Vừa chạy vừa "canh" công an

01/07/2010 16:10 GMT+7

(TNO) Hôm nay (1.7), quy định tất cả các tài xế điều khiển xe ô tô đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe container phải có bằng lái xe hạng FC có hiệu lực. Lực lượng CSGT tại các địa phương đã đồng loạt tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm; trong khi đó, tài xế và doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều nỗi lo.

TP.HCM: Hàng loạt xe "nằm nhà"

Trên tuyến xa lộ Hà Nội (TP.HCM), các tuyến đường vào cảng Cát Lái sáng nay (1.7), lượng xe container lưu thông giảm hẳn so với thường ngày. Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đội CSGT Rạch Chiếc (TP.HCM) đánh giá: “Lưu lượng xe ô tô rơ-moóc, xe container qua lại rất ít, chỉ gần bằng 1/3 so với trước đây”.
 
Anh Trần Văn Điệp, tài xế xe container biển số 57L-3068 cho biết: “Hôm nay là ngày đầu tiên xử phạt đối với tài xế container chưa có bằng lái FC nên xe thưa thớt hẳn so với ngày thường. Đám bạn của tôi chưa có bằng lái theo quy định nên cũng chạy lụi, hên xui thôi chứ chẳng lẽ nghỉ”.

 
CSGT chặn xe container để kiểm tra vi phạm - Ảnh: Nguyên Mi

Các công ty vận tải cũng phải “ém quân” trong ngày đầu tiên xử phạt tài xế chạy xe đầu kéo rơ-moóc, container không có bằng FC theo Nghị định (NĐ) 34 vì số lượng tài xế có bằng FC của họ rất ít. Ông Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thành Tuấn nói: “Công ty chúng tôi chỉ có 1/3 người trong số 20 tài xế có bằng FC, còn lại là những tài xế mới, chưa có bằng. Dù quy định trên được lùi lại một năm nhưng do chúng tôi thiếu thông tin về các trường lớp đào tạo lấy bằng FC và mặt khác, do anh em tài xế chạy đêm chạy ngày nên không có thời gian để đi học”. Ông Vũ cũng cho biết thêm, hiện tại công ty ông đang phải tạm ngưng nhận những hợp đồng mới.

Bị CSGT đội Rạch Chiếc thổi lại khi đang lưu thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội để kiểm tra và xử phạt do không có bằng lái hạng FC khi điều khiển xe container, tài xế Nguyễn Quang Nam cho biết, không kịp nâng bằng do không biết thông tin, không biết sáng nay quy định có hiệu lực. Anh Nguyễn Quang Nam cho biết thêm: “Chủ nhà xe chỉ mới nói đăng ký đi học cách đây một tháng và hiện giờ chưa tới đợt thi. Ở đơn vị có khoảng 20 tài xế lái xe container nhưng hầu hết đều chưa nâng bằng”.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 13.000 xe đầu kéo rơ-moóc, container nhưng Phòng Quản lý sát hạch cấp phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, chỉ mới thực hiện đổi bằng lái sang hạng FC cho khoảng hơn 1.500 tài xế.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM: hiện nay, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp vận tải là đã nâng bằng được cho khoảng 80-90% tài xế của doanh nghiệp mình. Đây là các doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm và nắm bắt tốt thông tin về luật, nghị định. Còn lại, phần lớn các tài xế xe đầu kéo rơ-moóc, container của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn không chuyển đổi kịp. Khoảng 60-70% phải dừng lại, giữ xe ở nhà do tài xế không có bằng FC theo đúng quy định.

 
Nhiều tài xế bị phạt sáng 1.7 do không có bằng FC khi điều khiển xe container - Ảnh: Trí Quang

Việc này gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị vận tải vì khi xe "nằm nhà" thì các đơn vị đều không có doanh thu để bù vào các khoản trả tiền lương cho tài xế, tiền bến bãi xe và một số hợp đồng vận chuyển bị "vỡ" do xe không chạy được vì thiếu người lái đủ điều kiện. Việc xe container không hoạt động cũng có khả năng gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng.

Khảo sát tại các cảng của TP.HCM, như cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn, chúng tôi nhận thấy lưu lượng xe container, ô tô đầu kéo rơ-moóc ra vào giảm hơn so với hằng ngày. Theo anh Lý Đức Hiếu, Phó trưởng phòng Hành chánh tổng hợp, cảng Sài Gòn: sáng nay, lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng vẫn bình thường, chưa xảy ra tình trạng ùn ứ. Tuy nhiên, mọi việc còn phải chờ vài ngày nữa xem sao vì các đơn vị đều có thời gian lưu hàng ở cảng. Trung bình có gần 200 xe container ra vào cảng Sài Gòn trong ngày.

