“Vua” cá ngừ đại dương

05/02/2012 03:32 GMT+7

Miền Trung là nơi có sản lượng đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương lớn nhất nước. Nhiều người cho rằng, “cha đẻ” của nghề này là ông Năm Rỵ ở làng biển Phú Yên.

Miền Trung là nơi có sản lượng đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương lớn nhất nước. Nhiều người cho rằng, “cha đẻ” của nghề này là ông Năm Rỵ ở làng biển Phú Yên.

Giữ biển như giữ nhà

Cái tên Năm Rỵ nghe khá lạ. Khi tôi tò mò hỏi chuyện thì ông cười khà: “Rỵ là cái tên dân làng đặt cho đấy. Thấy tôi quanh năm ở biển, như cố ăn thua với biển nên bà con mới đặt cho cái tên này. Chẳng qua giống như người nông dân giữ ruộng, mình là ngư dân thì cũng phải giữ biển để làm ăn chớ!”.

 
Từ khai thác manh mún, đến nay nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành một trong những thế mạnh của ngư dân miền Trung - Ảnh: Đức Huy

Ông tên thật là Trần Kim Hoa, sống ở làng chài phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên. Bao đời nay, gia đình ông Năm Rỵ sống bằng nghề câu cá mập, cái nghề đòi hỏi người làm phải có bản lĩnh và kinh nghiệm nhất định. “Đưa một con cá mập nặng hơn 1 tạ với hàm răng nhọn hoắt lên thuyền, chỉ cần sơ suất là có thể bị mất cánh tay, bàn chân. Do đó, không có bản lĩnh và sự gan dạ thì không tồn tại với nghề được”, ông chia sẻ kinh nghiệm.

Sau năm 1975, Năm Rỵ vẫn tiếp tục với nghề câu cá mập. Nhưng, như ông bảo, ông không chịu được cái cảnh tàu cá nước ngoài lấn sang biển của mình để khai thác. “Chỉ chạy chừng 8 tiếng đồng hồ từ bờ ra là đã gặp tàu của họ rồi. To lắm, họ thả câu, nhưng không biết câu gì. Rõ ràng biển của mình còn xa ngoài đó nữa mà họ vẫn vô tận trong này để khai thác”, ông Năm Rỵ nói.

Chuyến biển nào ông cũng gặp tàu lạ thả câu sâu trong vùng biển Việt Nam. Với ông, biển là nhà nên khi có những vị khách lạ “không mời mà đến” thì ông tìm cách đuổi họ đi. “Phải đuổi họ”, Năm Rỵ quyết tâm. Nhưng đuổi bằng cách nào khi tàu họ to hơn? Nghĩ mãi, cuối cùng ông chọn cách cắt câu. Nhờ 2 thuyền cùng hành nghề câu cá mập với mình cảnh giới, đợi đến đêm, khi tàu nước ngoài đã buông câu xong và neo lại, ông dùng kéo cắt hết lưỡi câu của những con tàu hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam.

Những chuyến biển sau, tàu cá nước ngoài lo sợ nên tuần tra ban đêm. Năm Rỵ lại chuyển sang cắt câu lúc rạng sáng. “Giờ đó người làm nghề câu đều rất mệt mỏi nên phải neo tàu để ngủ. Tôi cắt câu, họ chỉ nước bó tay”, kể đến đây, Năm Rỵ vỗ đùi cười sảng khoái. Cứ thế, sau nhiều lần mất câu, tàu cá nước ngoài phải rút ra xa. 

Khởi đầu nghề mới

Phải có tàu lớn mới đi xa được, vừa khai thác hiệu quả, lại vừa có thể giữ được biển mình

Chính những lưỡi câu lạ này khiến ông tò mò. “Họ dùng lưỡi câu để câu cá gì trong vùng biển của mình?”, ông tự hỏi. Thế là, ông mang một ít rẻo câu đó về để tìm hiểu và thử nghiệm. Ông cột các rẻo câu cắt được vào dàn câu cá mập của mình. Sau một đêm thì phát hiện trên một rẻo câu có dính một con cá ngừ đại dương.

