Chân dung Thủ khoa Nghĩa qua những tư liệu mới phát hiện

Vụ Láng Thé kinh động cả vua và Thái hậu

15/12/2023 07:06 GMT+7

Vụ Láng Thé là một sự kiện nổi bật trên hoạn lộ của cụ Thủ khoa. Câu chuyện này được kể lại từ các nguồn độc lập có liên hệ thân thuộc với cụ Thủ khoa. Mặc dù vậy, sự kiện lớn lao kinh động đến cả triều đình Huế này lại không thấy có bất kỳ dấu vết nào trong ghi chép của chính sử.

qua lời kể của người thân

Năm 1936, Phan Văn Thiệt có tìm được một người em vợ của cụ Thủ khoa, tên là Lưu Văn Tàu. Ông Tàu lúc này sống trên một cái ghe gần Chợ Mới, Bình Thủy (Cần Thơ). Trong cuộc phỏng vấn, ông Tàu có nhắc đến vụ Láng Thé. Nguyên văn ông nói:

Vụ Láng Thé kinh động cả vua và Thái hậu - Ảnh 1.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép về thu thuế thủy lợi ở Láng Thé từ thời Minh Mạng

Tư liệu

"Ngài hay nói hồi ngài thi đậu thì còn nhỏ hơn người khác hết, nên còn dại hay quá tự đắc, các quan tỉnh đều ghét mà ngài cũng chẳng tùng phục ai cả. Vả lại các quan lớn bấy giờ tài học cũng thua ngài, cho nên họ cũng kiêng ngài. Song vì ngài kiêu hãnh quá, mà có ngày kia thiếu chút nữa ngài bị tội tử hình. Câu chuyện ấy như vầy: Khi ấy ngài làm Huyện ở Trà-vinh là xứ người thổ. Vua có chiếu chỉ cho những người thổ ở theo sông Trà-vinh được phép bắt cá dưới sông ăn khỏi nạp thuế cho nhà nước. Có một bọn người khách, lo với quan tỉnh, xin mua thuế thủy lợi cả vùng ấy. Quan tỉnh cho phép. Khi về đòi thuế sông Trà-vinh nơi Láng-thé, người thổ không chịu đóng, đến thưa với ngài. Ngài khi ấy cũng có chén, bảo: "Vua đã cho bây ăn thủy lợi, ai dám ngăn cản bây chém đầu chúng nó đi". Bọn thổ được lịnh về cứ việc thi hành. Kết cuộc chết hết 7 người khách trú. Phe khách trú lên kêu với quan tỉnh và nói rằng giấy phép của quan tỉnh cho quan huyện lấy cất rồi. Quan tỉnh sẵn ghét ngài Thủ khoa, lại phải chữa mình, nên xuống tại Trà-vinh, bắt ngài và xét nhà lấy giấy phép cho bọn khách trú lại. Quan tỉnh dâng sớ về vua, cáo ngài Thủ khoa tự tiện giết người, còn ngài thì bị giải về Gia-định.

Em bạn dì của ngài là ông quản Kiêm thừa đêm trèo thành vô ngục, ngài làm một cái trạng biểu đem về đưa cho bà cầm ra kinh minh oan cho ngài. Vua tha lỗi nhưng dạy ngài phải đái tội lập công, sai ngài đi dẹp giặc Cao-miên".

Cũng năm 1936, Nguyễn Văn Nghĩa nhắc chuyện này trong cuốn sách viết về cụ Thủ khoa. Tác giả Nguyễn Văn Nghĩa đã hỏi thăm "một bực kỳ lão, bà con với bà Thủ khoa" (tức bà Nguyễn Thị Tồn) đang sống ở Chợ Đồn (Biên Hòa), đồng thời viết thơ cho cháu ngoại cụ Thủ khoa là ông giáo Nguyễn Văn Giai để hỏi những chi tiết liên quan đến vụ Láng Thé. Những người thân ở Biên Hòa cho biết thêm rằng trước vụ Láng Thé, cụ Thủ khoa từng sai đánh đòn em rể của Bố chánh Truyện, vì cớ người này đi ngang dinh quan huyện mà không xuống ngựa. Trong vụ Láng Thé, người khách trú đã lo lót với Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện để mua quyền thâu thuế thủy lợi.

