(Tin Nóng) Mặc dù có công nghệ dẫn đầu, vũ khí của Nga vẫn đối mặt với một lệnh cấm ảo ở phương Tây. Tuy nhiên, hình ảnh này lại hoàn toàn khác ở châu Á, nơi tiêu thụ chủ yếu của vũ khí Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga khiến phương Tây phải đặt tên là “hố đen trong lòng đại dương” - Ảnh: TASS
|
Theo bài viết trên trang tin RBTH ngày 8.7, vũ khí của Nga là đủ tốt cho Trung Quốc và Ấn Độ là những nước lắm tiền và có thể mua sắm loại tốt nhất; tuy nhiên vũ khí Nga khó vào thị trường các nước phương Tây vì có một lệnh cấm bất thành văn. Trừ những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý của Hy Lạp và Cyprus, không có quốc gia phương Tây nào để mắt đến vũ khí của Nga
RBTH cho rằng có một loại phân biệt chủng tộc kinh tế chống lại Nga. Rất lâu trước khi phương Tây chính thức áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, các công ty của Nga đã phải chiến đấu với một cuộc tẩy chay bất thành văn đối với các sản phẩm của họ. Chỉ có một số ít người đam mê súng ở Mỹ nhập khẩu vũ khí của Nga như khẩu súng trường Kalashnikov, nhưng lại không mua với số lượng lớn.
Vai trò mà phương Tây giao cho Nga là nơi cung cấp nguyên liệu cho các nền kinh tế của thế giới thứ nhất. Theo ông Leonid F. Fitunin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu ở Moscow, "Lý do châu Âu và Mỹ gây khó khăn cho hàng sản xuất của Nga là để hỗ trợ các nhà sản xuất của họ, và việc nhập khẩu các mặt hàng của Nga như vũ khí kỹ thuật cao, trực thăng, tua bin, thiết bị chính xác v.v thường được xem như là một mối đe dọa an ninh".
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - Ảnh: TASS
|
Châu Á, khách hàng thường xuyên
Ngược lại, cả Trung Quốc và Ấn Độ đang dẫn đầu việc nhập khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là các thiết bị quân sự và vũ khí. Trung Quốc, với hơn 3.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ, rất thích công nghệ của Nga. Bắc Kinh không phải là kẻ khờ, họ là một siêu cường trong tương lai. Không chỉ muốn duy trì di sản của việc sử dụng thiết bị quốc phòng Nga, Trung Quốc còn thu thập được những hệ thống vũ khí tương tự và còn trội hơn của phương Tây.
Những đơn hàng mua vũ khí Nga mới nhất của Trung Quốc bao gồm máy bay tiêm kích - ném bom thế hệ 4 ++ là Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (trị giá 500 triệu USD/hệ thống). Sự khao khát của Bắc Kinh đối với vũ khí Nga cũng được thúc đẩy từ nhu cầu muốn hấp thụ công nghệ quốc phòng tiên tiến mà nước này hiện đang thiếu.
Ví dụ, Trung Quốc hiện nay phụ thuộc vào động cơ của Nga cho các máy bay tàng hình J-20 và J-31 tự chế tạo. Giới quan sát có thể nhìn thấy các mức độ khó khăn khác nhau mà các kỹ sư Trung Quốc đang trải qua trong việc kết hợp công nghệ Mỹ so với công nghệ của Nga. Máy bay tàng hình của Trung Quốc chủ yếu dựa vào công nghệ tàng hình Mỹ do các tin tặc Trung Quốc lấy cắp, và các nhà thiết kế Trung Quốc sản xuất máy bay của họ trước khi người Mỹ có thể hoàn thiện máy bay tàng hình F-35.
Mặt khác, tính ưu việt của các loại động cơ máy bay của Nga đã được chứng minh. Động cơ tiêm kích Su-35 là một trong những lý do Trung Quốc phải chi hàng tỉ USD để chỉ mua 24 chiếc Su-35.
