PGS-TS Choi Byung Wook: Tôi quan tâm tới những vấn đề gốc rễ dẫn đến chiến tranh vào đầu thế kỷ XX tại Việt Nam. Sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi vào những năm 1833-1835 tại Sài Gòn, tôi tiếp tục hướng nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ những năm đầu thế kỷ 19, về Tổng trấn Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng. Lý do tôi tập trung vào vùng đất Nam Bộ trong khoảng thời gian trị vì của vua Minh Mạng là bởi khi đọc cuốn Đại Nam thực lục (bộ biên niên sử của triều đình nhà Nguyễn), tôi nhận thấy những người thống trị quan tâm sâu sắc đến việc kiểm soát Nam Bộ trong nửa đầu thế kỷ 19. Dưới triều vua Minh Mạng, những công việc của chính quyền T.Ư ở Nam Bộ tăng lên thường xuyên hơn, cũng đúng vào khoảng thời gian đó, mối quan hệ căng thẳng giữa triều đình Huế và Nam Bộ lên đến đỉnh điểm. Tôi băn khoăn, liệu những hành động của vua Minh Mạng có gây ra những biến động chính trị sau đó ở Nam Bộ hay không.
|
Nghiên cứu của tôi trước hết đề cập tới giai đoạn hình thành vùng đất Gia Định, sự xung đột giữa triều đình T.Ư với hệ thống cai trị địa phương, cũng như với người dân phương Nam. Tiếp đó, là ba chính sách quan trọng của vua Minh Mạng thực hiện sau khi xóa bỏ chính quyền địa phương Gia Định: giáo hóa người phương Nam, “Việt hóa” các nhóm tộc người (bao gồm cả người Hoa) và chính sách đạc điền mới dẫn đến sự thừa nhận chính thức các chủ đất tư nhân và sự tích tụ đất đai ở Nam Bộ.
Với những nghiên cứu đã thực hiện, ông đánh giá thế nào về những chính sách của vua Minh Mạng tại Nam Bộ?
Mặc dù vua Minh Mạng lấy hình mẫu là vua Lê Thánh Tông nhưng hai thời đại lại hoàn toàn khác biệt. Vua Minh Mạng là người đã mang đến những chính sách thay đổi sâu sắc trên cả ba bình diện văn hóa, đối ngoại, kinh tế cho vùng đất Nam Bộ dưới triều đại hợp nhất cả ba miền Bắc, Trung, Nam như hiện nay. Tôi đặc biệt đánh giá cao ông khi đã làm được nhiệm vụ quan trọng là tạo dựng và duy trì một Việt Nam thống nhất. Chúng ta có thể hình dung ra những khó khăn mà một vị vua gặp phải trong việc xây dựng đất nước khi mà đất nước đó vừa trải qua 200 năm nội chiến và người dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau.
Hơn 20 năm nghiên cứu về nam bộ PGS-TS Choi Byung Wook (hiện đang làm việc tại khoa Lịch sử, ĐH Inha - Hàn Quốc) tới Việt Nam nghiên cứu lịch sử từ những năm 1990 với sự giúp đỡ ban đầu của GS Phan Huy Lê. Năm 1992, tại ĐH Hàn Quốc, ông thực hiện luận văn thạc sĩ với đề tài nghiên cứu Gia Định thành Tổng trấn, mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Luận văn tiến sĩ Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng do ông thực hiện tại ĐH Quốc gia Úc trong những năm 1994 -1999, được chương trình Đông Nam Á của ĐH Cornell (Mỹ) xuất bản thành sách vào năm 2004. Bảy năm sau, với sự giúp đỡ của khoa Lịch sử - trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cuốn sách với bản dịch tiếng Việt (Từ Văn Books và Nhà xuất bản Thế giới phát hành) đã đến với độc giả. |
Minh Ngọc
Bình luận (0)