"Tiếc nuối vì đó là tất cả những gì còn sót lại của tuổi trẻ"
Cái tên "Bảo tàng của nuối tiếc" liệu có được gợi ý từ cuốn sách nổi tiếng "Bảo tàng ngây thơ" của chủ nhân Nobel văn học 2006 không?
- Có đấy! Từ xưa thật ra khi nghĩ đến concept bảo tàng, thì cái đầu tiên tôi nghĩ đến là "Bảo tàng tan vỡ", nghe còn buồn gấp mấy lần "tiếc nuối".
Nhưng tiếc là sau đó có người đã lấy tên đó làm triển lãm. Mãi sau mới nhớ ra "Bảo tàng ngây thơ" vì đọc lâu quá rồi. Giờ quá nhiều thứ để bày tỏ bộc bạch quá, quá nhiều thứ để tiếc nuối. Thôi tốt nhất là đóng gói lại cho vào bảo tàng. Và tôi nghĩ "tiếc nuối" thì nó liên quan đến nhiều người hơn là "tan vỡ".
Những tiếc nuối của một người đàn ông đã thành danh và cả… thành hôn ở tuổi 28 là gì?
- Là tất cả những gì còn sót lại của tuổi trẻ: đầu tiên phải là tình yêu, rồi tới anh em bạn bè, có người ở lại, có người ra đi, cả những nuối tiếc trong âm nhạc.
Nếu những tiếc nuối, ca khúc chủ đề của album chẳng hạn, thật ra lúc đầu tôi định viết về tình yêu, nhưng trùng lúc đó có khá nhiều chuyện xảy đến với các anh em chơi nhạc xung quanh mình, cảm thấy rất tiếc về những mối quan hệ đấy, nên tôi bỗng muốn viết cả về những nuối tiếc khác, kiểu thế…
Vẻ như là chuyện của Ngọt Band, vốn từng rất gắn bó với Vũ?
- Ngọt từng đi diễn cùng tôi dễ hơn 10 năm trời. Vẫn biết trước là ban nhạc nào rồi cũng tới lúc tan rã, nhưng khi nó đến, vẫn cứ là đường đột. Nên lúc thu đến Nếu những tiếc nuối, anh em trong phòng thu có người bật khóc, có người trầm xuống.
Thu xong, tôi quyết định chọn luôn Nếu những tiếc nuối làm ca khúc chủ đề (vừa trình làng lúc 20 giờ ngày 26.9, vài tiếng trước khi phát hành toàn bộ album Bảo tàng của nuối tiếc trên tất cả các nền tảng nghe nhạc - PV). Và theo kinh nghiệm của tôi là nếu để tôi chọn bài nào làm ca khúc chủ đề thì y rằng bài đó… sẽ không hot (cười).
Có tấm biển "cấm sờ vào hiện vật" trong bảo tàng nuối tiếc của anh không? Có cái gọi là "vùng cấm của cảm xúc", khi ranh giới giữa những cảm xúc tiêu cực và tích cực đôi khi có thể rất mong manh, chẳng hạn như hai mặt của tiếc nuối?
- Như đã nói, tại kiểu viết của tôi thường là không kể một cái gì quá cụ thể, nên giả như tôi có lén cho vào đó một chút xúc cảm hơi "toxic" của mình thì chắc cũng khó mà bị phát giác.
Cảm giác khó chịu nhất từng trải qua là gì?
- Là cảm giác mình kiệt quệ, mọi vốn liếng. Như là lần này, khi mình vừa trút hết sạch vốn liếng vào trong 30 ca khúc vừa viết, cứ trung bình 3 ngày/bài, đều như vắt tranh tại một cái trại sáng tác trên Hòa Bình, rồi cô lại thành 10 bài cho album phòng thu thứ 3 này. Và giờ là cảm giác sợ viết.
Tôi thì có may mắn là tự viết được nhạc, nhưng con dao hai lưỡi của việc đó là sẽ đến đoạn không thấy việc viết nhạc là thú vị nữa. Thường, một buổi sáng nào đó tỉnh dậy mà tôi bỗng cảm thấy có gì đó chạm vào mình thật mạnh thì tôi có thể viết ngay lúc đó, rất nhanh. Nhưng hiện tại tôi đang bị lười cầm bút.
Vì thiếu vắng những cú chạm?
- Vì hết chất liệu thôi.
Chất liệu gì?
- Nuối tiếc.
"Không gì chiến thắng được cảm xúc"
Thế hệ của Vũ chắc ít nghe nhạc Phú Quang, người cũng chủ yếu viết về những cú "mắc kẹt" trong nhớ nhung và tiếc nuối?
