Kẽ hở trong đấu giá đất ở Hà Nội
Theo một lãnh đạo H.Sóc Sơn, phiên đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, H.Sóc Sơn) diễn ra ngày 29.11 có 6 khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó anh Phạm Ngọc T. (33 tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội) trả giá 30 tỉ đồng/m2 cho 3 thửa đất rồi bỏ cuộc khi vừa hết 5 vòng đấu giá bắt buộc.
Hậu quả, phiên đấu giá chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất là hơn 32 triệu đồng/m2; cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2. 36 thửa bị 6 khách hàng trả giá cao bất thường rồi bỏ cuộc sẽ phải đấu giá lại.
Vị lãnh đạo này nhận định, các khách hàng đã "lợi dụng kẽ hở để phá buổi đấu giá". Cụ thể, khách hàng chỉ được công nhận trúng đấu giá đối với một thửa đất khi trải qua 5 vòng đấu giá bắt buộc. Nếu khách hàng là người duy nhất trả giá cao ở vòng đấu thứ 5 thì cũng không được công nhận mà bắt buộc phải tiếp tục tham dự ở vòng đấu thứ 6.
Vụ trả giá 30 tỉ đồngmét vuông đất: Bắt khẩn cấp 5 nghi phạm
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu quy định để bịt kẽ hở này. Có thể sẽ quy định khách hàng chỉ được trả mức giá tối đa tại mỗi vòng đấu gấp 2 lần bước giá bình thường", vị lãnh đạo cho biết thêm.
Còn tại H.Thanh Oai, phiên đấu giá 22 thửa đất tại xã Đỗ Động cũng thất bại sau 8 vòng đấu. Theo quy định, cuộc đấu giá phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng/m2. Ở vòng thứ 8, giá cao nhất được nhà đầu tư trả 70,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ 9, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến phiên đấu không thành công.
Liên quan đến công tác tổ chức đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội, Sở TN-MT cũng thừa nhận hiện chưa kiểm soát triệt để được tình trạng trả giá cao hơn thị trường rồi bỏ cọc để gây nhiễu loạn thị trường.
"Bịt" kẽ hở bằng cách nào?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết theo quy định thì không thể cấm khách hàng trả giá cao rồi bỏ cuộc. Công tác đấu giá đất thời gian qua vẫn còn kẽ hở, tình trạng này xảy ra không chỉ ở Hà Nội.
Nêu giải pháp để "bịt" kẽ hở, ông Đính cho rằng, các địa phương cần thuê cơ quan chuyên môn xác định giá kỹ lưỡng. Khi đó, ai có nhu cầu thật sẽ tham gia đấu giá. "Hiện, mức tiền cọc chỉ là 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm thấp hơn khoảng 10 lần giá thị trường. Tiền cọc quá thấp nên khách hàng không ngần ngại bỏ cọc", ông Đính phân tích.
Tiếp đó, đơn vị tổ chức đấu giá cần đưa ra tiêu chuẩn để sàng lọc khách hàng có nhu cầu sử dụng với người đầu cơ, đưa ra quy định chứng minh năng lực tài chính…
Sau khi đấu giá thành công, cần có quy định về việc khách hàng cam kết đưa đất vào khai thác, sử dụng và không được chuyển nhượng trong một khoảng thời gian nhất định. "Nếu không xây dựng công trình thì sẽ chịu tác động của thuế bất động sản. Khi nhà nước có quy định chặt chẽ thì chắc chắn người tham gia đấu giá đất sẽ không dám làm bậy, không muốn làm bậy và không thể làm bậy", ông Đính bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, nguyên nhân khiến rất nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao bất chấp rồi chấp nhận mất tiền cọc là bởi giá khởi điểm để đấu giá theo bảng giá đất do địa phương đưa ra đang quá thấp.
Để chấn chỉnh tình trạng này, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của luật Đất đai 2024 và chỉ đạo của Bộ TN-MT, sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt cọc tăng theo thì các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua.
Bình luận (0)