Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội: Có thể phạt tiền đến 3 triệu đồng

Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội: Có thể phạt tiền đến 3 triệu đồng

01/07/2023 08:20 GMT+7

Sau vụ việc hàng loạt chìa khóa thông minh bị vô hiệu hóa tại phố Vọng (Hà Nội), đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông) đã lý giải nguyên nhân, mức độ xử phạt trường hợp vi phạm và đưa ra khuyến cáo với người dân.

Vừa qua, Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng nhiều phương tiện, thiết bị như cửa cuốn, xe máy, ô tô điều khiển bằng smartkey (khóa thông minh) đều không thể hoạt động trong bán kính khoảng 100m tại khu vực ngã ba phố Vọng - Nguyễn An Ninh (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Sau đó, một số khu vực khác ở thành phố Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự.

Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội  - Ảnh 1.

Nhiều phương tiện, thiết bị như cửa cuốn, xe máy, ô tô điều khiển bằng smartkey (khóa thông minh) đều không thể hoạt động trong bán kính khoảng 100m tại khu vực ngã ba phố Vọng - Nguyễn An Ninh (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội)

Đ.H

Để lý giải về hiện tượng này, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Phương Đông – Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông). Theo ông Đông, hiện nay, các thiết bị điều khiển từ xa smartkey (khóa thông minh), thiết bị âm thanh không dây, thiết bị nhận dạng vô tuyến,… được sử dụng rất phổ biến nên rất dễ xảy ra hiện tượng can nhiễu khi những thiết bị này ở gần nguồn gây nhiễu sóng điện từ. Trường hợp ở phố Vọng, nguồn nhiễu là một thiết bị điều khiển máy bơm nước tự động.

Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I

Ngọc Vũ

"Những thiết bị ấy được sử dụng với số lượng rất lớn và rất phổ biến, đặc biệt là tại các đô thị lớn, mật độ sử dụng thiết bị lớn, mật độ sử dụng tần số cao, thì luôn luôn có nguy cơ xuất hiện những can nhiễu các hệ thống thiết bị rồi những thiết bị vô tuyến điện với nhau. Nguyên nhân vì những thiết bị ấy sau thời gian sử dụng có thể lỗi hoặc do thiết bị ấy không đảm bảo chất lượng gây ra lỗi, hoặc là từ sai sót của con người. Ví dụ đối với các thiết bị phải cấp phép, họ sử dụng lại không xin giấy phép tần số hoặc khi đã khi có giấy phép rồi họ lại sử dụng sai tần số ân định cho họ. Hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện được quy định tại Nghị định 15, năm 2020 của Chính phủ, đối với trường hợp sử dụng những thiết bị nằm trong danh mục được miễn cấp phép như thiết bị điều khiển từ xa, mà không tuân thủ những điều kiện kỹ thuật có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Trường hợp thiết bị thuộc diện miễn cấp phép đó còn gây can nhiễu cho hệ thống mạng đài hoặc thiết bị đã được cấp giấy phép vô tuyến điện thì có thể xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, theo khoản 1 của điều 71, trong Nghị định năm 2020", ông Nguyễn Phương Đông (Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I) cho biết.

Cũng theo ông Đông, quản lý can nhiễu là một trong những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý tần số. Đa số người dân chưa từng nghe về khái niệm hoặc các quy định sử dụng những thiết bị tần số vô tuyến nên không tránh khỏi nhiều hiện tượng phát sinh can nhiễu trong đời sống.

Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội: Có thể phạt tiền đến 3 triệu đồng

"Trước kia tôi cũng không biết tần sô vô tuyến là gì, chẳng biết là ở đâu ra, khi có sự việc này xảy ra thì tôi mới biết. Khi thiết bị này phát ra, người dân mở xe không được, cửa cuốn không được, đi tìm thợ đến để sửa nhưng thợ đến cũng bó tay, không sửa được. Tôi cũng biết được là phạt bao nhiêu", ông Ngô Văn Vui (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) chia sẻ.

"Tôi thấy bảo là có một hộ gia đình xung quanh đây họ dùng một thiết bị gì đó để điều khiển các thiết bị điện trong gia đình, thấy bảo là cùng tần số với các cái chìa khóa thông minh đấy. Người ta cũng không biết nó ảnh hưởng chứ nếu mà người ta biết thì làm sao người ta dám mua về dùng", chị Nguyễn Thị Thảo (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) chia sẻ thêm.

Vụ lắp thiết bị gây nhiễu sóng ở Hà Nội  - Ảnh 3.

Trường hợp ở phố Vọng, nguồn nhiễu là một thiết bị điều khiển máy bơm nước tự động

Việt Hùng

Theo đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, khi nhận được thông tin phản ánh can nhiễu từ các tổ chức, cá nhân hoặc những đơn vị báo chí thì trung tâm sẽ lập tức cử các đội xử lý can nhiễu, cùng với xe kiểm soát lưu động và các trang thiết bị xách tay đến hiện trường dò tìm và xác định nguồn can nhiễu, từ đó có những biện pháp xử lý theo quy định.

Cục Tần số đưa ra khuyến cáo, các tổ chức cá nhân nên truy cập vào cổng thông tin điện tử của Cục Tần số để có thể nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Người dân nên tìm mua các thiết bị vô tuyến điện ở những cơ sở uy tín và nên mua những sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy trên vỏ hộp hoặc thân máy để hạn chế can nhiễu, giúp đảm bảo an toàn cho mỗi hộ gia đình và không gây tình trạng nhiễu sóng ở khu vực xung quanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.