Vụ khủng bố 11.9: cuộc gọi của người vợ từ máy bay bị cướp

Văn Khoa
Văn Khoa
09/09/2021 19:00 GMT+7

Một người đàn ông có vợ mất trong vụ khủng bố 11.9 vừa kể lại khoảnh khắc ông đón nhận hung tin và nội dung cuộc gọi của vợ từ máy bay cũng như cuộc đời của ông đã thay đổi như thế nào sau vụ đó.

20 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, ông Jack Grandcolas (58 tuổi) vẫn còn nhớ khoảnh khắc thức dậy lúc 7 giờ 30 hôm đó. Ông nhìn đồng hồ rồi nhìn ra cửa sổ, thấy một hình ảnh trông giống như thiên thần đang ở trên bầu trời. Ông vẫn chưa hiểu gì nhưng đó là thời khắc cuộc đời của ông thay đổi.

“Tạm biệt anh yêu"

Vào lúc 10 giờ 3 phút sáng 11.9.2001, chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines bị cướp rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Vợ của ông Grandcolas là bà Lauren, lúc đầu được cho là không có trên chuyến bay 93. Vì thế, khi mở ti vi và thấy những cảnh tượng kinh hoàng của vụ tấn công khủng bố 11.9, ông Grandcolas bớt lo về tình trạng của vợ.

Sau 20 năm, thêm hài cốt trong vụ khủng bố 11.9 được xác định danh tính

Thế nhưng sau đó, ông thấy ánh sáng chớp trên máy trả lời điện thoại. Bà Lauren đã để lại 2 tin nhắn vào sáng hôm đó.
Tin đầu là bà Lauren đi chuyến bay sớm hơn từ nhà ở bang New Jersey đến thành phố San Francisco thuộc bang California. Tin thứ hai là bà gọi về từ máy bay, nói rằng có ‘vấn đề nhỏ”, nhưng “bây giờ cảm thấy yên tâm”. Bà không nói sẽ gọi lại, ông Grandcolas nhớ lại. Bà nói: “Em yêu anh hơn bất cứ thứ gì, chỉ cần biết như thế. Nói với gia đình của em là em cũng yêu họ. Tạm biệt, anh yêu”.
“Lúc đó, tôi xem kỹ trên truyền hình và thấy có một cái hố ở Pennsylvania. Họ nói rằng đó là chuyến bay 93 của United Airlines. Đó là lúc tôi ngã xuống”, ông Grandcolas nhớ lại khi trả lời phỏng vấn với AP mới đây.

Giới điều tra tại cái hố, nơi máy bay thực hiện chuyến bay 93 của hãng hàng United Arilines đâm xuống tại bang Pennsylvania vào ngày 11.9.2001

Reuters

Tất cả 44 người trên chuyến bay 93 thiệt mạng, trong đó có bà Lauren. Khi đó, bà Lauren mới 38 tuổi và mang thai lần đầu được 3 tháng. Bà Lauren trước đó đến miền đông để dự tang lễ của bà ở New Jersey và sau đó ở lại vài ngày để báo tin vui về việc bà mang thai.
Chuyến bay 93 là chiếc thứ tư và cũng là chiếc cuối cùng bị cướp bởi 4 tên khủng bố thuộc mạng lưới al-Qaeda trong âm mưu tấn công tự sát nhắm vào Điện Capitol ở Washington D.C. Nhiều hành khách và thành viên phi hành đoàn đã dùng điện thoại phía sau ghế ngồi để gọi người thân cũng như giới chức, khi biết 2 vụ tấn công trước đó nhắm vào Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New YorkLầu Năm Góc ở Washington D.C.

Những gì đã xảy ra khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11.9?

Nhận ra chuyến bay 93 bị cướp nằm trong vụ tấn công lớn hơn, nhiều hành khách và thành viên phi hành đoàn đã chống lại không tặc và cố kiểm soát máy bay. Đó là hành động anh hùng đã giúp ngăn chặn thêm vô số cái chết, theo AP. Ông Grandcolas tin rằng vợ cũng tham gia hành động anh hùng đó. Bà Lauren là người khỏe mạnh, dễ gần và được đào tạo làm kỹ thuật viên y tế cấp cứu vì bà muốn giúp người trong các tình huống khủng hoảng. “Lauren là người hành động, bà ấy sẽ không ngồi yên”, ông Grandcolas cho hay. Ông tưởng tượng rằng bà Lauren tham gia vào việc tìm cách giành quyền kiểm soát máy bay, thu thập thông tin tình báo.

“Sống với vết thương lòng”

Trong nhiều năm, ông Grandcolas có phản ứng tiêu cực với cụm từ “lễ tưởng niệm vụ 11.9”. Tuy nhiên, ông cho rằng lễ tưởng niệm lần thứ 20 năm nay là một lễ quan trọng và ông định đến Pennsylvania viếng Đài tưởng niệm quốc gia chuyến bay 93 lần đầu tiên kể từ năm 2003. Ông Grandcolas đã dự 2 lễ tưởng niệm thường niên đầu tiên tại vị trí máy bay rơi ở Pennsylvania, cảm thấy quá đau lòng nên sau đó không đến dự nữa. Thay vào đó, trong những năm sau, ông dành ngày 11.9 làm những điều mà bà Lauren thích, như đạp xe hay đi bộ trên bãi biển. “Chúng ta sẽ sống với các vết thương lòng trong suốt cuộc đời còn lại của mình”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn gần nhà ông ở khu Pebble Beach thuộc California.

Ông Jack Grandcolas ngồi nhìn ra đại dương gần nhà ông ở khu Pebble Beach, California ngày 18.8.2021

Chụp màn hình Miamiherald

Ông Grandcolas đã chống chọi với trầm cảm và cảm giác có tội của người sống sót sau vụ 11.9. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của liệu pháp tâm lý, ông đã hồi phục và xem thông điệp của bà Lauren từ máy bay có ý nghĩa trấn an ông và gia đình.

Câu chuyện lạ về lá cờ lịch sử từng tung bay tại 'Ground Zero'

 
Sau đó, ông Grandcolas lấy vợ lần nữa và chuyển khỏi ngôi nhà mà ông và bà Lauren đã mua ở thành phố San Rafael, California. Hiện ông đang viết một cuốn sách về chuyện đau buồn nói trên như là món quà dành cho đứa con không được chào đời của ông. Cuốn sách dự kiến được xuất bản vào tháng 4.2022.
Nhân dịp đánh dấu 20 năm vụ khủng bố 11.9, ông Grandcolas nhớ lại nước Mỹ đoàn kết như thế nào ngay sau vụ tấn công xảy ra, trái ngược với tình trạng chia rẽ hiện nay. Ông cho rằng hiện nay có thể là thời gian tốt để giảm tình trạng chia rẽ đó, theo AP. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.