Trong những thập niên qua, phương Tây được cho đã tập trung vào tăng cường chất lượng của từng loại vũ khí hơn là số lượng. Một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của phương Tây khi can dự vào các cuộc xung đột là thực hiện tấn công chớp nhoáng với ưu thế vượt trội về công nghệ vũ khí.
Tuy nhiên, chiến lược quân sự trên đã lộ ra những điểm yếu khi tham gia vào xung đột kéo dài, mà chiến sự Ukraine là minh chứng cụ thể. "Chúng tôi đã không dự trữ vũ khí cho kiểu xung đột kéo dài như vậy, trong khi Nga và Trung Quốc thì có", cựu thiếu tướng quân đội Úc Mick Ryan nhận định, với Business Insider.
Vũ khí phương Tây có chất nhưng thiếu lượng
"Bản thân số lượng đã là chất lượng"
Trong thế kỷ 20, Mỹ nhận thấy sẽ không thể so bì với Liên Xô về quy mô sản xuất vũ khí hàng loạt, do đó Washington tập trung đưa những công nghệ tốt nhất vào từng sản phẩm. Ông George Barros, nhà nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nhận định với học thuyết quân sự trên, người Mỹ đã cho ra đời những vũ khí như xe tăng Abrams - có hỏa lực và giáp dày hơn mẫu xe tăng dòng T của Liên Xô, vốn được sản xuất với số lượng lớn.
Cách tiếp cận của phương Tây với vũ khí công nghệ cao đã chứng minh hiệu quả trong một số cuộc xung đột của hình thái chiến tranh hiện đại, điển hình là chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lại Iraq năm 1990 - 1991.
Song, mặt trái của cách tiếp cận ưu tiên số lượng hơn chất lượng sẽ lộ rõ khi phải đối đầu với những đối thủ có tiềm lực quân sự mạnh và có thể kéo dài xung đột. Trong xung đột tại Ukraine, ở nhiều thời điểm Kyiv đã phải cân nhắc mỗi khi định dùng tên lửa phòng không đánh chặn máy bay không người lái (UAV) của Nga.
Mỗi quả tên lửa phóng ra có giá lên đến hàng triệu USD, trong khi nếu chỉ hạ được UAV với giá vài chục ngàn USD sẽ không mang lại lợi ích chiến lược. Tính hiệu quả của số lượng cũng được thể hiện khi Nga và Ukraine dùng nhiều UAV trong mỗi đợt tấn công nhằm tạo áp đảo trước hệ thống phòng không của đối thủ.
Ông Barros nói trong các cuộc chiến kéo dài như xung đột Nga - Ukraine hiện nay, khả năng duy trì nguồn lực sẽ trở thành chìa khóa. "Phương Tây không thể chỉ dựa vào vũ khí chất lượng cao nếu đó không phải cuộc tấn công sẽ chiến thắng ngay lập tức. Khi giao tranh kéo dài, những nhân tố như bên nào có đủ hỏa lực pháo binh sẽ được tính đến", ông nhận định.
Bài toán cân bằng
Sau Chiến tranh Lạnh, các nước phương Tây cắt giảm kho vũ khí và chi tiêu quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng giảm theo, trong khi ngân sách của Nga và Trung Quốc cho quân đội tăng.
Cuộc chiến tại Ukraine đặt ra vấn đề trong việc cân bằng giữa sở hữu vũ khí công nghệ cao nhưng vẫn đảm bảo dự trữ kho vũ khí có thể chất lượng không bằng nhưng số lượng lớn. “Để răn đe Nga hay Trung Quốc, phương Tây có thể phải chi tiêu quốc phòng như thời Chiến tranh Lạnh”, ông Barros nói.
Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ thua nếu mất đoàn kết và Mỹ cắt viện trợ
Xung đột cùng với nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp quốc phòng đã thúc đẩy hoạt động sản xuất vũ khí ở phương Tây tăng mạnh, mặc dù các chuyên gia về chiến tranh và nhiều nhà lập pháp cho là chưa đủ. Ông William Alberque, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định sản xuất quốc phòng của phương Tây “đáng lo ngại và chưa được giải quyết triệt để”, dù các thành viên NATO đang có những chuyển biến đúng hướng. Ngoài ra, năng lực sản xuất tại các nước phương Tây cũng là dấu hỏi ngay cả khi các nước chịu chi tiền, nếu đặt lên bàn cân với cường quốc sản xuất như Moscow hay Bắc Kinh.
Các nhà quan sát cho rằng đề cao số lượng không đồng nghĩa việc hạ thấp giá trị của những món vũ khí công nghệ cao. Thay vào đó, chúng có thể được sử dụng kết hợp và đóng vai trò chiến lược, sau khi loạt vũ khí giá rẻ được sử dụng nhằm tiêu hao sinh lực đối thủ.
Bình luận (0)