình này đã được chuyển cho quân đội, nhưng Bộ Quốc phòng không tiết lộ chi tiết vì đây là thông tin mật.

Một sáng kiến khác nhằm kết hợp các công nghệ với nhau và Bộ Quốc phòng đang thử nghiệm để đánh giá việc phối hợp giữa các khinh khí cầu và vệ tinh thương mại.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn nghiên cứu sử dụng UAV phối hợp với khinh khí cầu nhằm theo dõi các mục tiêu di động trên mặt đất, cung cấp liên lạc và ngăn chặn các tín hiệu điện tử. Công nghệ này có thể được chuyển giao cho Lục quân và Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt.

Tiện dụng, chi phí thấp

Công ty Raven Aerostar trực thuộc Raven Industries sản xuất các khinh khí cầu trên. Công ty này cho biết khinh khí cầu có một bộ phận điều khiển bay hoạt động nhờ pin sạc bằng năng lượng mặt trời.

Khinh khí cầu còn có thiết bị điện tử điều khiển an toàn bay, thao tác khi bay và liên lạc, theo chuyên gia Russell Van Der Werff tại Raven Aerostar.

Những luồng gió sẽ giúp khinh khí cầu bay theo hướng mong muốn, và công ty tận dụng lợi thế của tốc độ và hướng gió khác nhau để di chuyển khinh khí cầu đến khu vực mục tiêu.

Tên lửa bội siêu thanh đáng sợ đến mức nào?

Bên cạnh đó, Raven Aerostar sử dụng một thuật toán độc quyền giúp dự đoán hướng gió và kết hợp trực tuyến với các dữ liệu cảm biến. Công ty còn sử dụng một phần mềm để điểu khiển bay, quan sát các khinh khí cầu khác và có một trung tâm điều hành gồm những kỹ sư đầy kinh nghiệm làm việc 24/7.

Những khinh khí cầu này có thể bổ sung công việc của những máy bay và vệ tinh truyền thống, và những khinh khí cầu trên tầng bình lưu có thể được chế tạo và đưa lên mà không cần quá nhiều chi phí và thời gian.

Chẳng hạn như chi phí đưa khinh khí cầu lên vận hành trong vài tuần hoặc vài tháng là chừng vài trăm ngàn USD, so với vài triệu hay vài chục triệu USD để đưa các vệ tinh, máy bay lên và duy trì hoạt động.

Không phải lần đầu

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng vận hành các khinh khí cầu chứa khí hê-li trên tầng bình lưu từ thập niên 1950 và Lục quân Mỹ trong vài năm gần đây đã thử nghiệm những hệ thống này ở tầm thấp. Lĩnh vực tư nhân cũng đang đầu tư vào thị trường khinh khí cầu. Hãng Alphabet đã đưa các khinh khí cầu lên vào năm 2017 nhằm cung cấp dịch vụ liên lạc di động tại Puerto Rico sau bão Maria. Vào giữa thập niên 2010, Lục quân Mỹ đầu tư vào chương trình khinh khí cầu nhỏ JLENS cho mục đích do thám, nhưng sau cùng đã hủy vào năm 2017 do thử nghiệm không thành công như mong đợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.