(iHay) Nếu có danh xưng gì dành cho Vũ Ngọc Đãng thì đó hẳn là 'đạo diễn của những bà nội trợ', vì thảm đỏ xem chừng quá xa lạ với anh. Một người bình dân đến lập dị.
>> Vũ Ngọc Đãng: “Phải chi làng giải trí chỉ toàn Tăng Thanh Hà…”>> “Không vô lý thì đã không là Vũ Ngọc Đãng!”
Giữa quý và nể, thích được quý hơn
* Chào anh! Vừa đi vừa khóc đi được tới đâu rồi?
Dự kiến đầu tháng 4 phát sóng, khung giờ vàng trên VTV3.
* Mà sao phim nào cũng dính đến chữ “khóc” vậy?
Cho nó hên. Hễ cái gì mang hơi hướm u buồn là hên, còn cái gì đẹp và hạnh phúc là xui, tôi thấy vậy. Tôi muốn làm một phim vượt qua được cái bóng của Bỗng dưng muốn khóc, nhưng đồng thời cũng muốn “mượn” cái bóng đó để vài người tưởng phần hai tìm xem. Cũng hơi... láu cá (cười).
* Vì lý do gì mà anh vẫn cương quyết qua lại với truyền hình trong khi ở lĩnh vực điện ảnh, người ta thường đùa Vũ Ngọc Đãng cũng đầy “quyền lực” trong phòng vé, không mấy kém cạnh những cái tên như Victor Vũ, Dũng khùng...?
Đa số người vẫn nghĩ, làm truyền hình mệt hơn điện ảnh, kịch bản cực hơn, đi quay dài hơn, trong khi tâm lý chung của người Việt Nam vẫn coi truyền hình là thứ gì đó để kiếm tiền chứ không phải là nơi thể hiện tay nghề, giống như hàng hóa rẻ tiền ấy, chỉ có những đạo diễn hạng hai hạng ba không được làm điện ảnh thì mới làm truyền hình thôi. Tôi thấy khác. Trên thế giới không ít ngôi sao nổi lên từ truyền hình và có những phim truyền hình khiến mình thật sự mê mẩn. Bản thân tôi thích truyền hình.
|
* Nhưng rõ ràng, làm sao người đạo diễn thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh, hay nói cách khác là dấu ấn cá nhân của mình qua tác phẩm truyền hình?
Truyền hình không cần ngôn ngữ điện ảnh. Rất nhiều người hứa hẹn cố gắng đưa chất điện ảnh vào truyền hình, nghe buồn cười lắm, bởi truyền hình không cần thứ đó. Mỗi thể loại có một tiêu chí khác nhau. Đưa chất điện ảnh vào truyền hình chỉ làm người xem mệt mỏi. Truyền hình cần nhân vật, lời thoại, câu chuyện. Đặc trưng của truyền hình là một người phụ nữ nội trợ vừa nấu cơm, vừa giặt đồ, vừa chăm con mà vẫn theo dõi được bộ phim truyền hình đó. Còn điện ảnh có khi rời mắt một, hai chi tiết là mình lạc khỏi câu chuyện luôn.
* Chẳng phải tham vọng của hầu hết các đạo diễn trẻ hiện tại là được ghi dấu trên màn ảnh rộng sao?
Tôi say mê truyền hình. Nếu bắt buộc tôi phải lựa chọn một trong hai thứ, tôi sẽ chọn truyền hình chứ không phải điện ảnh. Chắc là do hợp tạng. Truyền hình cho tôi nhiều niềm vui hơn. Mỗi lần phim chiếu, tôi thấy niềm vui dai dẳng hơn cảm giác điện ảnh mang lại. Truyền hình phù hợp văn hóa xem phim của bà con cô bác nhà tôi. Còn điện ảnh thì cả dòng họ chỉ lác đác vài người chịu ra rạp coi.
* Vậy cuối cùng, tham vọng của anh ở sự nghiệp đạo diễn là gì?
Tôi muốn làm một phim gây sốt, đẩy diễn viên thành ngôi sao, đạt rating cao nhất... Khi tôi làm điện ảnh, ví dụ Hot boy nổi loạn, một số người khen “chà, Đãng giỏi quá”, còn khi tôi làm truyền hình, ví dụ Bỗng dưng muốn khóc, tôi ra đường, người ta hỏi han tôi. Làm điện ảnh có dịp phô trương tay nghề, người ta nể. Làm truyền hình cho ra đời bộ phim đáng yêu, người ta quý. Giữa quý và nể, tôi thích được quý hơn.
* Anh có phải người hướng nội không?
