Vụ sụt lút đất bất thường ở Di Linh: Chưa xác định được nguyên nhân

22/10/2013 15:36 GMT+7

(TNO) Sáng 22.10, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Lâm Đồng phối hợp với các Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN), Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND H.Di Linh đã đến khảo sát hiện trường vụ sụt lún đất bất thường ở thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa.

Vụ sụt lút đất bất thường ở Di Linh: Chưa xác định được nguyên nhân 7
Vụ sụt lở đất làm hư hại nhiều nhà dân

Ông Lê Viết Phú, Phó chủ tịch UBND H.Di Linh, cho biết hiện tượng sụt lún đất, nứt đất tại thôn Gia Bắc 2 bắt đầu từ ngày 6.10, nhưng cao điểm sạt lở là trong các ngày 10 - 12.10. Sau đó, các xã Lộc Châu 2 và 3 (Tân Nghĩa) cũng bị sụt lún, nứt đất. Đến nay có 27 ngôi nhà bị nứt, lún, trong đó có 4 nhà bị sập hoàn toàn. Diện tích canh tác cà phê, rau màu bị ảnh hưởng do sụt lún khoảng 50 ha.

Theo ông Phạm Quang Tường, Phó giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng (trưởng đoàn khảo sát): “Cấu tạo địa chất vùng xã Tân Nghĩa liên kết không chặt, bở rời, đất đen lẫn lộn đá núi lửa còn lại nên mùa mưa dễ gây sạt lở”.

PGS-TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng, cho biết tác động sụt lở đất từ đỉnh núi Cổng Trời ngày 6.10 đã tạo hiệu ứng xô đẩy đất theo vòng cung trượt khá rộng gây hiện tượng sụt lút, nứt đất đi về hướng thấp.

Cũng theo ông Thám, Di Linh trước đây đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất ở KP.1, TT.Di Linh. Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM, Gia Bắc 2 nằm giáp ranh vùng nguy cơ tai biến địa chất (NCTBĐC) cao và NCTBĐC trung bình, nên dễ xảy ra hiện tượng sụt lún đất.

Đại diện Sở NN&PTNT cho rằng hiện tượng sụt lún đất tại xã Tân Nghĩa chỉ là cục bộ, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 50 ha, có điểm nứt cách mặt hồ thủy điện Đồng Nai 2 chỉ 100 m, nhưng muốn biết nguyên nhân cần phải khoan thăm dò địa chất.

Ông Bùi Đình Dũng, Phòng Tài nguyên nước (Sở TN-MT Lâm Đồng) cho biết ông từng đi khảo sát nhiều vùng bị sạt lở đất ở Lâm Đồng như Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh… Theo ông Dũng, cấu tạo địa chất tại Tân Nghĩa là đất đá rỗng, mùa mưa nước ngấm xuống gây dịch chuyển đất. Đây chỉ là dịch chuyển bề mặt (ngoại sinh) chứ không có hoạt động nội sinh.

Kết thúc buổi khảo sát, ông Phạm Quang Tường kết luận: Chưa thể khẳng định nguyên nhân gây sụt lún, nứt đất ở xã Tân Nghĩa thời gian qua. Cũng chưa thể nói việc tích nước thủy điện Đồng Nai 2 là nguyên nhân, vì có thể có sự trùng hợp về thời điểm vụ sạt lở đất.

Các cơ quan chức năng thống nhất đề xuất UBND tỉnh mời các nhà khoa học khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân sụt đất.

Trước mắt, H.Di Linh cần di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, cắm biển báo “nguy hiểm” ở khu vực sụt lún đất. Người dân vẫn có thể thu hoạch cà phê, canh tác rau màu nhưng cần cảnh giác khi trời mưa bão kéo dài, vì khả năng sụt lún, nứt đất vẫn có thể xảy ra.

Theo chân đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng, PV Thanh Niên Online ghi lại một số hình ảnh khảo sát hiện trường vụ sụt lún đất tại Di Linh.

Vụ sụt lút đất bất thường ở Di Linh: Chưa xác định được nguyên nhân 1

Vụ sụt lút đất bất thường ở Di Linh: Chưa xác định được nguyên nhân 2

Vụ sụt lút đất bất thường ở Di Linh: Chưa xác định được nguyên nhân 3
Khảo sát hiện trường vụ sụt lở đất bất thường ở Di Linh, Lâm Đồng

Bài, ảnh: Lâm Viên

>> Sụt lún đất ở Di Linh gây thiệt hại lớn
>> Tiếp tục sụt lún đất tại Di Linh
>> Vụ trượt đất ở Di Linh: Thêm 3 thôn bị sụt lún đất, 2 căn nhà bị sập
>> Vụ sụt lún đất ở Bảo Lộc: Bố trí tái định cư các hộ trong vùng nguy hiểm
>> Sụt lún đất gây nứt nhà, sập tường rào
>> Sụt lún đất gây nứt nhà, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.