Vua Gia Long ở Thăng Long (Kỳ 2)

09/10/2010 00:07 GMT+7

Từ khi Gia Long vào ở điện Kính Thiên thuộc thành Thăng Long, nhiều sứ giả nước ngoài đã lần lượt đến tiếp kiến ông.

Bang giao với Đông Nam Á và Trung Quốc

Đầu tiên là vua Luang Prabang. Vị vua Lào này không phải là vua chính danh mà đang lưu vong ở tỉnh Hưng Hóa. Tuy nhiên, sự hiện diện của vua ngoại quốc ở điện Kính Thiên đã góp phần nâng cao uy tín của Gia Long. Tiếp theo, các nước Cao Miên, Lào và Xiêm cũng gửi các sứ giả đến để trình quốc thư chúc mừng.

Theo tôi được biết thì đây là lần đầu tiên các sứ giả ngoại giao từ các vùng Vạn Tượng, Cao Miên và Xiêm đến thành Thăng Long gần như cùng một lúc. Đó chính là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ được mở rộng hơn về hướng Đông Nam Á. Trong suốt những thập kỷ tiếp theo, mối quan hệ này tiếp tục được mở rộng với Miến Điện và các quốc gia đảo vùng Đông Nam Á.

Đặc biệt sự xuất hiện của sứ giả Xiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ khi Nguyễn Phúc Ánh tị nạn tại Bangkok năm 1785, mối quan hệ giữa Nguyễn Phúc Ánh và Bangkok nhanh chóng trở nên bền chặt. Cho tới cuối thời Gia Long, việc mô tả mối quan hệ này với sứ giả ngoại giao có liên quan tới Xiêm xuất hiện trong cuốn Đại Nam thực lục với số lượng đáng ngạc nhiên là 60, trong khi con số giữa Việt Nam với Trung Quốc chỉ là 6. Nếu chúng ra còn nhớ các quốc gia hùng mạnh ở lục địa Đông Nam Á được lần lượt hình thành trong suốt nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX (như triều đại Konbaung ở Miến Điện, triều đại Chakri ở Xiêm, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn) thì mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam có xu hướng trở nên gần gũi hơn với các cường quốc ở Đông Nam Á. Bước chuyển quan trọng này bắt đầu ở Thăng Long.

Từ đầu thế kỷ XIX, sự quan tâm của Việt Nam đối với Trung Quốc giảm mạnh. Lý do một phần là vì sự thống nhất dân tộc giành được là do sáng kiến của người Việt ở phương Nam - những người là một bộ phận của nhà Nguyễn ở Đàng Trong ít có quan hệ với Trung Quốc. Đối với nhà Nguyễn, mối quan hệ với các nước Đông Nam Á thân thuộc hơn. 

Ở Thăng Long, Gia Long gửi Lại bộ thiêm sự Lê Chính Lộ và Binh bộ thiêm sự Trần Minh Nghĩa lá thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) để đề nghị bắt đầu quá trình "bang giao", và cho phép họ vào Nam Quan ở khu vực biên giới Lạng Sơn và đợi câu trả lời từ phía Trung Quốc.

Vào thời điểm này, Gia Long đưa ra một đề nghị khá thú vị rằng ông nên đến Nam Quan để dự buổi gặp mặt ở đỉnh Nam Quan: "[...] Nước nhà mới dựng, muốn tiếp sứ nhà Thanh ở cửa ải [từ Hán Việt là quan thượng] để làm lễ tuyên phong cho đỡ phiền phí [...]”. (Đại Nam thực lục)

Có phải vì lý do là để giảm những phiền phí? Điều đó có thể đúng theo một mức độ nào đó, nhưng đó có thể không phải là lý do chính. Lý do đằng sau gợi ý này của vua Gia Long là gì và ý tưởng gì nằm phía sau lời đề nghị đó?

Đầu tiên là sự thờ ơ của Gia Long. Như đã đề cập ở trên, nhà vua các thành viên hoàng tộc đều chưa từng có kinh nghiệm trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong Đại Nam thực lục tiền biên, lịch sử 250 năm của nhà Nguyễn, thật khó để tìm ra chứng cớ triều đình nhà Nguyễn cử các sứ giả tới Trung Quốc, trong khi triều Nguyễn lại duy trì mối quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và các cảng biển Đông Nam Á của các cường quốc châu u.

