Buổi hội thảo tư vấn du học giới thiệu về Trường ĐH Bulacan do Trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) tổ chức - Ảnh: Đ.Nguyên |
Du học cuối tuần
|
Thông qua trường ĐH, trung tâm tư vấn du học, công ty và cả cá nhân, hiện nay có ít nhất 4 trường ĐH của Philippines quảng bá, chiêu sinh chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Việt Nam. Học viên tham gia các chương trình này chỉ du học trong 3 - 4 đợt. Nếu học thạc sĩ, mỗi đợt chỉ cần đi 3 ngày cuối tuần; tiến sĩ sẽ kéo dài 8 - 9 ngày. Thời gian để học viên hoàn thành chương trình tối thiểu trong 1 năm (thạc sĩ) và 3 năm (tiến sĩ).
Có thể kể đến chương trình thạc sĩ của Trường ĐH Bulacan do Trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế (CEC) của Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) quảng bá; chương trình tiến sĩ quản lý của Trường ĐH công lập Ifugao (IFSU) do một người tên L. tự xưng là giảng viên chính Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Tài chính - Marketing đứng ra giới thiệu. Khi chúng tôi liên hệ bằng điện thoại, người này cho biết học viên sẽ học trong 3 đợt, mỗi đợt gồm 9 ngày 8 đêm, 2 đợt đầu trường sẽ hệ thống kiến thức và đợt cuối sẽ hướng dẫn cách thức chọn đề tài, triển khai làm luận án...
Học phí chương trình tiến sĩ của IFSU là 9.900 USD (hơn 200 triệu đồng), đóng một lần khi làm thủ tục nhập học.
Đơn vị đứng ra quảng bá cho chương trình tiến sĩ của Trường ĐH Tarlac là Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế châu Á. Tư vấn cho chúng tôi, người phụ trách chương trình cho biết tại Việt Nam, trường này cũng đang có nhiều khóa học tiến sĩ theo các đợt như vậy.
Chương trình học của Trường ĐH NEUST cũng của Philippines quảng cáo trên internet và có cùng kiểu đào tạo như vậy. Ngoài ra, thông qua Công ty du học Vĩ Nam, học viên tham gia chương trình này được miễn kiểm tra phỏng vấn đầu vào bằng tiếng Anh và miễn chứng chỉ IELTS 6.5 khi nhập học!
Bằng cấp nước ngoài nhưng viết luận văn bằng tiếng Việt
|
Nhiều người lo ngại về chất lượng của các chương trình này vì điều kiện vào học khá dễ, tập trung trong một thời gian ngắn, không liên tục...
Theo giới thiệu tại một hội thảo du học của Trường ĐH Bulacan do CEC tổ chức ngày 8.6, với chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, người học sẽ đi du học làm 4 lần, mỗi lần 3 ngày tại Philippines, Hồng Kông hoặc Malaysia (2 ngày học và 1 ngày đi du lịch). Mỗi lần đi học sẽ do Trường ĐH Ngoại thương hợp đồng với một công ty du lịch tổ chức. Các bài luận hết môn, đề tài nghiên cứu cuối khóa, học viên có thể làm bằng tiếng Việt, CEC sẽ phụ trách dịch sang tiếng Anh, chỉnh sửa để nộp cho phía Trường ĐH Bulacan. Phí chuyển dịch là 50.000 đồng/trang.
Theo quảng cáo, trong hồ sơ học thạc sĩ, học viên không phải gửi kèm chứng chỉ tiếng Anh đầu vào. Chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh, quản lý giáo dục cũng được thiết kế tương tự, có đề tài nghiên cứu và phải bảo vệ trước hội đồng khoa học nhưng học viên có thể nhờ phiên dịch. Cả hai chương trình thạc sĩ và tiến sĩ đều không thấy yêu cầu có bài báo khoa học. Tổng cộng học phí và các chi phí khác, chương trình thạc sĩ khoảng 130 triệu đồng, tiến sĩ ước chừng 280 triệu đồng.
Tương tự, học viên chương trình tiến sĩ của Trường ĐH Tarlac cũng có thể nhờ người phiên dịch giúp và cũng không hề yêu cầu phải có bài báo khoa học quốc tế.
Tâm lý chuộng bằng cấp
Theo PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nguyên tắc cơ bản việc học thạc sĩ, tiến sĩ của thế giới là như nhau. Làm tiến sĩ phải có công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín... Dù học ở Việt Nam hay bất cứ ở đâu, có công trình công bố đàng hoàng mới là chương trình đào tạo tốt. Về ngoại ngữ, người học tiến sĩ phải là người có vốn kiến thức tương đối khá vì phải giao lưu hội nghị, hội thảo quốc tế.
Nhận định về cách học của những chương trình kiểu này, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho rằng: “Ở Việt Nam, do hiện nay các trường thiếu tiến sĩ, thạc sĩ nên rất chuộng bằng cấp, bất kể đó là bằng cấp thuộc loại nào. Nếu nhận những người có bằng cấp theo kiểu này thì không đúng tiêu chuẩn và có thể làm giảm sút chất lượng đáng kể vì những người này có thể hoàn toàn không có năng lực nghiên cứu”.
Nhiều chuyên gia cho biết việc rộ lên trào lưu học thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường Philippines như vậy còn liên quan đến việc thẩm định của các đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam. Rất nhiều trường học, cơ quan, doanh nghiệp thường đề nghị người lao động có bằng cấp để hợp thức hóa vị trí được cất nhắc mà không quan tâm bằng cấp đó từ đâu.
Bộ GD-ĐT là nơi thẩm định bằng cấp Bộ có quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Văn bản này quy định đối với bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người có văn bằng, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp có thể gửi hồ sơ tới Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ để công nhận. Tháng 1.2013, Bộ cũng có đề nghị các trường khi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh sau ĐH, nếu người dự tuyển có văn bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp đều phải gửi đến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét, công nhận theo quy định. |
Đăng Nguyên
>> Học thạc sĩ tại Anh
>> Học thạc sĩ tại Tây Ban Nha
>> Học thạc sĩ qua mạng do Ba Lan cấp bằng
>> Học thạc sĩ tại Singapore và Mỹ
Bình luận (0)