Su-35 với động cơ vượt trội khiến Trung Quốc quyết định chi hàng tỉ USD để có được - Ảnh: TASS
|
Còn Ấn Độ đang đầu tư 25 tỉ USD trong dự án máy bay chiến đấu tàng hình PAK-FA với Nga. Ấn Độ còn mua công nghệ để sản xuất lắp ráp tiêm kích Su-30, xe tăng T-90 và tàu chiến tàng hình. Ấn Độ đã quyết định chi hơn 100 tỉ USD cho các thiết bị quân sự trong thập niên này và đa số sẽ dành mua vũ khí của Nga. Mặc dù các công ty quốc phòng phương Tây có mặt ở New Delhi chào mời máy bay, tàu ngầm và tên lửa của họ, Ấn Độ vẫn gắn bó phần lớn với Nga bởi vì kinh nghiệm chiến trường của nước này với vũ khí Nga.
Thực tế vũ khí của Nga hoạt động tốt, bền bỉ. Ngay cả trong buổi bình minh của chiến tranh lạnh khi Moscow đã phải vật lộn để bắt kịp với phương Tây trong các loại vũ khí, chất lượng vũ khí của Nga đã được phương Tây thừa nhận, dù miễn cưỡng. Vào năm 1958, tạp chí TIME đã viết: "Vũ khí của Nga nói chung là thiết kế đơn giản và linh hoạt hơn. Đã quá lâu phương Tây tin rằng Liên Xô làm vũ khí đơn giản vì họ không thể làm được những loại vũ khí phức tạp. Bây giờ phương Tây nhận ra rằng sự đơn giản chứng tỏ trình độ cao về kỹ thuật".
Xe tăng T-90 nổi tiếng của Nga đang được Ấn Độ sử dụng - Ảnh: RBTH
|
Chọn vũ khí Mỹ hay Nga?
Những cân nhắc về địa chính trị đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các nhà cung cấp vũ khí. Điều đó sẽ không thay đổi. Nhưng các yếu tố khó lường khác có thể huỷ hoại kế hoạch quốc phòng.
Lấy chiếc máy bay tàng hình F-35 làm ví dụ. Nó là loại vũ khí tấn công thay thế hầu hết các vũ khí khác mà Mỹ đưa ra cho mình và các đồng minh.
Chiếc F-35 được cho là để thay thế tất cả các máy bay chiến đấu hiện tại, vì nó sẽ thực hiện tất cả các vai trò đang được thực hiện bởi một loạt máy bay chiến đấu như F-15, F-18, F-16 và cỗ máy diệt tăng A-10. Hóa ra F-35 là một chiến binh vô dụng khi đã ngốn hết ngân sách quốc phòng của Mỹ hơn 1.000 tỉ USD - bằng GDP của nước Úc.
Nhật Bản và Úc có kế hoạch sắm khoảng 70 chiếc F-35 để thay thế F-15 và F-18. Bây giờ quên đi những thiếu sót của máy bay này về động cơ, nỗi lo lớn đối với Nhật Bản và Úc là F-35 sẽ rất tốn kém khi hoạt động, có nghĩa là các chuyến bay huấn luyện sẽ ít hơn cho các phi công của họ. Thứ hai, máy bay này sau mỗi giờ bay sẽ tốn hàng chục giờ bảo trì, có nghĩa là số máy bay trong tình trạng sẵn sàng hoạt động sẽ thấp hơn. Trong chiến tranh, điều đó có thể dẫn đến sự khác biệt giữa chiến thắng và bại trận.
Và RBTH nhận định rằng trong bối cảnh này, các quốc gia châu Á cần phải hành động thông minh hơn so với Nhật Bản và Úc để đảm bảo họ nhận được loại vũ khí thích hợp nhất.
Anh Sơn
>> Nga phát triển hệ thống phóng tên lửa đa năng cho tàu chiến
>> Công ty Nga thiết kế nhà máy đóng và sửa chữa tàu ở Cam Ranh
>> Trực thăng lội nước của Nga sẽ trang bị mìn hạt nhân diệt tàu ngầm?
>> Nga sẽ tái sản xuất trực thăng lội nước
>> Phớt lờ Trung Quốc, Nga đóng tiếp 2 chiến hạm Gepard cho Việt Nam
>> Bên trong tàu đổ bộ tốc độ cao của Nga mới thượng cờ
>> Tàu ngầm Nga đắt hàng ở thị trường châu Á
Bình luận (0)