Vụ VN Pharma: Bộ nói thuốc kém chất lượng để né trách nhiệm?

27/10/2017 06:13 GMT+7

Thông tin Bộ Y tế gửi văn bản khẳng định 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về chỉ 'kém chất lượng' chứ không phải hàng giả, một lần lại dấy lên những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Như Thanh Niên ngày 26.10 đã thông tin, trong công văn gửi đến TAND cấp cao tại TP.HCM trả lời 11 câu hỏi liên quan vai trò, trách nhiệm của Cục Quản lý dược (QLD) khi cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita, Bộ Y tế khẳng định thuốc này “kém chất lượng” chứ không phải hàng giả. Cụ thể, Bộ Y tế vẫn khẳng định cấp phép đúng quy định, quy trình và lô hàng này là thuốc kém chất lượng.
Hàng thật từ công ty “ma”
Trong khi đó, tại phiên tòa ngày 24.10, chất vấn đại diện Bộ Y tế và cán bộ chuyên môn Cục QLD, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM tranh luận, cho rằng hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy định tại điều 157 bộ luật Hình sự nên đề nghị HĐXX cần phải khởi tố, điều tra làm rõ về tội phạm này.
Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, khoản 24, điều 2 luật Dược 2005 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: không có dược chất; có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”. Trong khi đó, hành vi của các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể để tạo dựng toàn bộ hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita. Thực chất lô thuốc này từ hồ sơ kỹ thuật đến tên thuốc, công thức thuốc, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm, mẫu thuốc, hộp thuốc, mã số mã vạch, hướng dẫn sử dụng... đều do các bị cáo tạo dựng nên, lấy danh nghĩa của một công ty nước ngoài không có thật nên hành vi các bị cáo đã có dấu hiệu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
“Chỉ có thể coi là thuốc giả”
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội (TP.HCM), cho rằng H-Capita là thuốc giả, bởi cơ quan tố tụng đã chứng minh giả về thuốc khi thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (công ty ma ở Canada); các bị cáo có ý đồ trục lợi, chỉ đạo làm giả hồ sơ kỹ thuật. “Đương nhiên Bộ Y tế không muốn kết luận thuốc giả vì kèm theo đó là trách nhiệm của Bộ Y tế”, bà Lan nói.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, phân tích: “Lô thuốc H-Capita là không rõ nguồn gốc. Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Công thương) cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào; Bộ Ngoại giao cũng có công văn trả lời Bộ Công an cho biết không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc. tại Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục QLD. Do đó, không thể kết luận đây là thuốc kém chất lượng mà chỉ có thể coi là thuốc giả”.
Lý giải việc Bộ Y tế vẫn khẳng định H-Capita là thuốc kém chất lượng, một lãnh đạo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho hay, nếu chứng minh được lô hàng này là thuốc giả thì buộc các cơ quan tố tụng phải xem xét trách nhiệm, cụ thể là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Cục QLD trong việc cấp phép, để các bị cáo đưa lô hàng về. Vì vậy, để thoát “nạn”, tất nhiên Cục QLD không thể nhận đây là thuốc giả; trong trường hợp H-Capita là thuốc kém chất lượng, tức việc cấp phép là đúng quy trình, nhưng khi hàng về VN, sản phẩm khác với thực tế thì trách nhiệm lúc này là của doanh nghiệp nhập khẩu.
Bị "xử lý" thì lên chức cao hơn!
Chiều 26.10, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Quản lý thông tin quảng cáo thuốc, Cục QLD Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với các phóng viên một số sự việc liên quan đến quá trình thẩm định cấp phép thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma.
Ông Trung cho rằng việc thẩm định cấp phép thực hiện theo đúng quy định pháp luật. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khi phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến việc kê khai giá, cơ quan này đã yêu cầu VN Pharma giải trình, việc giải trình không rõ ràng là đầu mối quan trọng để truy tìm các vi phạm khác về giả mạo giấy tờ, chữ ký”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, trong vụ việc trên, Bộ Y tế đã “nghiêm túc nhận khuyết điểm, thiếu sót trong quản lý”. Theo đó, tháng 4.2014 đã luân chuyển cán bộ Cục QLD. Cụ thể, ông Nguyễn Tất Đạt thôi phụ trách Phòng Quản lý kinh doanh dược; ông Phan Công Chiến thôi làm nhóm trưởng nhóm thẩm định pháp chế thuộc tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký; bà Lê Thúy Hương không được phân công tham gia thẩm định hồ sơ tại Cục QLD; thay thế, bổ sung chuyên gia thẩm định nhóm pháp chế và nhóm tiêu chuẩn chất lượng...
Trên thực tế, “sau thời gian luân chuyển vị trí công tác” như ông Trung nói, ông Nguyễn Tất Đạt được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục QLD; còn ông Phan Công Chiến được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kinh doanh dược (!).
Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.