Vâng, tôi hướng nội. Tôi không thường cà phê với người lạ. Hậu Những cô gái chân dài, tôi từng nhận được lời mời ra nước ngoài làm phim, mãi sau này tôi mới biết, hãng mời tôi cũng không phải nổi tiếng gì, bình bình thôi. Tôi không quan tâm lời mời ấy cho lắm. Có một, hai cô người mẫu ra nước ngoài tìm cơ hội, tôi vẫn tự hỏi, ra nước ngoài làm gì, trong khi nếu ở Việt Nam họ sẽ nổi thiệt nổi.
|
* Xếp thứ 10, thậm chí 100 trên thế giới danh giá hơn đứng số 1 ở Việt Nam chứ?
Không gì thích hơn nổi tiếng ở quê hương. Những thành công của người khác ở nước ngoài chẳng khiến tôi bận tâm. Làm một phim mang ra nước ngoài được năm, sáu người khen, nhưng về Việt Nam không ai xem cũng bằng thừa. Hồi Hot boy nổi loạn sang Toronto, tôi không cảm thấy điều đó là hứng thú. Ngay cả LHP trong nước tôi cũng ít tham dự. Tôi làm phim cho khán giả, khán giả thích là tôi vui. Với tôi, đi LHP hay đoạt giải thưởng đều là bonus (phần thưởng thêm).
* Không hướng ngoại thì làm sao vượt qua được bản thân mình?
Điện ảnh Việt Nam chinh phục khán giả trong nước còn khó khăn huống hồ việc đi tìm khán giả nước ngoài. Tôi chưa giải quyết xong việc trong nhà mà còn tham gia tổ dân phố làm gì?
Khi nào Việt Nam ra phim nào cũng thắng, hoặc thắng 50 - 60% thì lúc đó hãy hướng ngoại.
* Nói thế nghĩa là anh rất tin thị hiếu của khán giả Việt Nam?
Tôi tin vào gu thẩm mỹ của mình. Tôi rất khó chịu khi nghe ai nói làm phim để nâng tầm khán giả. Khán giả có người này người kia, nhưng tôi tin cái hay sẽ kêu gọi được đám đông. Anh không đủ tài năng để làm cái hay nên bào chữa bằng việc cho rằng thị hiếu của khán giả thấp.
Thời điểm nhận được lời mời của hãng phim nước ngoài, tôi tự hỏi, có phải vì họ thấy mình giỏi không hay họ thấy mình lạ? Nếu lạ, mình làm được 1-2 phim rồi cũng hết cái lạ cùng thứ xúc cảm mới mẻ. Tới lúc đó, mình phải dùng đến kỹ thuật, liệu họ còn cần mình nữa không? Được mời ra nước ngoài, đừng vội tự hào, có khi đơn giản chỉ vì họ cần cơn gió lạ thôi. Ở Việt Nam đứng hạng A, qua nước ngoài đứng hạng B, hạng C, hạng D mà làm gì.
Diễn viên như một cuốn sách, không phải ai cũng đọc được
* Quay trở lại với Vừa đi vừa khóc, vai diễn trong phim có là thử thách dành cho Minh Hằng không, vì hình như phim truyền hình Tiệm cà phê Hoàng tử của Hàn Quốc có một vai nữ giả trai tương tự Minh Hằng đã từng rất thành công?
Vai diễn này của Hằng dữ dội hơn cô kia. Hoàn cảnh và nguyên nhân khiến nhân vật của Hằng phải giả trai cũng thuyết phục hơn. Để vô vai này, Minh Hằng phải cắt phăng mái tóc của mình, đồng nghĩa với việc bỏ qua một hợp đồng quảng cáo, rồi đánh môi thâm, vẽ chân mày... Nói chung nhìn Hằng rất khác. Hồi đi quay, người dân nghe nói có Minh Hằng tham gia nên chạy tới xem, nhiều lúc Minh Hằng ngồi kế bên mà họ không hề nhận ra, hoặc khi nhận ra rồi không ít người tỏ vẻ thất vọng, bảo “trên phim đẹp, ngoài đời xấu hoắc”. Đến phân cảnh Minh Hằng thay đồ con gái vào là người ta bu lại liền. Tôi hay đùa, người ta mê Minh Hằng vì quần áo chứ có phải vì Minh Hằng đâu! Bốn tháng trời, Minh Hằng đồng ý bỏ hết show để tập trung cho phim.
|
* Giả sử không có người quen Lương Mạnh Hải và Minh Hằng, chẳng biết có diễn viên ngôi sao chịu đi đóng truyền hình nữa nhỉ?