- Tôi thậm chí còn hát luôn được ấy chứ! Với tôi thì thời của các chú chính xác là một thời kỳ lãng mạn, khi họ miêu tả tình yêu thật đẹp và nhã nhặn mà không cần tốn một từ "yêu" nào.
Thời ấy họ đã trải qua thật nhiều thứ nên viết rất dạt dào. Giờ đầy đủ quá đôi khi lại đâm thiếu. May cho tôi là từng phải qua những năm tháng dài cô đơn nên cũng tạm gọi là có chút vốn liếng.
Có hai bài hát của Vũ gần như trùng tên: Bước qua nhau, Bước qua mùa cô đơn, đó có phải chính là tâm thế thường trực của anh khi đối diện sự tiếc nuối: Bước qua?
- Đúng vậy, tốt nhất là nên bước qua. Càng nhiều vương vấn thì cuộc sống của mình sẽ khó mà được trơn tru.
Nhưng toàn bộ âm nhạc của Vũ lại toát lên sự vương vấn?
- Nó đôi khi chỉ là tình cờ sực nhớ thôi, cũng không hẳn là vương vấn.
Đời sống vốn dĩ có vô vàn điều tiếc nuối, không cứ phải là tình yêu. Vì sao anh luôn viết về những nuối tiếc trong tình yêu? Trường quan tâm của một người đàn ông trưởng thành không lẽ lại chỉ có tình yêu, tan vỡ, tiếc nuối?
- Thật ra, nhạc của tôi thường không kể những câu chuyện cụ thể, mà nhiều khi rất lan man. Nhiều người từng đặt tôi viết nhạc, như Thùy Chi, Binz… đều từng bảo "Vũ viết hơi bị lan man". Phải mãi sau này tôi mới nhận thấy thế mạnh của tôi chính là… lan man. Nên cả khi tôi lan man về tình yêu thì có thể cũng chỉ là tôi đang mượn cớ. Bất kể viết về điều gì, và nhất là khi viết về những tiếc nuối, tôi cũng luôn muốn mượn chuyện tình yêu để nói.
Làm sao để thắng được "cái tạng" đó của mình?
- Tôi nghĩ là không có gì chiến thắng được cảm xúc hết. Nếu tôi bước chân vào một vườn hoa, một cách tự nhiên, tôi sẽ muốn hái những bông hoa mình thích nhất.
Tất nhiên là trong suốt 12 năm qua, cũng đã có lúc tôi thử hái những bông hoa khác. Từng có nhiều giai đoạn muốn thay đổi, thậm chí là lan man trong sự nghiệp, trong quãng 3 năm 2017 - 2019, cũng may mà sớm nhận ra thế mạnh của mình.
Hay như bài Tâm sự của ta, mà hồi giờ VTV rất hay phát, là tâm sự của người bố nuôi con một mình. Hoặc là khi nhìn sang Phan Mạnh Quỳnh, thấy bạn ấy viết được đa dạng chủ đề quá, từ đám ma tới đám cưới, có những chủ đề phải nói là rất khó, đương nhiên mình cũng nghĩ chứ! Nghĩ thị trường âm nhạc bây giờ vậy, liệu mình có nên ra nhạc buồn tiếp không… Có thể đó sẽ là thử thách của tôi trong thời gian tới.
Anh mê CS:GO, cái game từng được mệnh danh là "ông già từ chối thay đổi" trong suốt 11 năm nó "trị vì" và sở hữu một lượng người chơi lâu năm và cực kỳ trung thành giữa một nơi vốn dĩ có tốc độ đào thải rất nhanh như thế giới game. Anh có thấy lựa chọn có vẻ "một màu" trong suốt 12 năm qua của anh cũng ít nhiều giống cái "ông già" CS:GO đó?
- Khán giả của tôi (hay đúng hơn là của nhạc indie) rất là buồn cười, họ đi với mình từ ngày mình còn lang thang ở đâu ấy, không có công ty, không có ai hậu thuẫn, họ cứ đi theo mãi cho đến tận bây giờ. Thế hệ indie đo khán giả bằng những ai mua vé đi xem liveshow chứ không đo bằng lượt view. Khán giả indie không bao giờ họ quay lưng với mình cả.
"Tôi vẫn thủ thỉ nhưng khán giả của tôi giờ… gào thét hơn"
Lạ là một thứ âm nhạc thủ thỉ như Vũ lại có thể ra được sân vận động, hay như sân khấu của Monsoon?
- Bằng cách nào đó, âm nhạc của tôi từ 2012 đã len lỏi được vào trong khán giả của mình. Nên sau đó, việc tôi đứng hát những bài hát đó ở đó thì nó cũng vẫn là vẹn nguyên cảm giác đó.
