Vụ "nữ đại gia" Diệu Hiền xuất cảnh để lại món nợ lớn: Nhiều nông dân lâm vào cảnh túng quẫn

09/03/2012 04:13 GMT+7

Nhiều hộ nông dân nuôi cá bị Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) nợ hàng trăm tỉ đồng đang điêu đứng vì món nợ khó đòi.

>> Vụ "nữ đại gia" Diệu Hiền xuất cảnh để lại món nợ lớn: Sẽ bán tài sản để trả nợ
>> “Nữ đại gia” xuất cảnh để lại món nợ lớn

Khi hay tin Bianfishco tổ chức họp báo vào chiều 7.3, nhiều nông dân là chủ nợ của công ty cũng đến dự.

xe triệu đô
Chiếc siêu xe "triệu đô" của bà Diệu Hiền sẽ được bán để trả nợ nông dân - Ảnh: Mai Trâm

Tại buổi họp báo, ông Thái Bá Thi (ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), là người đại diện cho nhiều hộ nuôi cá đang bị Bianfishco nợ hàng trăm tỉ đồng đặt câu hỏi: “Liệu khi có tổng giám đốc mới thì công ty có trả nợ dứt điểm cho nông dân hay không, vì trước đây vợ ông cũng từng hứa với chúng tôi sẽ trả xong nợ trong tháng 12.2011”.

 

Liên tục bị kiện đòi nợ       

Chiều 8.3, trao đổi với PV Thanh Niên, TAND Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ xác nhận, hiện tòa đang thụ lý hai vụ kiện dân sự về việc đòi nợ Bianfishco và sẽ đưa ra xét xử vào ngày 16.3 tới. Vụ thứ nhất là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai (ngụ Q.Thốt Nốt) kiện đòi Bianfishco trả nợ trên 16 tỉ đồng. Vụ thứ hai là Công ty CP kỹ nghệ lạnh tại TP.HCM kiện Bianfishco với số nợ trên 3 tỉ đồng. Cũng trong ngày 8.3, TAND Q.Ô Môn đã thụ lý vụ Công ty giao nhận, vận chuyển Siêu Sao (Super Star) tại TP.HCM khởi kiện Bianfishco đòi nợ tiền vận chuyển hàng hóa với số tiền gần 2 tỉ đồng.

Trước khi trả lời câu hỏi trên, ông Trần Văn Trí (chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc Bianfishco) - người được ủy quyền làm tân tổng giám đốc công ty tiếp tục ngỏ lời xin lỗi các “chủ nợ” rồi cho rằng, do thời điểm đó công ty đang thế chấp một phần nhà máy chế biến thủy sản cho Ngân hàng Á Châu (ACB) trên 60 tỉ đồng, khi ấy công ty có kế hoạch đem tài sản đã thế chấp để đi vay một ngân hàng (NH) khác với giá cao hơn để có tiền trả cho nông dân, nhưng không được ACB đồng ý; do vậy, buộc công ty phải bội tín với nông dân. “Hiện tôi đang tính đến phương án bán nhà máy chế biến thủy sản cho một đối tác ở Cần Thơ với giá khoảng 80 - 90 triệu USD, bán xe Rolls-Royce mang biển số 3333 trị giá triệu đô của vợ tôi, cùng hai dự án nhà đất mà công ty đang đầu tư tại TP.HCM để sớm trả nợ dứt điểm”, ông Trí nói.

Ông Trí quả quyết: “Tôi cam kết, khi đối tác “bơm” tiền về hoặc bán nhà máy xong thì những nông dân mà công ty còn nợ ít sẽ được trả hết trong tháng 3. Những người công ty nợ nhiều nếu chưa trả hết thì hai bên sẽ ngồi lại với nhau để thỏa thuận trả chậm, đồng thời công ty cam kết chịu lãi suất để nông dân không chịu thiệt”.

Sau cuộc họp, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nông dân tỏ ra băn khoăn. “Mặc dù ông Trí hứa như vậy, nhưng nghĩ lại vẫn còn bất an, vì các tài sản mà ông Trí nói, kể cả chiếc xe trị giá hàng chục tỉ đồng của vợ ông đã thế chấp cho NH hết rồi. Nếu có bán được thì NH sẽ được ưu tiên lấy tiền trước. Với cái đà làm ăn như thế này mà đợi bán được tài sản thì “lãi mẹ đẻ lãi con”  không đủ trả nợ cho NH, lấy gì đến thanh toán nợ của hàng chục hộ nông dân nuôi cá tra như chúng tôi”, một nông dân tâm tư.

Chủ nợ bi đát

Ông Lê Văn Chiến, đại diện các nông dân còn bị công ty nợ tiền, bức xúc: “Nông dân chúng tôi không có nhiều vốn, phải đem tài sản thế chấp cho NH, bạn bè để đầu tư nuôi cá với hy vọng thoát nghèo, cải thiện đời sống gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Nào ngờ khi bán được cá thì bị Bình An chiếm dụng hết vốn. Hiện tôi và nhiều hộ nông dân khác đang lâm vào đường cùng, khi vốn lẫn lãi vay NH cứ tăng lên từng ngày. Nguy cơ NH siết nợ tới gần, còn vốn vay trong dân, do không thanh toán được cũng bị chủ nợ chửi bới, hăm dọa...”.

Trong đơn cầu cứu gửi các ngành chức năng, bà Phạm Thị Mai (ngụ Q.Thốt Nốt, hiện còn bị Bianfishco nợ trên 16 tỉ đồng) đã viết: “Chỉ vì chuyện nợ nần mà một số gia đình, vợ chồng xích mích, cãi vã, gây ra ly tán; không có tiền nên con cái phải bỏ học, bệnh tật không có tiền lo thuốc men, miếng ăn cái mặc bị thiếu hụt, gia đình rơi vào cảnh bi đát. Chúng tôi đang sống trong tâm trạng bất an, hoang mang, mất phương hướng. Rồi cuộc sống chúng tôi sẽ ra sao, hệ lụy thế nào. Chúng tôi vô vọng trước tình cảnh như hiện nay. Trong số nông dân chúng tôi, có nhiều hộ bị chủ nợ đến nhà siết nợ nên nhiều lúc chúng tôi trốn không dám về nhà, luôn tắt điện thoại. Không có tiền trả nên tôi phải bán xe cộ, đất đai, ao cá để trả bớt nợ”.

Không chỉ người nuôi cá mà một số chủ doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, cán bộ đương chức, về hưu cũng bị Công ty Bianfishco chiếm dụng vốn, như ông K. còn bị nợ 39 tỉ đồng, ông V. bị nợ 41 tỉ đồng...

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.