Đó là biệt danh nhiều người đặt cho Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Khả năng sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị nâng hạ tại Việt Nam đã đưa ông đứng ngang hàng các nhà khoa học tên tuổi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Nguyễn Tăng Cường trở về quê hương Ninh Bình. Nối nghiệp nhà 3 đời làm thợ cơ khí, ông mở một cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, khiến cửa hàng nhỏ lao đao. Gia tài quý giá nhất lúc đó là chiếc tivi màu 17 inches, ông phải bán để trả nợ. Song Nguyễn Tăng Cường không gục ngã.
|
Vốn có chút năng khiếu, ông bắt đầu mày mò sửa chữa, chế tạo xi lanh, đầu bò từ những chiếc xe cũ bán với giá rẻ, sản phẩm nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Dần dần có chút vốn liếng, Nguyễn Tăng Cường nâng cấp lên thành xưởng cơ khí và cho đến năm 1991 Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ra đời.
|
Những năm đó, toàn bộ thiết bị tự nâng (bao gồm cầu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu bánh xích, cẩu bánh lốp...) đều phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao. Trong khi ngành công nghiệp chế tạo máy luôn thiếu việc làm, một lượng lớn những người có trình độ tay nghề phải tìm nghề tay trái để mưu sinh. Nhưng mang sẵn dòng máu đam mê cơ khí trong người, ông đã vượt lên mọi khó khăn để thành công.
Nhà khoa học tay ngang
Không học hàm, học vị, đôi khi những sáng tạo của ông bị giới khoa học hồ nghi. Nguyễn Tăng Cường nhớ lại: “Quan niệm Việt Nam không ai có thể làm được cần cẩu, mà có làm được cũng chẳng ra gì đã ăn sâu vào nhiều người. Thời kỳ đầu, xí nghiệp chúng tôi sản xuất ra cần cẩu bán không ai mua”. Để mọi người tin, vị giám đốc đã bán chịu cần cẩu cho những ai có nhu cầu. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, tốc độ làm nhanh, bảo hành lâu, sản phẩm của xí nghiệp đã chiếm được lòng tin của thị trường.
Quyết để mọi người, đặc biệt là giới khoa học, thấy khả năng của mình, ông đã chứng minh bằng 5 giải pháp để chế tạo được các loại cần cẩu gồm: nghiên cứu thiết kế chế tạo hộp số hành tinh; chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế; bộ điều khiển động cơ lồng sóc kiểu biến tần; dự ứng lực cho các sản phẩm kết cấu và công nghệ đúc chính xác trong chân không. Áp dụng thành công 5 giải pháp trên, cơ khí Quang Trung đã nội địa hóa 90% các sản phẩm của mình.
Học từ thực tiễn Ông Nguyễn Tăng Cường sinh năm 1960 tại Ninh Bình. Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; năm 2007 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất; năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; năm 2012 được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, ông còn đoạt các giải thưởng Sao vàng đất Việt, Quả cầu vàng, Sáng tạo Khoa học công nghệ; Bạch Thái Bưởi… Nói về thành công của mình, ông tâm sự: “Mỗi người có một cách học riêng. Các nhà khoa học có thể thành công khi học ở trường. Còn tôi, trường học là ở cuộc đời. Tôi học qua sách vở, học bằng quan sát, học bằng chính thất bại...” |
Năm 2006, giới khoa học trong nước “giật mình” khi Nguyễn Tăng Cường dám nhận sản xuất, chuyển giao công nghệ cầu trục sức nâng 500 tấn cho thủy điện. Do đối tác nước ngoài giao hàng chậm hơn một năm rưỡi khiến thủy điện Se San 3 có nguy cơ phải trả lãi vay quá hạn 250 tỉ đồng, Nguyễn Tăng Cường nhận sản xuất, lắp đặt và chuyển giao trong vòng 3 tháng, góp phần khắc phục thiếu điện mùa khô năm 2006. Sự kiện đó chứng minh Việt Nam có thể chế tạo được cần cẩu. Đặc biệt, việc chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế khiến giới khoa học ngỡ ngàng. Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam muốn làm phải đầu tư kinh phí trên 1.000 tỉ. Chẳng ai dám làm, nhưng ông Cường nhận làm, và chỉ tốn 10 tỉ.
Giới khoa học còn chưa hết “sốc” khi Nguyễn Tăng Cường tuyên bố nhận lắp đặt cần cẩu hạng nặng 1.200 tấn cho công trình thủy điện Sơn La. Ông nhớ lại: “Khi tôi đặt vấn đề, tất cả các bộ ngành không ai cho làm. Nhiều người ủng hộ phương án mua cần cẩu từ nước ngoài vì lý do làm cẩu 500 tấn còn khó, huống chi lên tới cả ngàn tấn. Có đại biểu còn bảo, để cho ông Cường làm không may xảy ra sự cố vỡ đập, dưới hạ lưu 28 triệu dân ai là người chịu trách nhiệm. Tôi phát biểu, nếu mua của nước ngoài chắc chắn Trung Quốc trúng thầu, mà hàng Trung Quốc chưa chắc đã hơn mình. Dưới hạ lưu, còn bố mẹ, anh em ruột thịt, tôi không có trách nhiệm với đất nước hay sao? Tôi xin lấy cả danh hiệu Anh hùng lao động ra đặt cược”. Cùng với chiếc cần cẩu lắp đặt các cánh van thủy công của đập tràn, cửa nhận nước Nhà máy thủy điện Sơn La, giải pháp của Nguyễn Tăng Cường đã rút ngắn thời gian thi công, giúp phát điện sớm 2 năm, tiết kiệm cho EVN 5.600 tỉ đồng và làm lợi cho đất nước hàng chục ngàn tỉ...
Cho đến nay, Nguyễn Tăng Cường tự hào trong lĩnh vực sản xuất cần cẩu ở Việt Nam ông không có đối thủ. 9 trong số 12 chủng loại cần cẩu ông đều làm chủ về công nghệ. Trong đó loại lớn nhất 1.200 tấn. Sắp tới, ông còn đảm nhận làm cẩu nổi 3.000 tấn cho ngành dầu khí. Những sản phẩm do xí nghiệp sản xuất giá rẻ hơn so với châu u 40-45% và 10% so với Trung Quốc.
Nhà khoa học “tay ngang” vẫn tiếp tục phiêu lưu với dự án vận dụng sóng biển tạo ra nguồn năng lượng phát điện. Dự án đang trong giai đoạn thí nghiệm, bản thân Nguyễn Tăng Cường đã bỏ ra ngót nghét 100 tỉ đồng, nhưng ông vẫn lạc quan: “Tôi tin, mình sẽ bán được điện từ năng lượng của sóng biển”.
Thu Hằng
Bình luận (0)