Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về công tác tư pháp và thi hành án dân sự chiều 11.12.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Trong năm 2024, tổng số việc các cơ quan thi hành án trên địa bàn TP.HCM phải thi hành hơn 113.000 việc, đã thi hành xong hơn 58.000 việc. Tổng giá trị tiền và giá trị tài sản phải thi hành hơn 56.000 tỉ đồng, đến nay đã thi hành xong 34.000 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu giao.
Năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM đều đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp và Quốc hội giao, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thi hành án toàn quốc. Theo thống kê, tổng số việc cần thi hành án của TP.HCM chiếm 1/10 cả nước, còn về tiền thì chiếm 3/10.
Về thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, ông Khôi cho hay đây là vụ lớn nhất trong lịch sử thi hành án. Đối với, giai đoạn 1 đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bản án có hiệu lực. Giai đoạn 2 vừa xét xử sơ thẩm xong.
Giai đoạn 1, tòa tuyên bà Trương Mỹ Lan bồi hoàn hơn 673.000 tỉ đồng cho Ngân hàng SCB, giao ngân hàng này quản lý hơn 1.000 mã tài sản để xử lý. Nghĩa vụ cơ quan thi hành án TP.HCM phải thi hành, tổng số tiền phải thi hành là 22.742 tỉ đồng, tài sản phải xử lý là 1.084 bất động sản và hơn 1 tỉ cổ phần và các tài khoản.
Giai đoạn 2 phải hành 31.139 tỉ đồng và bồi thường cho hơn 43.000 người được thi hành án.
Như vậy, tổng số tiền và tài sản cơ quan thi hành án TP.HCM phải tổ chức thi hành hơn 50.000 tỉ đồng, bằng 1/3 khối lượng cơ quan thi hành án cả nước trong năm 2024. "Đây là khối lượng khổng lồ đối với các cơ quan thi hành án", Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định.
Thành lập ban chỉ đạo liên ngành thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát
Về giải pháp, Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan rà soát tiếp nhận các vật chứng, tài sản để thi hành án kịp thời, đồng thời nghiên cứu xác định các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật.
Bộ Tư pháp đã có thống nhất các cơ quan liên ngành trung ương, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuẩn bị điều kiện tổ chức và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp báo cáo, xin chủ trương và được Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng đồng ý thành lập ban chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, khối lượng bất động sản phải xử lý đặc biệt lớn, nằm ở các quận huyện, như Q.1 có 144 tài sản, Q.3 có 291 tài sản, H.Nhà Bè là 518 tài sản. Chủng loại bất động sản gồm nhiều chung cư, tòa nhà văn phòng, đất nông nghiệp, nhà ở riêng lẻ. Pháp lý tài sản phức tạp, nhiều tài sản không đứng tên bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp dự báo một số vướng mắc, cần sự phối hợp các cơ quan để tháo gỡ về pháp lý tài sản, thực trạng tài sản, tranh chấp của các đồng sở hữu, đảm bảo an ninh trật tự...
Coi án hành chính như món nợ với người dân
Về án hành chính, năm 2024, các cơ quan thi hành án TP.HCM đã thi hành xong 88/263 bản án, còn 175 bản án chưa thi hành xong chủ yếu cấp quận huyện, có những bản án từ năm 2017 đến nay chưa thi hành xong.
Ông Khôi đề xuất Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện phối hợp cơ quan thi hành án xác minh, làm rõ và giải quyết vướng mắc pháp lý về tài sản thi hành án.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị đưa các vụ việc hành chính kéo dài vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực TP.HCM. "Phải theo sát cái này bởi vì nó như là món nợ với người dân", ông Khôi nhìn nhận, đồng thời đề nghị chấn chỉnh các cơ quan hành chính chậm hoặc chưa thi hành án hành chính.
Bình luận (0)