Vụ thất lạc nguồn phóng xạ: Được xét nghiệm vẫn chưa hết lo

31/12/2007 00:12 GMT+7

28 công nhân ở gần nguồn phóng xạ bị rơi đã được đưa lên Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt để xét nghiệm.

Công nhân tiếp tục nhập viện

Lúc 8 giờ 30 hôm qua 30.12, 28 công nhân được đưa đến Trung tâm An toàn bức xạ (Viện NCHN Đà Lạt) để được xét nghiệm. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHN Đà Lạt đã đón tiếp và tư vấn cho anh em công nhân về các mức độ tác hại của các nguồn phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiếp đó, 28 công nhân lần lượt được kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ trên cơ thể bằng thiết bị hiện đại của Hoa Kỳ.

Ông Hoàng Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm An toàn bức xạ trực tiếp kiểm tra cho biết: Kết quả cả 28 công nhân đều không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm bẩn phóng xạ trên cơ thể. Các công nhân được lấy máu để tiếp tục xét nghiệm bằng kỹ thuật phân tích sai hình nhiễm sắc thể (Chromosome Aberration) với thiết bị hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay mà các bệnh viện trong nước chưa có đủ thiết bị để đo. Các mẫu máu được nuôi cấy tế bào, phải sau 14 ngày mới cho kết quả nhiễm sắc thể của các công nhân có bị tổn thương hay không. Một số công nhân âu lo, tuy không bị nhiễm bẩn phóng xạ nhưng ảnh hưởng của phóng xạ về vấn đề sinh con cái sau này thế nào? TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng, đúng là cơ quan sinh dục là vùng nhạy cảm nhất với phóng xạ, nhưng với cường độ của nguồn phóng xạ lúc bị rơi là 26,68 Ci, thời gian tiếp cận chỉ khoảng 3 giờ thì liều nhiễm xạ rất thấp chưa bị ảnh hưởng. TS Điền khuyến cáo tốt nhất trong thời gian này nên hạn chế sinh hoạt tình dục (nếu muốn sinh con), những ai chưa được xét nghiệm máu cần xét nghiệm để kiểm tra lượng hồng cầu, bạch cầu trong cơ thể có giảm sút không, lo ăn uống bồi bổ sức khỏe.

Còn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo của Bệnh viện Lê Lợi cho biết, lượng hồng cầu, bạch cầu trong máu của 145 công nhân được lấy mẫu máu xét nghiệm máu, điện tim ngày 29.12 vẫn bình thường. Tại Bệnh viện Lê Lợi, đến cuối giờ chiều 30.12, có 3 công nhân tiếp tục được Công ty PTSC M&C đưa vào khoa Cấp cứu với tình trạng đau đầu, khó thở. Những ca này đều được đưa lên khoa Nội điều trị. Như vậy, hiện tại khoa Nội Bệnh viện Lê Lợi đang điều trị 9 công nhân. Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, khoa Nội Bệnh viện Lê Lợi cho biết, qua xét nghiệm máu cho thấy lượng hồng cầu, bạch cầu của các bệnh nhân này vẫn bình thường. "Bệnh viện chưa bao giờ tiếp nhận ca nào bị nhiễm phóng xạ, nên chưa có kinh nghiệm. Nếu bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ nặng thì lượng hồng cầu và bạch cầu sẽ giảm. Có thể là do tâm lý nên công nhân mới có triệu chứng khó thở, tức ngực" - bác sĩ Nga cho biết thêm.

Rơi nguồn do quá tự tin!

18 giờ 15 ngày 30.12, tại cảng hạ lưu PTSC đã diễn ra cuộc họp báo, trong đó có đại diện của Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học - Công nghệ), Trung tâm Hạt nhân TP.HCM, Sở Khoa học - Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Alpha, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC.

Liên quan đến sự cố, ông Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân đánh giá: "Sự cố xảy ra là đáng tiếc. Trong trường hợp này, không phải là rò rỉ nguồn phóng xạ như các báo đưa tin mà là rơi nguồn phóng xạ. Việc không làm ảnh hưởng đến môi trường và con người". Ông Lương chứng minh: "Tại khu vực nguồn rơi được phát hiện (giàn BOD) và môi trường (cả trên mặt đất và trên sàn vị trí rơi) suất liệu bức xạ bằng mức phông môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho con người làm việc. Môi trường xung quanh tại thời điểm đo hoàn toàn không có ô nhiễm bẩn phóng xạ và không có biểu hiện của sự rò rỉ phóng xạ". Tiếp đến, ông Nguyễn Hữu Thời, Giám đốc Công ty Alpha giải thích: "Việc rơi nguồn là do nhân viên kỹ thuật của Công ty Alpha "quá tự tin" chứ không phải là do chủ quan trong khi làm việc. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa xác định nguyên nhân tại sao nguồn phóng xạ lại rơi ra khỏi thiết bị chụp ảnh".

Để rơi nguồn phóng xạ là do tắc trách!

* Thưa TS, sự cố "thất lạc" nguồn phóng xạ vừa xảy ra tại Vũng Tàu nguyên do từ đâu? 

- TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt: Việc để rơi

Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền - ảnh: Lâm Viên

nguồn phóng xạ là chuyện vẫn thường xảy ra trên thế giới, nhưng khi để rơi phải khoanh vùng và thông báo để thu lại ngay. Qua thông tin trên báo chí và lời kể của các công nhân trực tiếp lao động tại hiện trường nơi xảy ra sự cố, chúng tôi hiểu ngay trong quy trình vận hành có sai sót, đơn vị sử dụng nguồn đã bỏ qua động tác kiểm tra khi đưa nguồn vào và rút nguồn ra. Nếu kiểm tra sẽ biết ngay nguồn rơi hay không rơi, nếu rơi sẽ thu lại được ngay vì đơn vị sử dụng phải có thiết bị kiểm tra.

* Vấn đề an toàn bức xạ đối với các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ được quy định như thế nào?

- TS Nguyễn Nhị Điền: Một đơn vị muốn sử dụng nguồn phóng xạ đều phải được Cục Quản lý an toàn bức xạ kiểm tra các thiết bị có bảo đảm an toàn, có người đáp ứng chuyên môn vận hành mới cấp phép. Công ty Alpha là đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ từ lâu nhưng đây là lần thứ 2 để xảy ra sự cố. Theo tôi, sự cố vừa xảy ra là do tắc trách. Nhưng qua đây thêm lời cảnh báo, các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ phải nghiêm túc thực hiện đúng quy trình an toàn bức xạ, cần thuê cán bộ chuyên môn tập huấn cho người sử dụng nguồn phóng xạ và phải thường xuyên kiểm tra quy trình vận hành sử dụng sẽ tránh được sai sót. 

* TS nghĩ gì khi một số công nhân lao động tại hiện trường cho rằng Công ty Alpha để thất lạc nguồn phóng xạ trước đó một ngày chứ không phải chỉ 5 giờ trước khi tìm ra như Alpha báo cáo?

- TS Nguyễn Nhị Điền: Theo quy định, nguồn phóng xạ được quản lý rất chặt chẽ, có lý lịch vận hành và sử dụng rõ ràng. Qua kiểm tra sẽ xác định được ngay, chẳng hạn khi cất máy, anh có đo nguồn hay không, việc đó thể hiện trong lý lịch nguồn. Nếu đúng như anh em công nhân phản ánh thì quả là không hiểu nổi.

Lâm Viên (thực hiện)

N.L - L.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.