 Tuy nhiên, hồi đó cá ngừ đại dương câu về chỉ bán cho heo ăn, nên không ai mặn mà. Mãi đến năm 1992, khi một nhà máy chế biến hải sản ở Quy Nhơn (Bình Định) mua cá ngừ đại dương về chế biến xuất sang Đài Loan với giá 10.000 đồng/kg, Năm Rỵ mới đặt mua cước, lưỡi (giống như rẻo câu ông cắt ở tàu cá nước ngoài) tận bên Đài Loan, để chuyển dần sang nghề câu cá ngừ đại dương.

 “Những lưỡi câu mua về, tôi chế lại cho phù hợp và hiệu quả với cách đánh bắt của mình”, Năm Rỵ nói. Đến đầu năm 1994, một vài doanh nghiệp liên doanh với Đài Loan, Nhật Bản đến tận phường 6 (TP.Tuy Hòa) đặt mua cá ngừ đại dương. Từ đó nghề này mới chính thức hình thành ở đây.

Ngày ấy, thuyền của ông thuộc loại lớn ở phường 6, nhưng công suất cũng chỉ 30 CV, trang bị trên thuyền rất đơn sơ, không máy bộ đàm, không máy định vị, không la bàn. Điều khó tin là đội tàu của ông ngày ấy ra khơi khai thác chỉ định hướng bằng sóng… của đài phát thanh. Ông kể: “Từ bến tụi tôi chạy thẳng ra hướng đông, vừa chạy vừa mở radio trên sóng của đài Phú Yên. Đến khi nghe đài bắt sóng thật yếu rồi mới buông câu. Cứ vậy đánh dọc ra phía bắc đến khi không nghe được đài Phú Yên; còn khi đài Bình Định sóng yếu tức là đã ra ngoài vùng biển Bình Định thì quay lại đánh đến khi bắt sóng đài Khánh Hòa yếu mới quay về”.

 
Ông Năm Rỵ trên tàu của con trai vừa trở về sau chuyến đánh bắt - Ảnh: Đức Huy

Cứ thế mà đội tàu 3 chiếc của nhóm ông Năm Rỵ chưa bao giờ bị lạc hay cập lộn bến. Từ nghề câu cá mập chuyển sang câu cá ngừ đại dương, ông Năm Rỵ nhận định, đây là nghề sống được nhất trong các nghề làm biển hiện nay ở Phú Yên. Sau đó, ông dành hết vốn liếng dành dụm đầu tư để sắm tàu thuyền lớn hơn, có công suất 270 CV. Ông tiếp tục dành dụm để đầu năm 2011, lại hạ thủy chiếc tàu PY-92639 TS có công suất 293 CV trị giá 1,1 tỉ đồng. “Phải có tàu lớn mới đi xa được, vừa khai thác hiệu quả, lại vừa có thể giữ được biển mình”, ông thường nói với các con về điều này.

Sau khi ông thành công trong việc đánh bắt cá ngừ đại dương, nhiều ngư dân ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa tìm đến ông để được truyền kinh nghiệm. “Khi cá ngừ đại dương tiêu thụ mạnh, nhiều ngư dân chuyển đổi sang nghề câu loại cá này. Họ tìm đến tôi hỏi kinh nghiệm và tôi nói hết những gì mà mình trải qua, miễn là người dân mình làm ăn được”, ông Năm Rỵ cười vui.

Sau giai đoạn mò mẫm ban đầu với vai trò tiên phong của Năm Rỵ, giờ đây, Phú Yên là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác loại cá này. Hiện trung bình mỗi năm tỉnh đánh bắt được từ 5.000 đến 5.500 tấn cá ngừ đại dương.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.