Ai đóng cũng được. Truyền hình không cần ngôi sao. Truyền hình quan trọng nhất câu chuyện và nhân vật. Nếu Vừa đi vừa khóc có cô nào mới tinh mà hợp vai hơn Minh Hằng thì tôi sẽ chọn cô đó. Tôi chọn Minh Hằng chả vì mục đích gì cả.
* Anh có đang trông chờ một ngày nào đó truyền hình Việt Nam sẽ phát triển như Hàn Quốc hay Hồng Kông?
Với điều kiện phải cát sê trả cho diễn viên cao hơn nữa. Diễn viên đóng truyền hình bỏ công sức ra nhiều quá. Ngôi sao nước ngoài, như Triệu Vy, đóng một tập truyền hình giá 2 tỉ rưỡi đồng Việt Nam, số tiền đó thôi đã làm được 30 tập phim Việt Nam, trong khi ở mình, diễn viên nào được trả 10 triệu/tập là cao lắm rồi. Đấy cũng là lý do ngôi sao họ thích đóng điện ảnh hơn.
* Đến thời điểm này, anh đặt niềm tin vào đâu để tiếp tục say sưa với truyền hình?
Cuộc sống đôi khi phải biết chấp nhận, bởi bức xúc không thể theo được nghề. Tôi tin là điều tôi sắp làm mang đến nhiều điều tốt đẹp cho người tôi yêu quý. Khi bắt đầu một dự án, tôi nghĩ bộ này sẽ giúp Lương Mạnh Hải sẽ phát triển lên hay Minh Hằng sẽ có một vai diễn dễ thương... Nếu tôi dừng hợp tác với ai đó thì chỉ có thể là do tôi hết yêu chứ không phải họ hết tài. Họ không còn truyền cảm hứng cho tôi, và tôi nhận thấy mình không cần phải quá vất vả vì họ nữa.
* Chuyện này nghe có phần cảm tính cá nhân quá...
|
Đúng, tại sao mình cứ phải làm việc hoài với một người mà họ không yêu quý mình thực lòng. Nhiều người nghĩ rằng Vũ Ngọc Đãng không bao giờ bỏ họ được song sự thật là tôi bỏ rất dễ. Khi cảm nhận một thứ gì đó không thật tôi sẽ đi liền. Có những diễn viên tài năng, dù tiếc kinh khủng nhưng vì không còn cảm xúc nữa nên tôi phải tạo cơ hội cho bản thân gặp gỡ người mới. Mà mỗi lần bỏ được người nào là tôi nhẹ nhõm, bởi nếu không phim mình quay tới quay lui sẽ toàn người quen. Một mình Lương Mạnh Hải đã là đủ lắm rồi.
* Thế, có bỏ được Hải đâu?
Hải quá tình cảm và là người có thể chia sẻ. Sau Đẹp từng centimet, Hải không giống người khác, không bao giờ hối hận vì mình đã đóng phim này. Với Hải, tất cả đều ngồi trên một chiếc xuồng, mà xuồng chìm thì chết chung. Hải không đổ thừa cho người cầm chèo. Thành công hay thất bại, Hải đều dễ dàng chấp nhận. Tôi thích có người muốn đi chung xuồng với mình, vì sự nghiệp không phải lúc nào cũng gặp may mắn. Khi tôi làm hai phim dở liên tiếp là Đẹp từng centimet và Ngôi nhà hạnh phúc, Hải vẫn tin tưởng rằng tôi sẽ làm được phim hay, trong khi đó, có những người cho là tôi hết thời, tôi mở lời mời họ hoặc sẽ từ chối hoặc ra điều kiện. Họ không đi chung xuồng với mình.
* Anh luôn hài lòng với ê kíp quen thuộc của mình chứ?
Tôi thích làm việc với những người hiểu mình.Với tôi, một là mới tinh, hai là người cũ chứ không có chuyện lỡ cỡ. Tôi nghĩ, điện ảnh Việt Nam đang bước qua giai đoạn người nào không có ê kíp sẽ rất vất vả trong sự nghiệp. Thực tế, có những người rất nổi tiếng nhưng họ không có vai, hoặc là vai không hay vì họ không tìm được ê kíp cho mình. Có ê kíp riêng để sống chết với nhau. Mà đã gọi ê kíp thì ngoài đồng nghiệp còn phải là bạn bè nữa.
Diễn viên như một cuốn sách, không phải ai cũng đọc được. Diễn viên của tôi nhảy sang phim khác là hầu hết rớt bặc bặc liền. Với tôi, tôi cần người diễn bản năng. Nhưng nhiều đạo diễn họ cần kỹ thuật.
Không nhất thiết phải gai góc
* Thời điểm Đẹp từng centimet rồi đến Ngôi nhà hạnh phúc, anh có gặp phải vấn đề gì trong tâm lý không?
