Vừa công bố nới room ngoại 17,5%, cổ phiếu VPB đã tăng vọt, kéo Vn-Index

04/03/2022 10:26 GMT+7

Ngày 4.3, Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) đã có văn bản công bố thông tin về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.

Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Sau khi được cổ đông thông qua, ngân hàng này đã có báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Các cổ đông đang khá kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng được nới room ngoại
ngọc thắng

Việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.

Trong 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại, như: ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank.

Ngay sau khi thông tin nới “room” ngoại được công bố, trong phiên giao dịch sáng 4.3, VPB tăng hơn 2,54% và đang có mức giá khoảng 38.500 đồng/cổ phiếu và là cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào chỉ số Vn-Index (hơn 1,1 điểm).

Về khối lượng giao dịch, phiên hôm nay khối ngoại mua ròng đột biến lớn tới hơn 20 triệu cổ phiếu. Trong 10 phiên gần đây, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 20 triệu cổ phiếu, nằm trong nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trong rổ VN30 và toàn thị trường.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán MBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trên cơ sở nguồn vốn dồi dào sẽ là động lực để lợi nhuận VPB bứt phá. MBS dự báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPB năm 2022 có thể đạt 20.512 tỉ đồng, tăng trưởng 40,7%.

Theo MBS, khả năng sinh lợi của VPB có thể đến từ 3 yếu tố: tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng; chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành; thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con.

Đánh giá về chất lượng tài sản, nhóm nghiên cứu nhận định, trong năm vừa qua, chất lượng tài sản của VPB bị ảnh hưởng chủ yếu bởi việc hợp nhất các khoản nợ của FE Credit. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất là 3,58%, trong khi tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ lại giảm 0,47 điểm phần trăm. Do đó, ngân hàng đã và đang thận trọng trích lập dự phòng nhằm giảm áp lực cho những những năm sau.

Về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), MBS cho biết, so với mặt bằng chung của ngành thì tỷ lệ CASA của VPB chưa phải là một con số quá cao, tuy nhiên ngân hàng đã có những nỗ lực cải thiện nhờ chuyển đổi số. Ngoài ra, khoản vay dài hạn 300 triệu USD được huy động từ các tổ chức như JICA, SMBC… cũng sẽ giúp cho VPB có chi phí vốn thấp hơn, gia tăng lợi nhuận hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.