Vụ sinh viên làm thêm bán cà phê ở TP.HCM đòi lương: Làm sao lấy lại tiền?

29/08/2024 12:24 GMT+7

Nhiều sinh viên làm thêm bán cà phê tại quán AG Coffee tố chủ nợ lương, thông báo sẽ thanh toán sau 2 tháng nhưng chặn tin nhắn không thể liên lạc khiến họ lo mất trắng. Luật sư chỉ cách đòi lương.

Những người lên tiếng tố chủ quán cà phê AG Coffee nợ lương trong vụ việc: Sinh viên làm thêm bán cà phê ở TP.HCM miệt mài đòi lương, được Báo Thanh Niên đưa tin đều không có hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản. Nhóm sinh viên nhiều lần đòi lương bất thành rồi bị những người quản lý chặn tin nhắn nên lo lắng, sợ không có đủ cơ sở pháp lý để nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Có thể khởi kiện để đòi tiền

Chia sẻ về điều này, luật sư Nguyễn Anh Tâm – Công ty luật Công Khánh cho biết: "Căn cứ điều 13 bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động".

Vụ sinh viên làm thêm bán cà phê ở TP.HCM đòi lương: Làm sao lấy lại tiền?- Ảnh 1.

Sinh viên lo lắng mất trắng tiền công vì người quản lý chặn tin nhắn

NGUỒN TIN CUNG CẤP

Luật sư Anh Tâm phân tích, thực tế, tình trạng sinh viên hay những người lao động trẻ (gọi chung là người lao động) lựa chọn hình thức đi làm thêm/làm cộng tác viên tương đối phổ biến. Đó là những công việc đơn giản như: nhân viên phục vụ, nhân viên nhập liệu… Vì có đặc thù là công việc ngắn ngày, không đòi hỏi nhiều chuyên môn nên dễ xảy ra tình trạng các bên chỉ thỏa thuận công việc như thời gian, mức lương bằng lời nói hoặc trao đổi qua Zalo, Mesenger… mà không hề có các thỏa thuận bằng văn bản.

Khi phát sinh tranh chấp, cụ thể là bị nợ lương, người lao động thường gặp những khó khăn trong việc cung cấp tài liệu chứng minh. Một số người khác nhận thấy khoản tiền nợ lương còn ít trong khi công sức theo đuổi rất dài nên thường bỏ mặc.

Trong vụ việc sinh viên tố chủ quán quỵt tiền, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người lao động cần tổng hợp các tài liệu/bằng chứng về việc mình có tham gia làm việc cho quán cà phê AG Coffee như: tin nhắn tuyển dụng, trao đổi công việc, thông báo chuyển lương… Đó là cơ sở, căn cứ để nhóm sinh viên tiến hành khởi kiện theo quy định.

Vụ sinh viên làm thêm bán cà phê ở TP.HCM đòi lương: Làm sao lấy lại tiền?- Ảnh 2.

Nhóm sinh viên cần thu thập các bằng chứng về việc mình tham gia làm việc cho quán cà phê AG Coffee

Căn cứ vào điều 28, điều 32 và điều 35 bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu xác định được thông tin của doanh nghiệp (không có yếu tố nước ngoài) thì người lao động có thể tiến hành thủ tục khởi kiện, yêu cầu TAND cấp huyện xem xét, giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng lao động. Thời hạn giải quyết vụ án có thể kéo dài từ 4 - 6 tháng theo quy định tại điều 203 bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Ngoài ra, các sinh viên cần phản ánh việc này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cơ quan chuyên môn xem xét các vấn đề và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Cần bình tĩnh

Trong quá trình giải quyết, người sử dụng lao động, cụ thể là phía chủ quán AG Coffee có những hành vi không hợp tác như: chối bỏ trách nhiệm, không phản hồi… thì cần phải đánh giá khách quan là cá nhân mình đang trao đổi có trách nhiệm trực tiếp giải quyết vấn đề đó không? Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp tuyển dụng, trả lương nhưng lại giao cho một nhân sự khác làm nhiệm vụ quản lý nên cần phải làm rõ lại vai trò từng cá nhân.

Khi đã xác định rõ vai trò trách nhiệm của mỗi bên mà vẫn không nhận được sự hợp tác thì hiện nay luật định vẫn chưa có chế tài về vấn đề này. Tuy nhiên, tình tiết này trở thành một trong những minh chứng cho thấy người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ của bên sử dụng lao động. Người sử dụng lao động tự mình làm giảm uy tín doanh nghiệp trên thị trường lao động nói riêng, trong lĩnh vực kinh doanh nói chung.

Vụ sinh viên làm thêm bán cà phê ở TP.HCM đòi lương: Làm sao lấy lại tiền?- Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Anh Tâm - Công ty luật Công Khánh

Trong trường hợp này, luật sư Nguyễn Anh Tâm khuyên người lao động không nên vội vàng đăng bài "bóc phốt" trên các phương tiện truyền thông/mạng xã hội.

"Trong lúc bức xúc, người lao động có thể đăng tải những nội dung không phù hợp, vô tình đưa chính mình trở thành người có hành vi đưa thông tin bịa đặt, trái với quy định pháp luật. Người lao động cần bình tĩnh để đánh giá toàn bộ vụ việc, thu thập tài liệu chứng cứ đầy đủ và lựa chọn các phương án xử lý như đã phân tích trên", vị luật sư nói.

Ngày nay, nhu cầu làm thêm để trang trải cuộc sống tương đối lớn, để hạn chế tối đa rủi ro, các bạn sinh viên nói riêng và người lao động nói chung cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng trong việc tìm kiếm việc làm.

Luật sư chia sẻ, người lao động cần lưu tâm một số vấn đề như: phải có thỏa thuận cụ thể bằng văn bản về công việc mình sẽ làm. Lưu ý về mức lương, hình thức và thời gian thanh toán lương, hình thức xử lý khi bị nợ lương.

Bên cạnh đó, người lao động nên dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để có những đánh giá sơ bộ về người sử dụng lao động như tình hình kinh doanh, có phát sinh tranh chấp hay không, để chính mình được tham gia lao động trong một môi trường an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.