Lý do thứ hai cần được đề cập ở đây là sự tìm tòi của Gia Long. Nhà vua đến Thăng Long không chỉ bằng đường bộ mà cả bằng đường biển. Nhà vua còn chưa biết đến chặng đường từ Thăng Long đến Lạng Sơn. Hẳn là nhà vua cũng muốn thăm vùng biên giới. Là một người trải nghiệm qua những chuyến đi biển dữ dội qua vịnh Xiêm, chuyến đi dễ dàng tới Lạng Sơn hẳn phải là một chuyến du ngoạn đầy thích thú để chiêm ngưỡng vùng biên cương.

Thứ ba, vai trò như là một người trị vì trong vùng cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Chuyến đi của vua được đồng hành bởi một loạt các hoạt động hảo tâm, nhân đạo để an ủi người dân.

Lý do thứ tư có thể được tìm thấy từ dự định của nhà vua trong việc biểu dương sức mạnh của ngài không chỉ đối với những người dân trên đường tới Lạng Sơn mà còn đối với những người Trung Quốc vùng biên giới.

Kế hoạch của Gia Long tới Nam Quan bị ngăn cản khi Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích khuyên rằng điều như thế chưa từng xảy ra trước đây. Tất nhiên nhà vua biết, nhưng nhà vua thích làm một điều mới mẻ.

Hơn thế nữa, Gia Long biết lịch sử Việt Nam rất kỹ bao gồm thời kỳ còn là Nam Việt. Gia Long gợi nhớ từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) tới các hoàng đế thời Lý, Trần, Lê, ngụ ý rằng ngài không có lý do gì để tránh tước hiệu hoàng đế. Mọi người đều biết việc nhà vua khăng khăng lấy quốc hiệu Nam Việt. Tuy nhiên, như đã được hoàng đế Trung Hoa chỉ ra, quốc hiệu này dễ dàng nhắc họ nhớ tới nước Nam Việt thời Triệu Đà mà biên giới của nó bao trùm cả Việt Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Đối với Gia Long, vùng đất Nam Việt của Triệu Đà vẫn là điều gây sự hiếu kỳ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, những quan lại nhà Nguyễn thường được phái đi Quảng Châu. Đối với những người này, lăng của Triệu Đà là nơi quan trọng phải chú ý.

Ý nghĩa cuộc Bắc du của vua Gia Long

Tôi đã thảo luận hai vấn đề được vua Gia Long chứng minh khi ông ở Thăng Long. Đầu tiên là chính sách hòa hoãn nhằm vào những trí thức miền Bắc và các dân tộc khác. Thứ hai là xây dựng một trật tự thế giới mới của Việt Nam. Nhiều chính sách ban hành tại Thăng Long đã trở thành mô hình cho các chính sách cơ bản của triều Nguyễn.

Chính sách hòa hoãn còn tồn tại trong các vương triều kế tiếp. Dưới các triều Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), chính sách hòa hoãn nhằm vào những trí thức miền Bắc đã phát huy hiệu quả rất tích cực.

Trên phương diện bang giao, quan hệ gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục được các vương triều sau này duy trì. Trong nửa đầu của thế kỷ XIX, trật tự thế giới được thừa nhận ở Việt Nam mang tính đa trung tâm chứ không phải lấy Trung Hoa là trung tâm hay trật tự kiểu con rồng nhỏ.

Thành Thăng Long đã được gần 800 năm tuổi tính đến năm 1802 khi Gia Long vào thành và ở lại đó. Tòa thành - với bề dày truyền thống, trí tuệ, kinh nghiệm và thậm chí cả linh hồn của tổ tiên trong suốt 800 năm - là nơi Gia Long từng quyết định cách thức quản lý mới ở Việt Nam. Quyết định Thăng Long - chính sách hòa hoãn và trật tự thế giới mới - có thể coi là nguồn cảm hứng quan trọng nhất của Thăng Long không chỉ đối với Gia Long mà còn đối với các nhà lãnh đạo quốc gia, những người đã nghiêm túc quan tâm đến sự thịnh vượng của nước Việt Nam thống nhất.

Người dịch: ThS Phạm Quốc Thành, trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia HN

PGS-TS Choi Byung Wook (Đại học Inha, Hàn Quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.