Quy định "bó" doanh nghiệp

Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 quy định: tài xế điều khiển xe sơ-mi-rơ-moóc phải có giấy phép lái xe (GPLX) loại FC thay cho hạng C.

Để không gây xáo trộn hoạt động vận tải và tạo điều kiện cho tài xế kịp thi sát hạch, chuyển đổi bằng lái, Bộ GTVT đã lùi thời hạn hiệu lực đến ngày 1.7.2010.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 20.5.2010) cũng quy định: Người điều khiển phương tiện có GPLX các hạng C, D, E điều khiển xe ô tô rơ-moóc, xe đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1.7.2010. Theo đó, người sử dụng bằng lái xe các hạng C, D, E để điều khiển ô tô đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe đầu kéo sơ mi-rơ-moóc (container) bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng và hình phạt bổ sung bị tạm giữ phương tiện và bằng lái từ 10 đến 60 ngày.

Ông Chung phân tích, mặc dù Bộ GTVT đã có quyết định dời ngày áp dụng việc bắt buộc phải có bằng FC đối với tài xế xe đầu kéo rơ-moóc, container một năm (hiệu lực từ 1.7.2010 thay vì 1.7.2009) nhưng số lượng tài xế nâng bằng vẫn có tỷ lệ rất thấp là do một phần doanh nghiệp vận tải và tài xế chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình cũng như không tiếp cận được thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Chung, cái khó trong việc nâng bằng của tài xế nằm ở ngay những quy định của Bộ GTVT trong việc khống chế thời gian đăng ký nâng bằng. Quyết định 977/QĐ-BGTVT (ban hành ngày 15.4.2009) cho phép lùi thời gian một năm nhưng lại kèm theo quy định tất cả tài xế phải đăng ký nâng bằng trong vòng một tháng kể từ khi có quyết định. Trong khi đó, Quyết định từ Bộ về đến doanh nghiệp thì chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn đăng ký, có doanh nghiệp biết thì làm, không biết thì thôi.

Đến nay, Bộ GTVT cho phép gia hạn việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng FC đến hết ngày 31.12.2010, nhưng lại kèm theo quy định chỉ cho đăng ký đối với những tài xế có bằng C được cấp trước ngày 15.5.2009. Vậy những tài xế có bằng C được cấp thời gian sau này có muốn nâng bằng cũng chẳng biết làm sao.

Hải Phòng: Tài xế hồi hộp sợ bị phạt

Tại TP cảng Hải Phòng, nơi có trên 3.000 xe đầu kéo và hơn 5.000 người có bằng C, trong đó mới có hơn 20% có bằng FC. Trong ngày 1.7, các tài xế tỏ ra khá thận trọng. Anh Nguyễn Văn Hoạt, tài xế đang chuẩn bị chở một container 40 feet từ cảng Chùa Vẽ lên Hà Nội cho biết: “Tôi cũng đang rất lo lắng không biết CSGT có phạt không, tôi mới có bằng C, chưa kịp đổi bằng FC. Lo thì lo nhưng vẫn phải chạy, hy vọng không bị phạt, vì nếu không chạy sẽ không được giao xe, phải ở nhà thì… đói”.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Minh Vũ (Hải Phòng), đơn vị sở hữu 10 xe đầu kéo thường chạy tuyến Hải Phòng - Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) cho biết: “Đến trưa nay (12 giờ ngày 1.7), tôi chưa thấy tài xế nào báo về là họ bị phạt, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường”.

 
Xe đầu kéo container là phương tiện chủ lực “cõng” hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng - Ảnh: Quốc Dũng

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Công ty CP Kim Anh, đang sở hữu 7 xe đầu kéo chạy Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội cũng thông báo công ty ông chưa có trường hợp nào bị phạt.

Ông Trần Thanh Sinh, Tổng giám đốc Công ty CP XNK và Hợp tác quốc tế Sông Hồng, Hải Phòng, doanh nghiệp có 22 xe đầu kéo cho biết: “Chúng tôi có trên 40 lái xe nhưng hiện nay mới chỉ có 5 người có bằng FC, công ty tôi đã đăng ký cho anh em đi học đổi bằng nhưng hơn một tháng nay họ vẫn chưa được gọi đi học hoặc đi thi. Từ sáng nay, nhiều anh em lái xe đang e dè không dám cầm lái vì sợ bị phạt, bị thu bằng lái. Nếu CSGT, thanh tra giao thông một số địa phương bắt lỗi không có bằng FC thì doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn, luồng hàng hóa sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng”.

