(TNO) Trong cuốn tự truyện 192 giờ giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh mới phát hành ở Việt Nam, kể về thảm họa chiếc máy bay Yak 40 rơi ở Ô Kha (Khánh Hòa) cách đây 22 năm, bà Annette Herfkens - người sống sót duy nhất và là tác giả cuốn sách - có nhắc tới một người đàn ông nói chuyện với bà sau khi xảy ra tai nạn.
|
Bà Annette cho biết sau khi máy bay rơi, bà bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình đang ở giữa khu rừng, cơ thể bị kẹt trong thân ghế và bị một xác chết đè lên.
Bà Annette viết trong tự truyện: “Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm ba mét bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết. Cao hơn một chút là thi thể bất động của người đàn ông. Bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó - một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi: Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!”.
Người đàn ông này, theo bà Annette, nói tiếng Anh rất tốt, nhưng cách phát âm “r” cứ như “l”, y hệt một đồng nghiệp người Nhật của bà. Đáng chú ý là sau khi thấy bà Annette mặc có mỗi quần lót bởi váy đã rách sau khi máy bay rơi, người đàn ông này mở chiếc va-li lấy chiếc quần dài đưa cho bà mặc.
|
Người đàn ông này còn mỉm cười nói: “Tôi là người quan trọng nên thể nào họ cũng đến cứu tôi”.
“Phải rồi, tôi trả lời. Và thực lòng mong như vậy. Quả thực tôi cũng thấy an lòng từ những lời trấn an, và từ chính sự hiện diện của người đàn ông này. Sau đó, mạnh ai người ấy thu mình vào vết thương của mình. Vài tiếng sau đó chúng tôi có nói chuyện vài lần, và đều do tôi bắt chuyện”, bà Annette viết trong cuốn tự truyện.
Tuy nhiên vì thời gian chờ đợi quá lâu, cái chết dường như đang đến mỗi lúc một rõ ràng hơn với người đàn ông.
Bà Annette viết: “Tôi cảm nhận rất rõ sự sống đang dần lìa khỏi ông. Ông nhọc nhằn trút hơi thở cuối cùng. Và ra đi. Xung quanh im lặng đến tê dại. Mọi thứ bất động đến rợn người. Không còn ai sống sót”.
Từng đọc cuốn tự truyện cả bản gốc tiếng Anh và tiếng Việt, bà Trần Thị Bích - vợ của một nạn nhân trong vụ rơi máy bay ở Ô Kha - lại luôn đau đáu nghĩ rằng người đàn ông mà bà Annette nhắc tới trong cuốn tự truyện chính là chồng mình. Bà Bích cũng là người phụ nữ duy nhất lặn lội vào Ô Kha ngay sau vụ tai nạn xảy ra để tìm chồng. Sau này bà cũng sang Mỹ để gặp bà Annette.
Bà Bích cho biết chồng bà là ông Huỳnh Kim Thuận. Đúng ngày máy bay rơi 14.11.1992, ông Thuận từ TP.HCM đáp máy bay đi Nha Trang để chuẩn bị cho việc xúc tiến một đoàn thương nhân Pháp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để đầu tư tại đây.
Lý do để bà Bích nghi ngờ người đàn ông nói chuyện với bà Annette chính là chồng mình bởi thời điểm đó ông Thuận là thông dịch viên rất giỏi ba ngoại ngữ Anh - Pháp - Trung. Khi còn sống, khi đi công tác, ông Thuận thường mang cái cặp da đen gần giống hình vuông, trong đó có giấy tờ và một số áo quần.
|
“Thời điểm đó ở Việt Nam rất ít người nói được tiếng Anh. Tôi có hỏi bà Annette thì được biết người đàn ông này nói tiếng Anh rất tốt, phát âm giọng Mỹ. Trước đây anh Thuận học ở Mỹ”, bà Bích nói.
Để chắc chắn, bà Bích gửi một số hình ảnh của ông Thuận cho bà Annette. Thật bất ngờ, bà Annette nhận ra ngay ông Thuận sau khi xem hình. Bà Annette chỉ băn khoăn là người đàn ông nói chuyện với bà đeo đồng hồ tay trái còn trong hình bà Bích gửi cho mình, ông Thuận lại đeo đồng hồ ở tay phải. Bản thân bà Annette cũng muốn tìm lại thân nhân của người đàn ông từng trò chuyện với bà sau tai nạn.
Về điều này, bà Bích lý giải bình thường ông Thuận đeo đồng hồ Rolex ở tay phải và chiếc lắc bạc ở tay trái. Tuy nhiên hôm đi Nha Trang, ông Thuận tháo chiếc đồng hồ Rolex và lắc bạc để ở nhà, thay vào đó là đeo đồng hồ của Pháp do một người bạn tặng.
“Hiện tôi vẫn còn giữ đồng hồ Rolex và lắc bạc. Sau này tôi mới lý giải được lý do hôm đó anh Thuận đeo đồng hồ Pháp là bởi ảnh đang giới thiệu một đoàn thương nhân Pháp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Trong đoàn thương nhân đó có con gái của người bạn thân đã tặng anh Thuận chiếc đồng hồ Pháp. Anh muốn cô con gái thấy anh đeo chiếc đồng hồ này. Tuy nhiên tôi không nhớ anh đeo đồng hồ vào tay nào”, bà Bích nói.
Về chi tiết người đàn ông khẳng định với bà Annette rằng mình là người quan trọng sẽ có người tới cứu, bà Bích cho biết bình thường ông Thuận là người khá trầm tính và rất kiệm lời. Nhưng trong bối cảnh đó, ông Thuận hay bất cứ người nào nói câu đó đều dễ hiểu bởi muốn trấn an hay động viên người đối diện sống sót trong thảm kịch.
Bà Bích cho biết sẽ liên hệ với nhân viên khám nghiệm hiện trường trong vụ rơi máy bay để tìm hiểu xem ông Thuận đeo đồng hồ ở tay trái hay phải. Hy vọng nhân viên có ghi chú chi tiết khi khám nghiệm thi thể.
Ngày 14.11.1992, chuyến bay của Vietnam Airlines được thực hiện bởi một chiếc Yak 40 xuất phát từ TP.HCM đi Nha Trang với 31 hành khách đâm vào núi tại thung lũng Ô Kha, gần sân bay Nha Trang. Bà Annette Herfkens là hành khách sống sót duy nhất sau vụ tai nạn. Ngày 22.11.1992, chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội chở theo lực lượng cứu nạn chuyến bay Yak 40 lại tiếp tục gặp nạn gần vùng núi Ô Kha làm 7 người trên máy bay tử nạn. |
Trung Hiếu
>> Giao lưu trực tuyến: Annette Herfkens - 'Câu chuyện sinh tồn từ thung lũng tử thần Ô Kha
>> Chùm ảnh Annette Herfkens và con gái trở lại vùng đất ‘tái sinh’ Ô Kha
>> Bà Annette Herfkens trở lại Ô Kha
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha
>> Thung lũng Ô Kha, 2 chuyến bay và 5 người đàn bà
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 2: Vẫn mơ thấy ba về
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 4: Người bón ngụm nước đầu cho Annette
>> Giao lưu trực tuyến: Annette Herfkens - 'Câu chuyện sinh tồn từ thung lũng tử thần Ô Kha
>> Chùm ảnh Annette Herfkens và con gái trở lại vùng đất ‘tái sinh’ Ô Kha
>> Bà Annette Herfkens trở lại Ô Kha
Bình luận (0)