Liên quan đến việc Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng thương mại Bình An đổ đất san lấp bãi bồi nằm trong hành lang xả lũ sông Hồng để trồng cây, ươm cỏ cho sân golf, trả lời PV Thanh Niên hôm qua 25.6, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão TP.Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), nói chưa nắm được thông tin vụ việc.
Khu đất 10 ha nằm trong vùng xả lũ sông Hồng đang bị san lấp - Ảnh: Nam Anh
|
“Nếu đây là dự án hay công trình gì đó thì phải có thông báo gửi tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại thì chúng tôi là đơn vị quản lý chuyên ngành nhưng chưa hề nhận được công văn, hay thông báo gì. Trong thời gian sớm nhất, chi cục sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiếp cận hiện trường vụ san lấp để có hình thức xử lý theo đúng luật định. Bởi lẽ về luật là không cho phép thi công, xây dựng trong khu vực hành lang thoát lũ”, ông Thịnh cho hay.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, là người từng có thời theo dõi, phản biện nhiều công trình nghiên cứu khoa học quy hoạch thoát lũ trên sông Hồng, cũng cho biết: Doanh nghiệp đổ đất san lấp nền là làm cứng hóa, nâng chiều cao đáy sông, làm thu hẹp dòng chảy thoát lũ và đây là điều cấm kỵ, không có quy định pháp luật nào cho phép. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc bảo vệ hành lang thoát lũ khi hằng năm phải tiến hành nạo vét, khơi thông dòng sông đảm bảo chức năng thoát lũ. Theo ông, việc gìn giữ hành lang thoát lũ như bây giờ là đã được nghiên cứu, tính toán dự phòng cho những trận lũ cực lớn từng có trong lịch sử. Gần đây nhất là trận lũ muộn năm 1996, khi đó hồ chứa Thủy điện Hòa Bình đã hết dung tích, hệ thống sông Hồng đầy nước, dung tích chứa lũ không còn nhưng dự báo bão tiếp tục về thì Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh phân lũ vào đập Đáy, chấp nhận nhiều vùng dân cư bị ngập lụt, người dân phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, công trình san lấp là nằm trong vùng chậm lũ, phân lũ hạ lưu sông Hồng, kéo dài từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc và về Hà Nội.
Tính toán của Viện Quy hoạch thủy lợi cho thấy vùng chậm lũ, phân lũ này có dung tích gần 1 tỉ m3. Nó được ví như cái phao để cứu sông Hồng trong tình huống có lũ lớn. Nếu lòng sông tiếp tục bị bồi lấp, diện tích chứa lũ không còn, giả sử có lặp lại trận lũ lớn như năm 1996 thì không thể tưởng tượng nổi hậu quả thiệt hại sẽ ở mức độ nào.
Bình luận (0)