“Vua” heo rừng

25/12/2011 10:07 GMT+7

Tốt nghiệp 3 trường đại học nhưng anh Trần Văn Công lại quyết định “bỏ phố lên rừng” mở trang trại nuôi heo

Tốt nghiệp 3 trường đại học nhưng anh Trần Văn Công lại quyết định “bỏ phố lên rừng” mở trang trại nuôi heo

Dưới bóng mát của những gốc nhãn, anh Trần Văn Công, chủ trang trại heo rừng Chín Định (ấp Bà Tú, xã Cây Trường, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), đẩy chiếc xe rùa chứa đầy cám vào trang trại nuôi heo. Những chú heo rừng đen trũi, lông dựng đứng chen nhau ăn kêu lên inh ỏi. Anh Công cho biết: “Heo rừng rất háu ăn. Ngoài cám, chúng còn ăn thân chuối, thân bắp, bắp, khoai lang, bí đỏ… Chính vì thế mà thịt chúng rất ngon”.

Khởi đầu gian khó

Từng tốt nghiệp 3 trường đại học, nhiều năm làm việc trong các công ty trong và ngoài nước, anh Trần Văn Công đã quyết định tự mình lập nghiệp. Anh nhớ lại: “Đó là năm 1998 khi gia đình tôi mua đất ở huyện Bến Cát, Bình Dương để lập trang trại với mong muốn có nơi an dưỡng sau này. Thấy đất rộng, tôi nghĩ mình có thể về đó làm kinh tế ”. Đầu tiên, anh nuôi gà công nghiệp. Nhưng đúng lúc đó, xảy ra dịch cúm gia cầm. Gần 200 triệu đồng đầu tư nuôi gà của anh bị mất trắng.

Một lần tình cờ, người bạn của anh từ Bình Long mang về 2 chú heo rừng để trừ tiền nợ mua gà thiếu trước đó. Thấy hai chú heo rừng lạ mắt, anh đồng ý gán nợ và thả chúng trong trang trại. Những chú heo lớn rất nhanh. Khi thấy heo trưởng thành, anh thử phối giống. Lứa đầu, 2 heo rừng đẻ 16 chú heo con. Anh kể: “Thấy vậy, tôi chợt nghĩ thổ nhưỡng nơi đây có lẽ phù hợp với việc nuôi heo rừng  nên sau đó mua 80 con heo từ những người thợ săn về nuôi”. Nhưng thật không may, những chú heo rừng vốn sống nơi hoang dã khi đưa về trại thường húc đầu vào tường, bỏ ăn mà chết, chỉ còn lại 2 con. Anh lại nghĩ đến việc lai tạo giống cho phù hợp. Lai tạo thành công

Anh bắt đầu nghiên cứu việc lai tạo giống, thậm chí còn sang tận Thái Lan để tìm hiểu quy trình nuôi heo. Anh nhận thấy ở Thái Lan, heo rừng được nuôi theo hướng công nghiệp rất quy mô nhưng thịt heo lại có nhiều mỡ. Chính vì vậy, anh nghĩ cách lai tạo giống heo mới bằng cách kết hợp giữa heo giống Thái và giống heo rừng thuần Việt để thịt ngon hơn. Sau nhiều lần thử nghiệm, những đàn heo rừng lai tạo đã ra đời.

Chỉ đàn heo đang tung tăng ủi đất, anh cho biết heo rừng lai tạo có nhiều đặc điểm khác biệt so với heo rừng sống nơi hoang dã: “Heo rừng nuôi mõm không láng, đầu có hình tam giác chứ không dài. Mỗi lứa heo đẻ từ 6 - 9 con. Sau 2 tháng, heo sẽ tự tách bầy, 8 tháng sau, heo có thể phối giống. Trung bình mỗi tháng, heo chỉ tăng khoảng 2 kg. Heo nuôi khoảng 10 tháng thì có thể bán thịt”. Cũng theo anh, heo rừng thường có lớp da dày từ 10-15 mm, dưới da là lớp màng mỏng giống như mỡ. “Thịt heo ngon phải có màu đỏ như gạch, dưới da không có mỡ”.

Nổi tiếng gần xa

Khi biết trang trại của anh thành công trong việc lai tạo và nuôi heo rừng, nhiều nhà hàng tại TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội… đã tìm đến đặt hàng. “Heo rừng nuôi khoảng một năm mới có thể bán thịt, trong khi thị trường cần mỗi ngày đến vài trăm con. Để có đủ thịt heo cung cấp, tôi đã xây dựng hệ thống cơ sở vệ tinh ở các tỉnh, thành từ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre... Đến nay, đã có được vài chục vệ tinh. Để phục vụ thực khách, tôi còn mở nhà hàng ngay tại trang trại nhằm giới thiệu những món ăn tươi ngon nhất từ heo rừng” - anh vui vẻ kể.

Trang trại nuôi heo của anh Công đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Anh Nguyễn Văn Vũ, quê ở Bến Tre, phụ việc cho trang trại, cho biết: “Anh Công không chỉ giúp chúng tôi có việc làm ổn định mà còn hỗ trợ nhiều bà con quanh vùng về kỹ thuật nuôi heo giống và heo thịt”. 

Anh Trần Văn Công tâm sự: “Hiện nay, người tiêu dùng thường bị lừa bởi những loại thịt heo rừng giả bán với giá cao. Chính vì thế, tôi đang xây dựng quy trình heo sạch nhằm đưa sản phẩm heo rừng tươi vào các siêu thị để người dân an tâm về chất lượng”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.