Vũ khí 'ngày tận thế' của Nga

17/01/2018 08:29 GMT+7

Lầu Năm Góc thừa nhận Nga đã phát triển được thiết bị lặn không người lái mang theo đầu đạn hạt nhân có năng lực phá hủy cảng biển của Mỹ.

Trong dự thảo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) vừa bị rò rỉ hồi cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Nga đã sở hữu vũ khí mới đầy uy lực trong lòng biển, theo tạp chí Newsweek. Trang tin Defense News dẫn các nguồn thạo tin cho hay vũ khí mà dự thảo đề cập là dạng thiết bị lặn không người lái (AUV) có tên chính thức là Hệ thống Đa nhiệm đại dương Status-6.
Được Lầu Năm Góc gọi là Kanyon, loại vũ khí này từng được thử nghiệm trên biển vào tháng 11.2016. Vào thời điểm đó, báo mạng The Washington Free Beacon đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện Status-6 được phóng từ một tàu ngầm lớp Sarov, loại chuyên thử nghiệm các công nghệ mới trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ không công nhận sự tồn tại của Status-6 cho đến khi truyền thông tiết lộ nội dung dự thảo NPR 2018.
Theo The Washington Free Beacon, Status-6 có tầm hoạt động gần 10.000 km, tốc độ tối đa có thể vượt ngưỡng 56 hải lý/giờ (100 km/giờ) và lặn đến độ sâu 1.000 m so với mặt biển. Thiết bị lặn hạt nhân này xuất xưởng từ Cục Thiết kế Rubin tại TP.Saint Petersburg, một trong ba trung tâm chủ lực chuyên thiết kế tàu ngầm của Nga.
Trong thời điểm hiện tại, có ít nhất hai tàu ngầm sử dụng được vũ khí mới, bao gồm tàu ngầm lớp Oscar có thể mang theo 4 thiết bị Status-6 mỗi lần xuất kích.
Dựa theo một số nguồn tin, mỗi thiết bị lặn này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với sức nổ tối đa 100 megaton, tương đương sức công phá của 100 triệu tấn chất nổ TNT, tức gấp đôi uy lực của quả bom hạt nhân mang tên Sa hoàng (Tsar Bomba) được phát triển dưới thời Liên Xô.
Dự án AUV trên từng được hé lộ vào năm 2015, khi các bản thiết kế lọt vào ống kính ghi hình trong lúc Tổng thống Vladimir Putin thảo luận với một vị tướng. Báo chí phương Tây khi ấy dẫn lời giới chuyên gia cho rằng đây không phải là một sự cố rò rỉ ngẫu nhiên, mà là thông điệp cố ý của Điện Kremlin gửi đến Washington và NATO.
Theo thiết kế, thiết bị lặn không người lái này có thể “xóa sổ các cơ sở kinh tế quan trọng trên bờ biển và tạo ra tổn thất nặng nề cho lãnh thổ đối phương bằng cách gây nhiễm phóng xạ trên diện rộng, khiến đối thủ không thể thực hiện các hoạt động quân sự, kinh tế hoặc các hoạt động khác trong một thời gian dài”.
Nhật báo Nga Rossiyskaya Gazeta đưa tin mức độ gây nhiễm phóng xạ của vũ khí mới được cho là tương tự “bom bẩn”, loại vũ khí hạt nhân được thiết kế để tạo ra hàm lượng bụi phóng xạ vượt xa đầu đạn nguyên tử thông thường. “Bom bẩn” là một khái niệm được thai nghén vào thời Chiến tranh lạnh, nhưng chưa từng được chính thức phát triển trên thực tế. Theo nhận định của giới quan sát, Nga có thể dùng Status-6 trong trường hợp cần xử lý hai căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại bang Georgia và Washington.
Trước bước phát triển mới của Nga, Lầu Năm Góc dường như đã có động thái chuẩn bị, dù chưa quá rõ ràng. Cách đây vài tháng, nhà thầu Lockheed Martin đã tiếp nhận hợp đồng trị giá 432 triệu USD với nội dung thiết kế thiết bị lặn không người lái mang tên Orca. Đây là phương tiện có thể được triển khai từ căn cứ hoặc từ tàu đổ bộ tấn công của thủy quân lục chiến, dùng để thực hiện các sứ mệnh tự hành với khoang chứa thay đổi tùy mục đích sử dụng. Nhà thầu Northrop Grumman vào đầu tháng 12 cũng tiếp nhận dự án thiết kế khoang chứa dành cho tàu Orca, theo yêu cầu của Hạm đội Thái Bình Dương nhằm đối phó chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập tại khu vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.