Trong sáng 1.7, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các xe container vẫn chạy bình thường và chưa có cảnh hàng hóa ùn ứ, xe nằm chờ tại các bãi đỗ vì không có tài.

Ông Trịnh Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: Nhiều tài xế trong hiệp hội vẫn rất lo lắng trước thông tin CSGT tại một số địa phương xử phạt lỗi thiếu bằng FC. Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2010, hiệp hội sẽ tổ chức, hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tạo điều kiện cho lái xe học để chuyển đổi bằng C sang bằng FC cho phù hợp với quy định. Chúng tôi đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng và lực lượng CSGT để đề nghị tạm thời chưa phạt lỗi thiếu bằng FC. Có như vậy anh em tài xế xe container mới yên tâm cầm lái và hàng hóa được lưu thông. Nếu đến cuối năm, tài xế nào chưa đổi bằng thì họ chỉ có thể trách bản thân họ mà không thể “xin hoãn” thêm một lần nữa.

Đà Nẵng: “Tồn đọng” tài xế không thể nâng chuẩn

Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, sáng 1.7, ông Trần Viết Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho biết vừa mới nhận được Công văn số 3463 của Bộ GTVT về việc gia hạn thêm thời gian từ nay đến tháng 12.2010 để các tài xế lái xe sơ-mi-rơ-moóc chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ hạng C lên hạng FC.

TP Đà Nẵng có khoảng 1.100 tài xế điều khiển xe sơ-mi-rơ-moóc, nếu căn cứ theo yêu cầu bắt buộc trong Quyết định 997 hướng dẫn chuyển đổi GPLX hạng C thành FC là tài xế phải có thâm niên điều khiển xe đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc trên 3 năm, thì chỉ có 800 tài xế đạt tiêu chuẩn dự kỳ sát hạch nâng bậc GPLX. Như vậy, cho dù có gia hạn thời gian nâng bậc cho tài xế thì khoảng 300 tài xế chưa đủ “3 năm kinh nghiệm” vẫn nằm trong diện “bị tuýt còi”.

Số còn lại, Sở GTVT Đà Nẵng đã tổ chức nhiều kỳ thi sát hạch và hiện tại đã giải quyết cho hơn 700 tài xế nâng GPLX hợp chuẩn, theo tính toán, từ nay đến cuối năm, gần 100 tài xế còn lại cũng sẽ được tổ chức thi sát hạch.


Năng lực vận tải hàng hóa sẽ suy giảm nếu không giải quyết triệt để vấn đề nâng GPLX từ hạng C lên FC cho tài xế - Ảnh: Nguyễn Tú

Nhưng dù Bộ GTVT có gia hạn, thì NĐ 34 về xử phạt tài xế không có bằng lái FC của Chính phủ vẫn được áp dụng. Chính điều đó đã gây nên sự lúng túng cho lực lượng CSGT.

Sáng 1.7, thượng tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, căn cứ theo NĐ 34, lực lượng phòng sẽ tiến hành tuần tra, xử phạt các tài xế điều khiển xe đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe container chưa có bằng FC. Phòng cũng đã biết thông tin Bộ GTVT gia hạn xử phạt đến tháng 12.2010 nhưng thực tế hiện nay phòng vẫn chưa nhận được công văn nào từ Bộ GTVT.

Ông Trần Viết Hòe khẳng định, tài xế xe đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe container bị xử phạt, tạm giữ GPLX sẽ khiến cho năng lực vận tải của doanh nghiệp suy giảm. Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng và nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cũng đã có thông báo đến các phía đối tác để sẵn sàng chia sẻ khó khăn về trường hợp này. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng lại có đặc thù vận tải hàng hóa container riêng, có nhiều chuyến hàng để kịp giao cho đối tác nước ngoài phải vận chuyển bằng xe đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe container đến các cảng tại TP.HCM, Hải Phòng do tại đấy có tần suất chuyến hàng đi nước ngoài cao hơn.

Cũng như các Hiệp hội Vận tải ở TP.HCM và Hải Phòng, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng đã gửi kiến nghị nhiều lần và lại… chờ đợi.

Nguyên Mi - Trí Quang - Káp Long - Quốc Dũng - Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.