Vụ vợ nguyên viện trưởng Viện KSND huyện hầu tòa: Vay mượn dân sự hay cố ý lừa đảo?

02/04/2014 14:20 GMT+7

(TNO) Sáng 2.4, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (54 tuổi, vợ nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Hớn Quản, nay là cán bộ Viện KSND tỉnh Bình Phước) bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi của các luật sư.

(TNO) Sáng 2.4, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (54 tuổi, vợ nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Hớn Quản, nay là cán bộ Viện KSND tỉnh Bình Phước) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi của các luật sư.

>> Vợ nguyên viện trưởng Viện KSND huyện hầu toà
>> Vợ nguyên Viện trưởng Viện KSND vỡ nợ gần 30 tỉ đồng

Vụ vợ nguyên viện trưởng Viện KSND huyện lừa đảo tiền tỷ: Đề nghị làm vai trò rõ trách nhiệm của ông Sơn
Bị cáo Sạnh vẫn không thừa nhận hành vi lừa đảo

Luật sư đề nghị làm rõ vai trò của người chồng

Bắt đầu phiên tòa, các luật sư nhắc lại số tiền gần 22 tỉ đồng mà bị cáo đã vay mượn và hỏi bị cáo có thừa nhận đúng số tiền như bản kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra không?

Bị cáo Sạnh thừa nhận số tiền này, nhưng một mực không thừa nhận đó là hành vi lừa đảo, cho rằng đó chỉ là giao dịch dân sự và mọi giấy tờ vay mượn chỉ có chữ ký một mình bị cáo Sạnh, ông Trần Hoàng Sơn (chồng bị cáo Sạnh) không hề biết.

Để làm rõ vấn đề này, luật sư Hoàng Kim Vinh, bảo vệ quyền lợi cho các bị hại, đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cách ly bị cáo Sạnh để chất vấn riêng ông Sơn. Khi được hỏi về tổng mức thu nhập hàng năm của gia đình mình, ông Sơn nói: “Tôi không nhớ chính xác, điều này tùy thuộc vào giá mủ cao su lên xuống, với lại việc thu nhập trong nhà là do vợ tôi nắm tài chính. Tôi không hề biết vợ tôi vay tiền của ai và làm gì”.

Luật sư Vinh đọc lại bút lục mà ông Sơn đã khai với cơ quan điều tra trước đó, trong đó nói rõ vào giữa tháng 3.2010, ông Sơn đã biết vợ mình vay tiền nhiều người, đến ngày 24.3, ông Sơn bán ô tô của ông được 450 triệu. Luật sư Vinh chất vấn về số tiền này đã được sử dụng cho việc gì, thì ông Sơn khẳng định số tiền này đã được chuyển thẳng vào tài khoản của bà Sạnh, bà Sạnh lấy tiền trả nợ xăng dầu. Ông Sơn nói thêm là có thể trong lúc khai với cơ quan điều tra, ông đã bị nhầm lẫn về thời gian.

Bị cáo Sạnh, khi được hỏi, lại cho rằng đã bàn bạc với chồng dùng số tiền này (tiền bán xe - NV) để trả nợ cho các bị hại. Luật sư Vinh cho rằng lời khai của hai người hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Về phần ông Sơn, các luật sư của phía bị hại cũng đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm liên quan. Qua những lời khai của ông Sơn có thể khẳng định ông Sơn biết vợ mình vay tiền nhiều người nhưng lại cố tình bao che, phủi trách nhiệm với các bị hại. Luật sư khẳng định cần truy tố ông Sơn tội đồng phạm hoặc tội không tố giác tội phạm.

Vụ vợ nguyên viện trưởng Viện KSND huyện lừa đảo tiền tỷ: Đề nghị làm vai trò rõ trách nhiệm của ông Sơn
Ông Sơn khẳng định không liên quan đến các khoản vay của vợ

Vay mượn dân sự hay cố ý lừa đảo?

Trước câu hỏi "Bị cáo dùng số tiền đã chiếm đoạt để làm gì?", bị cáo Sạnh nói rằng mình trả tiền lãi nhưng không chứng minh được trả cho ai. HĐXX đã nhắc nhở và cho rằng thái độ của bị cáo là không trung thực, trả lời không đúng. Ông Sơn và bà Sạnh đã sống trong cùng một nhà nhưng việc ông Sơn không biết về các khoản vay rất lớn của vợ mình là quá vô lý.

Khi được hỏi "vay những khoản lớn, bị cáo tính toán như thế nào để có thể trả lại?", bị cáo Sạnh trả lời "không tính được phương án trả như thế nào".

"Vay mà không tính toán trả nợ thì không lừa đảo thì là gì?", luật sư truy vấn. Bị cáo Sạnh trả lời: "Bị cáo không nghĩ là bị cáo lừa đảo".

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo vẫn cho rằng đây là giao dịch dân sự, vì khi vay tiền, các bên vẫn tuân thủ hợp đồng dân sự với nhau. Bị cáo không có thủ đoạn gian dối trong lúc vay. Luật sư không đồng ý với kết luận của Viện KSND Bình Phước và đề nghị tuyên bị cáo vô tội.

Luật sư phía bị hại đã bác bỏ lập luận này và khẳng định: “Hành vi lừa đảo của bị cáo đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, gây hậu quả nghiêm trọng. Qua hai ngày xét xử mà bị cáo vẫn khăng khăng không chịu nhận tội. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với bị cáo”.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào chiều nay.

Tham gia trình bày quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước cũng cho rằng bị cáo có đủ trình độ để nhận thức được hành vi của mình là sai trái nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Điều đó đã đủ cơ sở để luận bị cáo Sạnh vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Với quan điểm trên, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo 15 đến 16 năm tù. Về phần dân sự buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại.

Bài, ảnh: Phước Hiệp

>> Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai vợ chồng lãnh án tù
>> Lãnh 15 năm tù do lừa đảo chiếm đoạt tài sản
>> Bắt tạm giam nữ giám đốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản
>> Bắt một phó phòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản
>> Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 86 tỉ đồng, 974.000 USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.