Để cứu chồng, bà Nguyễn Thị Tồn một mặt nhờ ông quản Kiệm - em bạn dì của cụ Thủ khoa - đón đường lấy cắp tờ chiếu mà triều đình sẽ gửi vào để xử tội cụ Thủ khoa. Còn bà thì xuống Mỹ Tho tìm ghe bầu để đi ra Huế. Đến nơi, bà Nguyễn Thị Tồn vào gặp Lại bộ Thượng thư Phan Thanh Giản, ngỏ ý muốn kêu oan ở Tam Pháp ty. Phan Thanh Giản bèn chỉ vẽ đường đi nước bước cho bà. Bà Nguyễn Thị Tồn gióng trống kêu oan ở tòa Tam Pháp. Vua Tự Đức nhận đơn và sai bộ Hình thẩm xét. Bộ Hình phán: "Tha cho Bùi thủ khoa khỏi tử hình, song phải quân tiền hiệu lực, đái tội lập công". Cũng vì việc này, Thái hậu Từ Dụ cho gọi bà Nguyễn Thị Tồn vào yết kiến, ban cho 4 chữ vàng "Liệt phụ khả gia".

Các tình tiết

Một vụ án kinh động đến cả vua và Thái hậu như vậy, lạ thay, lại chẳng được nhắc đến trong bất cứ sử sách nào. Quốc triều hương khoa lục chỉ nói vắn tắt rằng cụ "làm quan Tri huyện, mắc lỗi, mộ nghĩa binh tòng nhung".

Vụ Láng Thé kinh động cả vua và Thái hậu - Ảnh 2.

Rạch Láng Thé (bản đồ ghi Long Thê) trên bản đồ năm 1888

Nếu căn cứ vào chi tiết Phan Thanh Giản làm Lại bộ Thượng thư trong thời điểm xảy ra vụ Láng Thé, chúng ta có thể suy đoán chuyện diễn ra vào khoảng 3 năm đầu thời Tự Đức, tức từ năm 1848 hoặc 1850. Vấn đề nằm ở chỗ khoảng thời gian này thì Trương Văn Uyển không phải là Tổng đốc Long Tường.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), Trương Văn Uyển đang ở kinh đô, làm Hình bộ Tả tham tri, sau đó ra bắc làm Tuần phủ, hộ lý Tổng đốc Ninh - Thái. Phải đến tháng 4 năm Tự Đức thứ 10 (1857), Trương Văn Uyển mới được bổ làm thự Tổng đốc Long Tường. Nhưng khi đó chức Tri huyện Trà Vinh đã là người khác. Cùng thời gian Phan Thanh Giản làm Lại bộ Thượng thư cũng không có ai là Bố chánh Truyện ở Vĩnh Long. Chỉ có Trần Văn Triện làm thự Bố chánh An Giang. Trần Văn Triện vài năm sau đi làm thự Tuần phủ Thuận - Khánh, rồi vì có bệnh xin thôi làm quan.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vụ Láng Thé về cơ bản là có thật. Lý do là nó được kể lại bởi các nguồn độc lập khác nhau. Giữa các nguồn kể này đôi khi có sự khác biệt nhau về tình tiết, chẳng hạn như vai trò của quản Kiêm (hay quản Kiệm), hoặc làm thế nào mà tờ lệnh xử tử cụ Thủ khoa đã bị chặn lại. Vì lẽ đó, còn nhiều điều cần phải xác minh lại bằng các ghi chép chính sử. Bản thân tên Láng Thé cũng đã thấy chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ở phần ghi về các sở thu thuế thủy lợi (tức thuế đánh bắt thủy hải sản) hồi năm Minh Mạng thứ 11. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.