Vì thế mà những bản ballad nhẹ nhàng, thậm chí hơi sến súa như Lạ lùng cũng vẫn vang lên như thường tại các festival, nơi người ta bắn cả pháo hoa, pháo giấy… Và tôi đã làm điều đó 5 năm nay.
Phép thử đầu tiên của nó diễn ra lúc nào?
- Là tại show của Đen Vâu, hồi 2019 tại TP.HCM. Một mình một cây đàn, dưới một ánh đèn spotlight, trước 6.000 khán giả, mọi thứ chung quanh đen thui, liệu mình có thể làm gì để tất cả đều được vui vẻ? Mình chỉ cần ôm đàn hát thôi, cho dù đó là thủ thỉ. Không cần nghĩ gì khác. Phải nói là tôi rất mê cảm giác đó.
Nhưng giờ thì là đến đoạn bắt đầu lười bước ra sân khấu. Vì tôi vốn dĩ bị hen và xoang rất nặng, thường xuyên phải di chuyển nhiều mà đi đâu cũng phải kè kè cái máy xông mũi to uỵch. Để chuẩn bị cho một set diễn dài, thường tôi phải xông mũi, chạy bộ… rất là lích kích. Khán giả của tôi trước nhẹ nhàng, giờ họ gào thét hơn, nên đi diễn giờ phải lo nhiều thứ hơn, hát phải chuẩn hơn, nhảy cũng phải đẹp hơn. Mà tôi thì mắc cái bệnh lười là đi diễn không bao giờ make up.
Vậy anh sẽ "đánh vật" thế nào với live concert dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tới tại Hà Nội và TPHCM?
- Bảo tàng của nuối tiếc sau khi rút hết vốn liếng của người viết đã giúp tôi có được sự tự tin đáng kể này: nếu như ở show Một vạn năm 2 năm trước, tôi chỉ dám giới thiệu chừng 3 - 4 bài trong album mới thì lần này tôi có thể tự tin trình làng full album trên sân khấu concert của mình.
7 năm trong quân ngũ đã để lại ở anh vốn liếng gì đáng kể?
- Tính kiên nhẫn. Phải kiên nhẫn vượt qua đủ mọi chông gai thì… mới được về nhà gặp bố mẹ, thường 2 tháng 1 lần.
Xuất thân là một giảng viên tiếng Anh, vì sao anh lại không bao giờ "pha tiếng" vào trong các sáng tác của mình, khi nó vốn đang là trend?
- Đơn giản nó là niềm tự hào thôi, về tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi luôn muốn đưa tiếng Việt đi xa hơn, ít nhất là Hồng Kông, nơi tôi có khá nhiều cơ hội tiếp cận.
"Vũ" trong tiếng Hán có rất nhiều nghĩa, anh muốn tên mình thuộc về nghĩa nào?
- Một cơn mưa.
Giá trị của một cơn mưa?
- Gột rửa!
"Điều Tuấn rất thích ở thế hệ này đó là sự tự do trong âm nhạc và chắc là bản thân Tuấn muốn đến chơi trong thế giới âm nhạc của tuổi trẻ, của sự tự do, và Vũ là một gương mặt đại diện cho một thế hệ như thế.
Và khi Vũ gửi lời mời cộng tác thì Tuấn đã suy nghĩ và ngay lập tức trong đầu mình là: OK, hãy đi chơi, đây là một cuộc dạo chơi trong thế hệ âm nhạc của những người trẻ hơn mình".
(Ca sĩ Hà Anh Tuấn)
Trước khi chính thức phát hành full album phòng thu thứ 3 mang tên Bảo tàng của nuối tiếc, Vũ đã phát hành 3 đĩa đơn mở đường bao gồm: Những lời hứa bỏ quên hợp tác cùng ban nhạc xứ Cảng Thơm Dear Jane, Dành hết xuân thì để chờ nhau, kết hợp cùng Hà Anh Tuấn và gần đây nhất là Bình yên bắt tay cùng rapper Binz.
Trong đó, ca khúc Bình yên nhanh chóng leo lên vị trí No.3 trên bảng xếp hạng Spotify Daily Top Songs, đứng No.2 trong Top 100 Apple Music. Ngoài ra, màn hợp tác này còn đạt hạng 4 và bám trụ trên YouTube Trending for Music suốt 2 tuần liên tiếp.
Album sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại ocncert tour cùng tên ở TP.HCM và Hà Nội, lần lượt vào ngày 12.10 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn SECC và 26.10 tại Công viên Yên Sở.
Bình luận (0)