Theo đó, nguồn phóng xạ bị rơi là IR 192, có cường độ phóng xạ 100,51 Ci tính ở thời điểm xuất xưởng ngày 8.8.2007, tính đến ngày 28.12 là 26,68 Ci. Nguồn phóng xạ có kích thước 3 mm, được gắn trong thiết bị đo kiểm tra mối hàn.
Theo bản tường trình của nhân viên Công ty Alpha, nguồn phóng xạ được sử dụng để đo mối hàn tại giàn BOD lúc 12 giờ ngày 28.12. Lúc 12 giờ 30 bắt đầu tiến hành thu nguồn, chuyển sang vị trí khác để chụp. Sau đó các chuyên viên của Alpha phát hiện nguồn phóng xạ bị rơi lúc 13 giờ 55. Ở thời điểm này có khoảng 400 công nhân đang làm việc tại đây. Mãi đến 15 giờ 40 mới tìm được nguồn bị mất tại vị trí sàn 1 của giàn BOD. Đến 16 giờ 20 nguồn phóng xạ được đưa lên xe chuyển về kho cảng của Công ty Alpha.
Trả lời câu hỏi về việc một số công nhân nghi vấn nguồn phóng xạ bị rơi từ tối 27.12 chứ không phải trưa 28.12, ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C), cho rằng nguồn phóng xạ thực sự bị rơi vào trưa 28.12. "Thứ nhất, nếu rơi tối 27.12 thì công nhân của Công ty Alpha sẽ không dám tìm nguồn vì sợ nhiễm. Thứ hai, họ không nhẫn tâm mà không báo cho anh em công nhân làm việc tại giàn BOD biết sự việc. Thứ ba, họ có máy dò tìm nguồn phóng xạ", ông Tùng giải thích. Ông Tùng cũng cho rằng "tất cả các khía cạnh giấy tờ, trang thiết bị, con người... của Công ty Alpha không có sai sót, nhưng việc làm rơi nguồn phóng xạ này thì cũng có vấn đề".
Thế nhưng, các công nhân làm việc ở giàn BOD lại có ý kiến khác với ông giám đốc. Một công nhân thắc mắc: "Theo quy định, khi chụp phóng xạ phải thông báo cho công nhân trước 10 đến 30 phút. Lúc 9 giờ 45, Ban An toàn có thông báo chụp ở bãi 5.000 (cách giàn BOD 500m) chứ không báo chụp ở giàn BOD. Mãi đến 11 giờ 45 Ban An toàn mới báo chụp giàn BOD (bình thường nếu chụp nguồn phóng xạ phải báo lúc 11 giờ 20). Ngoài ra, lúc thông báo chụp thì tổ điện vẫn đang đấu tủ điện dưới sân giàn BOD.
Chưa hết, một số công nhân cũng đang nằm nghỉ trưa trên giàn khoan mà theo nguyên tắc khi chụp phóng xạ thì không ai được có mặt trên giàn". "Như vậy, khả năng là Công ty Alpha không chụp phóng xạ như thông báo mà thực chất là đang lặng lẽ đi tìm nguồn phóng xạ bị rơi trước đó", một công nhân ở tổ điện nhận định. "Lúc 13 giờ 30, anh em đang làm việc thì thấy công nhân của Công ty Alpha cầm đầu dò phóng xạ đi tìm nguồn phóng xạ. Theo phản xạ, tôi đã hô to để anh em cùng bỏ chạy. Công ty Alpha làm mất nguồn phóng xạ không báo cho chúng tôi biết", anh Mừng, tổ trưởng thuộc xưởng điện tự động Công ty PTSC M&C bức xúc nói.
Sáng 29.12, hơn 50 công nhân làm việc tại giàn BOD có triệu chứng đau đầu, khó thở, tức ngực phải cấp cứu ở Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu. Trong đó, anh Ngô Ngọc Dũng (49 tuổi), nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Sao Mai, nhập viện trong tình trạng lừ đừ, nôn ói. Khoa cấp cứu của Bệnh viện Lê Lợi bị quá tải, 2 công nhân phải nằm chung một giường. Bệnh viện phải huy động luôn ghế bố, băng ca cho công nhân nằm nghỉ và lấy máu để xét nghiệm. Theo thống kê của Bệnh viện Lê Lợi, tính đến 16 giờ 20 phút có đến 145 công nhân được cấp cứu tại khoa này.
Ông Phan Thanh Tùng cho biết: "Công ty đã đưa 28 công nhân ở gần, tiếp xúc với nơi có nguồn phóng xạ bị rơi lên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để xét nghiệm. Sau 2 tuần kết quả xét nghiệm mới có". Ông Tùng cho biết thêm, công nhân làm việc theo chế độ khoán gọn hay chính thức của công ty nếu bị nhiễm phóng xạ thì công ty cũng thực hiện các chế độ, chính sách như nhau.
Nguyễn Long
Bình luận (0)