TNO

Vụ 'trai nghèo đừng yêu gái Hà Nội' làm xôn xao dân mạng

31/07/2014 00:00 GMT+7

(iHay) ‘Hãy biết mình là ai và đang ở đâu’ là thông điệp mà một cô gái Hà Nội gửi gắm đến những chàng trai nghèo.

Bầu chọn
Quan điểm của bạn về thông điệp của cô gái?

(iHay) 'Trai nghèo đừng yêu gái Hà Nội, hãy biết mình là ai và đang ở đâu' hay 'đừng đũa mốc chòi mâm son' là thông điệp mà cô gái Hà Nội, 21 tuổi, muốn nhắn gửi đến những chàng trai xuất thân từ gia đình nông thôn muốn ôm mộng yêu và cưới con gái Hà Nội.

>> Dân mạng tranh cãi vụ sách đồng dao ‘gây sốc’
>> Bà Tưng': Tôi không ngu đi yêu trai nghèo!
>> Đàn ông nghèo thích chọn vợ ngực 'khủng
>> Sự khác nhau giữa đàn ông giàu và đàn ông nghèo


Ảnh chụp màn hình

Chỉ có thể làm bạn 

Mấy ngày qua, trên Facebook và nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ, cư dân mạng xôn xao về một blog có tên Xin lỗi, trai nghèo đừng yêu gái Hà Nội. Chủ nhân của blog này tự giới thiệu cô năm nay 21 tuổi, người gốc Hà Nội, gia đình có điều kiện, sinh viên Đại học danh tiếng ở Hà Nội, xinh đẹp, cởi mở chứ không kiêu hay chảnh gì.

Cô gái đang phân vân đi tìm người đàn ông tốt để yêu. Tuy nhiên, cô thẳng thắn bày tỏ người đàn ông đó phải “môn đăng hộ đối”. Trái tim cô “cách ly” tuyệt đối với những chàng trai nghèo, xuất thân từ nông thôn trong những gia đình thiếu thốn.

“Em nghĩ với vẻ ngoài xinh xắn như hotgirl (các bạn em hay gọi em là hotgirl của trường), cộng học thức, lại thêm xuất thân gia đình tốt, em có quyền lựa chọn một người đàn ông môn đăng hộ đối. Em chơi với nhiều bạn ngoại tỉnh. Nhưng để chọn người yêu thì em ngầm có cho mình một số tiêu chuẩn nhất định. Còn trai nghèo, nhất là mấy chàng xuất thân nông thôn, dù họ nhiệt tình và đối đãi tốt đến mấy, em cũng xác định chỉ có thể làm bạn”, cô gái viết.


Ảnh minh họa: Shutterstock
 

Có bốn lý do chính khiến cho cô gái không bao giờ yêu trai nghèo. Thứ nhất: “Chữ nghèo luôn gắn với chữ hèn. Người giàu còn có quyền vênh chứ kẻ nghèo thì luôn phải cúi đầu. Đã nghèo còn kiêu thì lại càng dại vì không biết lấy gì mà ăn”.

Thứ hai: “Lấy chồng nghèo, làm dâu một gia đình nghèo thì em sợ lắm. Em cũng đã về quê mấy đứa bạn cùng lớp Đại học chơi. Nhà chúng nó ở quê nghèo xác xơ, chả có tí tiện nghi gì. Chưa kể, gà chạy hàng đàn, ị lung tung. Lợn kêu eng éc điếc tai. Ruồi muỗi đông như quân Nguyên… Em chỉ cần tưởng tượng ra cảnh mẹ chồng sai đi khuấy cám lợn, dọn chuồng gà hay đi nhóm bếp củi là đã rùng mình”.

Thứ ba: “Đàn ông nghèo thường gia trưởng. Cẳng có gì trong tay nhưng đòi hỏi người khác thôi rồi. Nghe các bạn nam nói về người vợ tương lai phải biết tiết kiệm, giản dị, nhịn ăn nhịn mặc cho chồng con mà em thấy sợ. Lấy chồng nghèo và phải biến mình thành kiểu phụ nữ quê một cục thì em chịu”.

Thứ tư: “Một số người bảo trai quê thường có nghị lực vươn lên, sau này sẽ giỏi, sẽ giàu. Nhưng thực tế xã hội bây giờ, cái gì cũng cần đến quan hệ. Những người xuất thân nghèo khó, bố mẹ lao động chân tay lấy đâu ra quan hệ mà đòi tiến thân”.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm “đau thương” của những cô bạn thân đã từng “dại dột đâm đầu vào trai nghèo”, cô gái Hà Nội đã chia những chàng trai nghèo ra thành ba nhóm.

