Vụ phát tán ảnh cô gái 'mặc thiếu vải' chơi pickleball: Chia sẻ sai có thể bị truy cứu hình sự

Phạm Hữu
Phạm Hữu
13/10/2024 16:17 GMT+7

Vụ việc cô gái chơi pickleball bị chỉnh sửa ảnh và được lan truyền bằng ảnh chế 'mặc thiếu vải' không chỉ vi phạm quyền cá nhân mà còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện bài đăng kèm hình ảnh về một cô gái mặc đồ phản cảm chơi pickleball. Tuy nhiên những hình ảnh đó không phải là sự thật, đã có người chỉnh sửa ảnh gốc để đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội.

Cô gái trong ảnh cũng đã đã lên tiếng, bày tỏ sự bức xúc vì hình ảnh của bản thân lại bị lan truyền chóng mặt với ý nghĩa không tốt đẹp và cũng bày tỏ sự mệt mỏi khi không đủ sức nhắn tin cho từng trang để gỡ hình.

Trước đó, thời điểm sau bão số 3 (bão Yagi) trên mạng xã hội cũng có những hình ảnh các cháu bé mặt lấm lem, nằm giữa đống bùn đổ nát nhận được nhiều sự thương cảm của dân mạng. Tuy nhiên, đó lại cũng là những hình ảnh không có trong thực tế mà là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI).

Vụ phát tán ảnh cô gái 'mặc thiếu vải' chơi pickleball: Chia sẻ sai có thể bị truy cứu hình sự- Ảnh 1.

Cô gái bị phát tán ảnh bị chỉnh sửa mặc thiếu vải khiến đời sống bị đảo lộn

Ảnh chụp màn hình

Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, đồng thời mong các cá nhân không tranh thủ chiêu trò, lợi dụng chủ đề bão, lũ để câu view, câu like. Không ít người còn đề nghị xử phạt những người tạo dựng hình ảnh, video để tung tin giả…

Từ những vụ việc nói trên, luật sư Ngô Quang Nhật (Công ty luật Chính Nghĩa Luật) cho rằng hành vi ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác hoặc đã ghi hình rồi xuyên tạc nội dung không đúng là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Tất cả những dấu hiệu trên được quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Nhật nói về quy tắc ghi hình và đăng tải thông tin lên mạng, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp.

Một là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hai là, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc ghi hình được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc những quy định, yêu cầu khác.

Vụ phát tán ảnh cô gái 'mặc thiếu vải' chơi pickleball: Chia sẻ sai có thể bị truy cứu hình sự- Ảnh 2.

Nhiều người chia sẻ hình ảnh giả sau khi đăng tải lên mạng xã hội

Ảnh chụp màn hình

Về trường hợp cô gái chơi pickleball bị chỉnh sửa ảnh, cắt ghép sai sự thật và đăng tải lên mạng xã hội với những nội dung gây tranh cãi, sai bản chất ban đầu thì người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Người đăng video clip, tạo hình ảnh từ AI về người khác sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu việc đăng tải video, hình ảnh gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Nhật cho biết thêm ngoài các trường hợp trên, người dân không được và không nên chụp hình, quay phim và đăng tải lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý dù với bất kỳ mục đích gì. Ngoài ra, mọi công dân đều được pháp luật bảo hộ và bảo vệ không chỉ ở đời thật mà còn trên không gian mạng.

"Trước khi bấm nút đăng, chúng ta nên tự hỏi làm như vậy thì có đúng quy định của pháp luật không, sẽ bị xử phạt như thế nào. Nếu người trong hình là bản thân hoặc người thân của mình thì người đó sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Mỗi người đừng biến việc tự ý tạo hình ảnh người khác và đăng lên mạng xã hội trở thành "thói quen" vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Suy cho cùng, đó là hành động không đúng cả về lý lẫn về tình với cô gái chơi pickleball bị đăng ảnh mặc thiếu vải", luật sư Nhật nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.