Vụ trẻ mầm non tử vong: Vì sao Hà Nội cấp phù hiệu xe ở Thái Bình?

07/06/2024 10:24 GMT+7

Liên quan vụ trẻ mầm non 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe, đại diện Sở GTVT Hà Nội đã lý giải về việc cấp phù hiệu cho chiếc xe đưa đón dù thời điểm xảy ra vụ việc, phương tiện này mang biển số tỉnh Thái Bình và hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), cho biết ngay sau khi có thông tin trẻ mầm non 5 tuổi tử vong (học tại Trường mầm non Hồng Nhung 2, tỉnh Thái Bình) do bị bỏ quên trên xe đưa đón và phương tiện này thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà, do Sở GTVT Hà Nội quản lý cấp phù hiệu, sở đã tiến hành kiểm tra trên hệ thống về nội dung này.

Vụ trẻ mầm non tử vong: Vì sao Hà Nội cấp phù hiệu xe ở Thái Bình?- Ảnh 1.

Xe ô tô mang biển kiểm soát 17F-000.91 được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu vào cuối năm 2020

CTV

Theo đó, xe ô tô mang biển kiểm soát 17F-000.91 được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu vào cuối năm 2020. Thời điểm đó, Nghị định 10/2020/NĐCP ngày 17.1.2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có hiệu lực và quy trình cấp phù hiệu được thực hiện theo nghị định này.

Trả lời câu hỏi về việc Sở GTVT Hà Nội có được cấp phù hiệu cho xe ô tô mang biển kiểm soát của tỉnh Thái Bình không, ông Tuyển cho biết, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐCP thì bất cứ đơn vị kinh doanh nào có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (được Sở GTVT Hà Nội cấp) nộp hồ sơ đúng quy định, đồng thời phương tiện đảm bảo đúng điều kiện theo quy định tại điều 12, điều 13 Nghị định 10/2020/NĐCP đều được sở cấp phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải, không phân biệt phương tiện mang biển kiểm soát của tỉnh nào.

Khởi tố vụ án trẻ mầm non tử vong khi bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình

Cạnh đó, xe ô tô này là của một xã viên thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà (đóng trên địa bàn TP.Hà Nội) nên họ được cấp giấy phép kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Tuyển, pháp luật hiện hành quy định xe ô tô muốn cấp phù hiệu ở tỉnh, thành nào thì phương tiện phải có trên 70% thời gian hoạt động ở địa phương đó.

"Như vậy, nếu phương tiện này (xe đưa đón mang biển kiểm soát 17F-000.91 - PV) mà anh hoạt động trên 70% thời gian trên địa bàn Thái Bình thì phải đăng ký cấp phù hiệu ở Thái Bình, với đơn vị có trụ sở ở Thái Bình. Sở GTVT đang tiến hành hậu kiểm đối với Hợp tác xã vận tải Hồng Hà, yêu cầu đơn vị này báo cáo và tiến hành rà soát thiết bị giám sát hành trình với phương tiện để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân liên quan", ông Tuyển cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuyển, từ đầu năm 2024 đến nay, số xe ngoại tỉnh đăng ký cấp phù hiệu trên cổng dịch vụ công của Bộ GTVT và được Sở GTVT Hà Nội cấp phép là hơn 1.000 phương tiện, trong đó trên 70% là xe dưới 9 chỗ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 29.5, người nhà phát hiện cháu T.G.H (5 tuổi, học sinh lớp 4 tuổi Trường mầm non Hồng Nhung 2) bị bỏ quên nhiều giờ trên xe đưa đón của nhà trường, dẫn đến tử vong.

Vào cuộc điều tra, Công an TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, khởi tố 4 bị can, trong đó bà Phương Quỳnh Anh (38 tuổi, trú tại xã Vũ Phúc, TP.Thái Bình), là nhân viên đưa đón trẻ mầm non; ông Nguyễn Văn Lâm (59 tuổi, trú tại TP.Thái Bình), là lái xe đưa đón, cùng bị khởi tố, điều tra về tội vô ý làm chết người.

Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi) và Đoàn Thị Nhâm (26 tuổi, cùng trú tại TP.Thái Bình; cùng là giáo viên phụ trách lớp cháu H.), bị khởi tố, điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trong vụ việc trẻ mầm non 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón mang biển kiểm soát 17F-000.91 tại Trường mầm non Hồng Nhung 2 thì chiếc xe này thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà và do Sở GTVT Hà Nội quản lý, cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.