Vụ VĐV bị ép nhường huy chương: Luật TDTT bị vi phạm nghiêm trọng, đừng ‘đánh trống bỏ dùi’

28/08/2024 13:07 GMT+7

Cố ý khai báo với trọng tài về việc VĐV chấn thương (dù trên thực tế VĐV không bị chấn thương) để có thể có ý đồ riêng, là cái sai rành rành của người làm công tác chuyên môn tại giải karate trẻ TP.HCM. Điều đáng nói là người ta chỉ đạo làm sai và chấp nhận việc làm sai như thể chuyện thường ngày.

Những cái án không hề oan 

Ở đây, người chỉ đạo VĐV nhí T.M (hạng 40-45 kg nữ, lứa tuổi 10-11) là HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm của đội karate Tân Bình. Vị HLV này ký luôn vào biên bản báo VĐV T.M chấn thương không thể thi đấu trận chung kết. Còn người dễ dàng chấp nhận việc người khác làm sai là tổ trọng tài (gồm 5 người) điều khiển trận tranh HCV giữa VĐV T.M với 1 VĐV đội Bình Thạnh. Trong đó, vai trò của trọng tài chính Trình Dương Khánh Thành rõ rệt nhất. 


Vụ VĐV bị ép nhường huy chương: Luật TDTT bị vi phạm nghiêm trọng, đừng ‘đánh trống bỏ dùi’- Ảnh 1.

Trận đấu để lại dư âm không hay vì sai phạm của người lớn

Trọng tài chính Khánh Thành cùng các thành viên trong tổ trọng tài không cần xác minh từ phía tổ y tế, cũng không cần đòi hỏi giấy xác nhận của bệnh viện về tình trạng sức khỏe của VĐV T.M, họ dễ dàng chấp nhận đơn báo chấn thương từ phía HLV Mộng Tâm.

Việc làm này được Phó giám đốc (PGĐ) Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân bình luận: “Các trọng tài không những làm sai quy trình, mà còn không hề đặt câu hỏi về việc trước đó VĐV bị báo chấn thương, không thể thi đấu, rồi ngay lập tức khi đội Tân Bình đổi ý nói rằng VĐV không hề chấn thương, có thể vào thi đấu trở lại, trọng tài cũng bình thản như không”.

Và cũng may là có biên bản mà HLV Mộng Tâm đã ký trước đó, về việc báo chấn thương của VĐV T.M thuộc đội Tân Bình. Bằng không ngược lại, có khi người vi phạm lại tiếp tục điệp khúc “bằng chứng đâu?!”. 

Vụ VĐV trẻ bị ép nhường huy chương: Làm rõ động cơ sai phạm của HLV

Luật TDTT bị vi phạm nghiêm trọng

Chính từ biên bản này, Sở VH-TT TP.HCM có căn cứ quan trọng để kiến nghị xử lý mạnh tay đối với HLV Mộng Tâm, cấm HLV này tham gia các hoạt động do Sở VH-TT TP.HCM tổ chức. 

Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM Lý Đại Nghĩa có đủ căn cứ để báo cáo với cấp trên: “Việc báo chấn thương không đúng với thực tế là làm trái với điều lệ giải, trái với Nghị định 46/2019, cần được xử lý đúng quy định”. 

HLV Mộng Tâm trước tiên đã làm trái luật TDTT. Điều 10 luật này ghi rõ, những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT, trong đó nghiêm cấm gian lận, nghiêm việc lợi dụng hoạt động TDTT gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Chưa hết, hành động của HLV còn có dấu hiệu vi phạm khoản 6 điều 10 luật TDTT: lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả các trận đấu. 

Chính vì thế, hoan nghênh nỗ lực và sự quyết liệt của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, sự nỗ lực và quyết liệt của PGĐ Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân, rằng ngoài việc kiến nghị xử lý vi phạm của HLV Mộng Tâm thuộc đội Tân Bình, tổ trọng tài, Sở VH-TT còn kiến nghị Trung tâm VH-TT Q.Tân Bình (nơi HLV Mộng Tâm đang công tác) làm rõ nguyên nhân và động cơ dẫn đến việc HLV Mộng Tâm làm sai điều lệ giải, sai luật. 

Có hay không nạn giao dịch thành tích?

Trao đổi với Báo Thanh Niên, bình luận viên Huỳnh Sang chia sẻ: “Có hay không nạn giao dịch thành tích, nạn xin – cho huy chương? Đầu tiên, người ta làm việc này vì hư danh, nhưng sau khi có hư danh lại được khen thưởng. Từ khen thưởng lại được xác lập công lao, tạo thành vòng lẩn quẩn của bệnh thành tích. 

Sự việc này, cho đến thời điểm hiện tại, cách tiếp cận của Sở VH-TT TP.HCM cùng PGĐ Nguyễn Nam Nhân khá hợp lý. Theo tôi, chuyện thắng - thua không còn quan trọng nữa. Tiếp theo, phải xác định động cơ vì sao HLV đòi VĐV phải bỏ cuộc, và có hay không nạn xin - cho huy chương giữa đoàn Tân Bình và đoàn Bình Thạnh. 

Riêng chuyện HLV giải thích sợ VĐV chấn thương nên thông báo bỏ cuộc là đối phó. Sợ chấn thương thì cho VĐV nghỉ ngay từ đầu, chứ đấu làm gì để lọt vào chung kết? Đi đến sát vạch đích lại… bỏ cuộc. Giải thích kiểu này khó thuyết phục được trẻ con. 

Nhiều người nói đây là chuyện thường, chẳng đáng quan tâm so với nhiều thứ khác còn nghiêm trọng hơn. Nhưng cứ nghĩ việc bình thường rồi bỏ qua thì sự việc sẽ trở thành như thế nào? 

Việc này, Sở VH-TT TP.HCM quyết tâm làm “một vụ để cảnh tỉnh cả vùng” được không, hay chỉ làm đến đây rồi thôi?!”, bình luận viên Huỳnh Sang phát biểu mạnh mẽ.

Trông chờ vào sự nghiêm minh của Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Chúng ta tiếp tục chờ quyết định tiếp theo từ phía Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận, vì các mức xử lý nêu ở trên chỉ là mức kiến nghị. Mức xử lý chính thức chỉ được lãnh đạo cao nhất của Sở VH-TT TP.HCM thông qua vào ngày 30.8 tới đây. 

Ngành thể thao TP.HCM cần động thái quyết liệt, đừng "đánh trống bỏ dỏ dùi" mà cần mạnh tay để lập lại kỷ cương ở các giải đấu thể thao do ngành quản lý, lấy lại niềm tin nơi VĐV, HLV, phụ huynh của các VĐV, những người theo đuổi thể thao chân chính. Đừng để các giải đấu, nhất là các giải đấu trẻ, trở thành chỗ để một nhóm người nào đó chạy theo hư danh, cản trở sự phát triển của thể thao TP.HCM, cản trở sự nghiệp của các VĐV trẻ, thậm chí có thể trở thành nơi để người ta phân chia thành tích, phân chia công trạng. 

Nhìn rộng ra nữa, phải làm sao để sự việc vừa xảy ra ở giải karate năng khiếu - trẻ TP.HCM 2024 trở thành sự việc có thể đánh động đến phong trào thể thao của một số địa phương khác, có thể đã và đang có hiện tượng tương tự!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.