Trong đó, có 220 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, 9 ca chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, 11 ca xuất viện và 88 ca được cấp toa thuốc cho về nhà.
Các bệnh nhân nhập viện đều có chung tình trạng nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Các bác sĩ chẩn đoán những người này bị nhiễm trùng đường ruột và tiến hành chữa trị.
Trong sáng nay, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang đã đến bệnh viện thăm hỏi các bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây.
Theo báo cáo của UBND TP.Long Khánh (Đồng Nai), cửa hàng bánh mì Băng quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày. Các nguyên liệu để bán gồm: thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua); nước sốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài).
Riêng trong ngày 30.4 là ngày nghi xảy ra ngộ độc, chủ cửa hàng cho biết đã bán ra 1.100 ổ bánh mì.
Cơ quan chức năng đánh giá, cửa hàng này là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ, không khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.
Ngay khi sự việc xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Long Khánh đã kiểm tra cơ sở và niêm phong tủ cấp đông của cửa hàng, đồng thời buộc cơ sở này ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 1.5.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, do số lượng người nhập viện quá đông, bệnh viện đã lập mới một “đơn vị” chuyên tiếp nhận các trường hợp nghi ngộ độc để tập trung điều trị, với số lượng 70 giường. Đồng thời, bệnh viện cũng huy động nhân lực, vật lực tập trung chữa trị tốt cho các bệnh nhân.
Bình luận (0)