Một là những chàng “ngu”: “Chẳng biết người ta giàu, cứ nghĩ người ta cũng chỉ bình thường như mình”, nên mới dám yêu gái Hà Nội.

Hai là những chàng “trơ tráo”: “Họ không có lòng tự trọng, tự tin quá lố, chẳng biết mình là ai. Họ hám gái xinh nên tán tỉnh? Thế nên dù nghèo nhưng mấy anh đó vẫn quyết tâm lao vào gái phố”.

Ba là những chàng “đểu giả”: “Loại phổ biến và nhiều nhất hiện nay, đó là họ muốn lợi dụng, dựa hơi vợ và nhà vợ. Trai tỉnh lẻ, lại còn nghèo nữa muốn trụ lại ở Hà Nội sao đủ sức”.

 
Ảnh minh họa: Shutterstock 

Và cô gái kết luận: “Em thấy trai nghèo không được một cái nết gì, chẳng nên yêu cho phí thời gian. Đã thế, họ lại còn xấu xấu, bẩn bẩn và không biết thân biết phận. Thế mà số em đen, phải bị đến hơn chục người như thế theo đuổi. Em thấy cách tán gái của họ cũng cực quê và rẻ bèo”.

Cô cũng băn khoăn tìm lời khuyên của những chị đi trước, bày cách khéo léo để cô “cắt đuôi” những anh chàng trai nghèo đang theo đuổi mình.

Sông có khúc, người có lúc!

Hiện tại, vẫn chưa rõ danh tính của cô gái Hà Nội viết blog Xin lỗi, trai nghèo đừng yêu gái Hà Nội. Nhiều người tin rằng blog đúng là lời tự sự của một cô gái Hà Nội. Nhưng cũng có người nghi ngờ đây chỉ là một blog chủ yếu viết gay gắt để câu view, gây tranh cãi.

Dù người tin, người ngờ thì những quan điểm của cô gái trong blog cũng đang gây ra nhiều cuộc tranh luận trái chiều, sôi nổi về đề tài “gái nhà giàu chê trai nhà nghèo” trong cộng đồng mạng.


Ảnh minh họa: Shutterstock  

Nhiều người cảm thấy “nóng mặt” với những lời lẽ tự kiêu và coi thường người khác của cô gái. Nickname Thanh T viết: “Xin lỗi, những cô gái não không nếp nhăn thì mới viết ra những lời này. Bạn giàu được bao nhiêu mà vênh mặt hất hàm. Đúng đấy, người ta nghèo, người ta đen đúa quê mùa nhưng biết sống sao cho hợp lẽ phải. Người ta yêu thương bằng trái tim, còn bạn thì bằng tiền. Giàu làm gì khi nhân cách còn không có”.

Trong khi đó, cũng có người ủng hộ quan điểm của cô gái, thậm chí khâm phục cô đã dám nói thẳng. Nickname Hoang bày tỏ: “Cô này dám nói ra những điều thẳng thắn. Em viết hơi cay nghiệt thật nhưng ngẫm đi ngẫm ngẫm lại thấy quá chuẩn. Nghèo là hèn. Nghèo là có tội. Nếu có chí, có tài thì hiếm khi nghèo lắm. Con gái muốn lấy một tấm chồng có đủ điều kiện bao bọc cho họ thì có gì sai mà phải lên án?”.

Dung hòa giữa hai luồng quan điểm khen - chê, nhiều cư dân mạng cho rằng cô gái nói không sai nhưng suy nghĩ không sâu sắc. Và nếu đúng suy nghĩ, cách sống của cô như vậy thì dù có là con gái Hà Nội thông minh, xinh đẹp, nhà giàu… cô cũng khó tìm được người đàn ông tốt, yêu thương cô hết lòng.

Nickname Kenny P viết: “Mình không phản đối , thậm chí ủng hộ em này. Chỉ có một điều mình thắc mắc, chẳng ai biết trước được điều gì. Lỡ có một lúc nào đó, chồng em sa cơ lỡ vận, chồng em chẳng còn sang, chẳng còn khả năng đưa em đi đây đó, đi nhà hàng sang trọng, hay mua cho em những món đồ có giá trị... Em sẽ cư xử với chồng như thế nào nhỉ? Và đến khi đó, những chàng trai em đang chê nghèo, hèn, nông thôn lại trở thành tỉ phú thì em thấy sao? Sông có khúc, người có lúc em à”.

Linh San

>> Tranh cãi về bóng đen bí ẩn trong clip sập cầu treo ở Lai Châu
>> Tranh cãi về màn ‘xoay tròn 4 giờ liên tục’ của thiếu nữ 15 tuổi
>> Tranh cãi không dứt về lễ hội 'chém lợn phanh thây' ở Bắc Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.