Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12 trao đổi với PV Báo Thanh Niên sáng 4.9, ngay sau khi bài điều tra về việc bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) được đăng tải. Hiện các cơ quan chức năng của Q.12 đang phối hợp Sở LĐ-TB-XH kiểm tra.
Ông Đức cho biết, cách đây hơn 2 tháng, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.12 và các phòng ban đã giám sát Mái ấm Hoa Hồng một lần. Vào thời điểm trên, cơ sở này đáp ứng về điều kiện hoạt động, hồ sơ pháp lý, số lượng trẻ cũng ít hơn. "Mình đâu có nghĩ vấn đề trong mái ấm lại xảy ra như thế", ông Đức chia sẻ.
Sức khỏe trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng bây giờ ra sao?
Ngay trong sáng 4.9, quận đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện Mái ấm Hoa Hồng. Chủ tịch UBND Q.12 cũng chỉ đạo Trưởng công an Q.12 phối hợp điều tra, xác minh, nếu đủ cơ sở cấu thành tội phạm thì khởi tố, như trường hợp điển hình.
Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) được Phòng LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động, nuôi giữ 39 trẻ. Chủ cơ sở là bà Giáp Thị Sông Hương.
Sau nhiều ngày thâm nhập, PV ghi nhận tình trạng các bảo mẫu tên Tuyền, Cẩm, Huyền, Ba thường xuyên đánh đập trẻ, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ 1 – 2 tuổi. Sáng nay, công an đã mời bảo mẫu Cẩm và chủ mái ấm là bà Giáp Thị Sông Hương về trụ sở công an phường làm việc.
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vụ việc, ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho hay đã có văn bản yêu cầu UBND Q.12, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 và Công an Q.12 xem xét và xử lý đối với các hành vi có dấu hiệu bạo hành và ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.
Văn bản nhận định nội dung và hình ảnh từ bài viết của Báo Thanh Niên bước đầu cho thấy sự việc bạo hành, ngược đãi trẻ em đã xảy ra nhiều lần và trong thời gian dài. Sự việc do chính nhân viên tại Mái ấm Hoa Hồng thực hiện.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM khẳng định việc bảo vệ trẻ em, nhất là các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được thành phố quan tâm và có nhiều chính sách nhằm góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em được sống, được phát triển trong một môi trường thật sự an toàn và lành mạnh.
Vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (Q.12) theo phản ánh từ Báo Thanh Niên (nơi có số lượng trẻ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại cơ sở khá lớn, trong đó có nhiều trẻ em ở lứa tuổi sơ sinh), là hết sức nghiêm trọng khi xét về hành vi, mức độ bạo hành. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng đề nghị cơ quan chức năng kịp thời có các biện pháp xử lý để đảm bảo sự an toàn đối với các trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại mái ấm này. Đồng thời, xem xét các biện pháp xử lý phù hợp đối với người có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em theo phản ảnh của Báo Thanh Niên nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tự.
Mái ấm Hoa Hồng được cấp phép hoạt động từ tháng 7.2023
Cơ sở trợ giúp xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập vào ngày 20.6.2023, do bà Giáp Thị Sông Hương là người đại diện pháp luật, vốn điều lệ 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, cơ sở này cũng có giấy phép hoạt động theo Nghị định 103 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Giấy phép này được cấp ngày 7.7.2023, hoạt động loại hình cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí và có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, sống lang thang.
Cơ sở có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng.
Đồng thời, tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm.
Bình luận (0)