Vấn đề của tôi là tự tin và vội vàng quá thôi. Trước đó, tôi làm gì cũng thành công: Những cô gái chân dài, Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc... Làm như giỡn chơi, không đắm đuối, không dằn vặt, không cay đắng, mọi thứ quá dễ dàng thành ra mình bị tự tin thái quá. Thất bại là chuyện dĩ nhiên, cũng may chưa thất bại về mặt doanh thu. Bản thân tôi vẫn ý thức được tay nghề xuống. Song cũng nhờ hai thất bại liên tiếp ấy mà tôi nhận ra nhiều thứ, nhất là trong những mối quan hệ.
Hồi làm Bỗng dưng muốn khóc xong, tôi muốn ăn theo liền. Hai tháng rưỡi viết kịch bản để ra kịp phim tết. Đẹp từng centimet là một kinh nghiệm đáng giá. Rồi đến Ngôi nhà hạnh phúc, tôi ngộ ra một điều là, không nên làm lại phim truyền hình của bất kỳ nước nào. Người ta bỏ ra 1.000 đồng làm phim đó, mình mua về và bỏ ra 10 đồng để làm, thua là cái chắc.
Tôi không nghĩ Ngôi nhà hạnh phúc dở, vì rating và quảng cáo rất cao. Ngôi nhà hạnh phúc bị chê nhiều hơn khen là do chúng ta đã có một phiên bản gốc quá xuất sắc. Chuyện Đẹp từng centimet hay Ngôi nhà hạnh phúc đều cần thiết cho sự nghiệp của tôi, bởi mình không sai lầm lúc này thì mình cũng sẽ sai lầm lúc khác. Quan trọng là rút ra bài học. Tôi có một tự hào, tôi có thể bị chê hoặc được khen, nhưng tôi chưa làm phim nào lỗ cả.
* Trong cuộc sống thường ngày, anh có phải người vội vàng?
Ngoài nói nhanh ra, tôi luôn chậm rãi và bình tĩnh (cười).
* Anh có vẻ thích làm phim tình cảm lãng mạn. Anh quan tâm đến những câu chuyện tình yêu nhiều không?
Tôi thì quá sến ấy chứ. Tôi thích tình yêu nhẹ nhàng, cuộc sống tình cảm của tôi cũng y vậy.
* Tại sao không lên đến tận cùng mà phải là nhẹ nhàng?
Tôi không thích cái gì quá mạnh, kể cả tình yêu. Vì lên đến tận cùng sau đó phải tụt dốc. Mà bản thân tôi cũng không đẩy được cái gì lên đến tận cùng. Với tôi, một ngày trôi qua nhẹ nhàng là một ngày thành công. Có lẽ do vậy mà tôi hay làm những phim ngây thơ, trong sáng.
* Ngây thơ mãi sao chạm được tới sự gai góc? Như Hot boy nổi loạn ấy, chưa thật sự ám ảnh...
Không nhất thiết phải gai góc. Gai góc để đạo diễn gai góc làm. Cuộc sống tôi đơn giản nên tôi làm phim dễ thương. Phim ảnh là trải nghiệm của đạo diễn. Cố tình đưa những thứ khác trải nghiệm bản thân vào phim sẽ khiến phim rất giả. Cái gì giả tất khó chịu. Quan điểm của tôi, thà không tới đừng làm quá. Khi viết kịch bản Hot boy nổi loạn, tôi để Hải thoải mái viết phần của Hải. Đến lúc quay, tôi đã chỉnh sửa chút đỉnh và điều này khiến Hải hơi buồn. Nhưng tôi buộc phải giảm nhẹ đi những gì Hải viết, vì vốn không cảm được điều dữ dội thì làm sao tôi quay được nó?
* Mỗi đạo diễn có “nàng thơ”, gọi Lương Mạnh Hải là “nàng thơ” của anh đúng không?
Cũng đúng. Nếu bên cạnh tôi không phải là Lương Mạnh Hải thì sự nghiệp điện ảnh của tôi biết đâu đã khác. Tôi không từ chối việc đó.
* Một câu ngắn ngủi để nói về “nàng thơ” của mình?
Tôi may mắn.
* Anh dường như là một người quá cảm tính, trong khi phần lớn những người thành công hầu như đều có nguyên tắc nhất định?
Bởi, tôi đâu thành công lắm đâu (cười).
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nguyễn Khắc Ngân Vi
Ảnh: Ân Nguyễn
>> Vũ Ngọc Đãng: “Phải chi làng giải trí chỉ toàn Tăng Thanh Hà…”
>> “Không vô lý thì đã không là Vũ Ngọc Đãng!”
Bình luận (0)