Gian nan kiện tụng
Điều lạ là giới mỹ thuật trong nước không tỏ ra bất ngờ trước sự kiện này. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo phát biểu khá bình thản: “Đây không phải lần đầu tiên tranh nhái tác phẩm của các danh họa Việt Nam trôi nổi ra nước ngoài và theo tôi biết, có kiện cũng chẳng đi đến đâu”. Đồng quan điểm với ông, rất nhiều họa sĩ cũng cho rằng, họa sĩ Bùi Thanh Phương không có mấy cơ may khi theo đuổi vụ kiện chắc chắn sẽ hết sức tốn kém với Sotheby’s.
Nói đến kinh phí, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, các vụ kiện có lý do tương tự chỉ cần diễn ra trong khu vực Đông Nam Á thôi cũng “ngốn” của nguyên đơn cỡ 50.000 USD, một con số không hề nhỏ với các họa sĩ Việt Nam. Còn nói chuyện lý lẽ, ngay cả khi họa sĩ Bùi Thanh Phương có kiện thật thì khi ra trước tòa, ông vẫn yếu thế hơn phía Sotheby’s. Nhà đấu giá nổi tiếng thế giới có thể thản nhiên biện minh rằng, họ chỉ sơ suất ở khâu thẩm định tranh. Nếu quy trách nhiệm thì lỗi lại thuộc về người cung cấp tranh và người làm ra những bức tranh giả đó. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo kết luận, vụ kiện này nếu có xảy ra thì cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, Sotheby’s chẳng hề hấn gì. Còn theo nhận định của họa sĩ Lê Thiết Cương thì nhiều khả năng, gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ dọa Sotheby’s trên mặt báo!
Tranh của các danh họa dễ bị sao chép |
Sotheby’s thiệt hay ta thiệt?
Khi xảy ra sự kiện tranh nhái tác phẩm của Bùi Xuân Phái xuất hiện tại Sotheby’s, không ít người cho rằng uy tín của hãng đấu giá nổi tiếng thế giới này sẽ sút giảm. Tuy nhiên, phần đông giới mỹ thuật trong nước lại khẳng định, điều này khó xảy ra. Danh tiếng của Sotheby’s chỉ có thể bị phương hại trong trường hợp tranh Việt Nam đang “sốt” trên thị trường tranh quốc tế, nhưng thời điểm đó đã qua rất lâu rồi. Theo suy đoán của một họa sĩ, Sotheby’s thậm chí có lẽ đã không thẩm định những bức tranh gắn mác Bùi Xuân Phái kia là thật hay giả, hoặc có cũng chỉ qua loa. Nếu đúng như thế thì phải chăng, ngay một tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái cũng không nằm trong danh mục những tác phẩm đặc biệt quan trọng với Sotheby’s? Vậy thì tranh Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thị trường tranh quốc tế ?
Một họa sĩ nói rằng, muốn hiểu cho thấu đáo nguyên nhân của "vụ kiện Sotheby's" thì trước hết nên tìm kiếm thông tin về nạn tranh giả ở Việt Nam. Chỉ cần truy cập internet, gõ chữ “tranh giả” sẽ bật ra những số liệu thống kê (chưa đầy đủ) khiến không ít người giật mình: tại Hà Nội có hơn 100 cơ sở kinh doanh tranh giả và tại TP.HCM có đến gần 200 cửa hàng bán tranh giả. Trong các cuộc trà dư tửu hậu, giới mỹ thuật vẫn truyền tai nhau những câu chuyện “cười ra nước mắt” về nạn tranh giả, nào là tranh giả có ngay trong tuyển tập tranh của một danh họa hàng đầu Việt Nam (đáng nói là tác phẩm ấy lại do chính gia đình của danh họa và một nhà sưu tập tranh có tên tuổi thực hiện), nào là con cháu của một danh họa lớn cũng âm thầm bắt tay với tranh giả... Nói về nạn tranh giả, họa sĩ Lê Huy Tiếp – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, chỉ biết lắc đầu: “Chuyện tranh giả ở ta phong phú lắm, bàn không hết được!”.
Cũng dễ hiểu vì sao những người trong giới mỹ thuật lại nhắc đến sự kiện Sotheby’s bằng thái độ “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ”. Suy đi ngẫm lại thì thấy, tranh giả ở ta tràn lan như vậy thì việc Sotheby’s để lọt lưới tranh giả Việt Nam là đương nhiên, và uy tín cũng như giá tranh Việt Nam có tiếp tục rớt không phanh trên thị trường quốc tế cũng là chuyện dễ hiểu. Vậy thì Sotheby thiệt hay ta thiệt? Câu trả lời hẳn ai cũng đã rõ!
Hương Lan
Bình luận (0)