Vụ mẹ kế đánh con tử vong: Không 'đi thêm bước nữa' vì sợ con bị bạo hành

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
01/01/2022 12:46 GMT+7

Sau vụ bé gái 8 tuổi tử vong nghi bị mẹ kế đánh ở TP.HCM, một số phụ nữ trẻ đã có con riêng chia sẻ họ e ngại trong việc có nên 'đi thêm bước nữa' hay không.

Không dám "đi thêm bước nữa"

Sau cuộc hôn nhân chóng vánh vì mang thai ngoài ý muốn lúc còn là học sinh THPT, V.N.T.U. (23 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cùng đứa con nhỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống cách đây 5 năm.

“Ngày trước, vì sợ con nhỏ phải chịu cảnh mẹ kế, con chồng nên tôi đã giành quyền nuôi con. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn tình thương của cha nhưng tôi luôn cố gắng bù đắp cho con", T.U. chia sẻ.

Giờ đây, T.U. luôn e dè mỗi khi có ai đó ngỏ lời vì sợ con nhỏ phải chịu thiệt thòi. "Hiện tại, điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi là con trai và cha mẹ nên vẫn chưa dám nghĩ đến việc đi thêm bước nữa. Nếu đi thêm bước nữa thì tôi sẽ phải cân nhắc thật kỹ để con trẻ không phải thiệt thòi”, người mẹ đơn thân chia sẻ.

Do đó, T.U. mong muốn truyền đi thông điệp đến những người trẻ: “Hãy theo đuổi đến cùng con đường học tập để có tương lai tốt đẹp hơn. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định gắn kết với một đối tượng nào đó. Nhà trường và phụ huynh cũng nên tăng cường trang bị cho con em những kiến thức về giới tính”, T.U chia sẻ.

Phụ nữ trẻ đã có con riêng không dám đi thêm bước nữa

ẢNH MINH HỌA SHUTTERSTOCK

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành sẽ thành án điểm, xét xử nghiêm minh

Cần làm gì để bảo vệ con trẻ khi muốn tái hôn?

Trước những băn khoăn đó, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân tại Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt (TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Khi bước vào đời sống hôn nhân, nếu bạn đời đã có con riêng và sống cùng với con riêng, cha/ mẹ kế cần chuẩn bị tâm thế cho mối quan hệ mới thật đặc biệt này".

Thạc sĩ Trọng Nhân lưu ý: "Trước tiên, vợ/ chồng nên dành thời gian để tiếp cận với con riêng để hiểu đặc điểm tính cách của con, từ đó sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ về sau. Thứ hai, hãy chuẩn bị một trái tim rộng mở, đầy yêu thương và bao dung với con trẻ để sẵn sàng cho cuộc sống gia đình mới. Đứa trẻ nào cũng cần một quá trình giáo dục tích cực, đúng phương pháp và nhân văn từ người lớn".

Theo anh Trọng Nhân, vợ chồng cần có sự thống nhất trong phương pháp dạy con trẻ ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc sống hôn nhân.

"Nếu con trẻ sống cùng với gia đình mới, cha/ mẹ cũng cần chú ý đến mối quan hệ của con với người bạn đời mới, từ đó có thể nhận biết được những “bất thường” thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi... Hãy là điểm tựa tinh thần đáng tin cậy và kịp thời đối với con trẻ", anh Trọng Nhân chia sẻ.

Nói về nguy cơ trẻ bị bạo hành trong gia đình, anh Trọng Nhân lưu ý “thương cho roi cho vọt” không thể được xem là một phương pháp giáo dục con trẻ trong bối cảnh hiện nay. Điều này đã được chứng minh bởi những nhà tâm lý học và giáo dục học trên thế giới và ở Việt Nam.

"Việc sử dụng roi vọt, bạo lực sẽ để lại trong tâm lý trẻ những tổn thương sâu sắc, có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của trẻ về sau. Thay vì giáo dục dựa vào đòn roi, bạo lực về thể chất hoặc la mắng, cha mẹ có thể dùng phương pháp giáo dục một cách hoàn toàn tích cực để dạy dỗ và giúp trẻ hoàn thiện bản thân. Như vậy, trẻ vừa trưởng thành một cách lành mạnh mà mối quan hệ giữa cha mẹ và con cũng sẽ gắn kết một cách tốt đẹp, đầy tình yêu thương", anh Trọng Nhân cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.