Vua nem nướng Việt ở Thái

07/02/2016 05:03 GMT+7

Dù đã nghe nói trước về đại gia Hồ Văn Lâm, nhưng đứng trước 26 gian hàng và khu ăn uống nườm nượp khách với diện tích 1.800 m 2 trên con đường Phosri sầm uất nhất tỉnh Udon Thani (đông bắc Thái Lan), tôi vẫn không thể nào hình dung được cơ ngơi đồ sộ này lại bắt nguồn từ những que nem nướng...

Dù đã nghe nói trước về đại gia Hồ Văn Lâm, nhưng đứng trước 26 gian hàng và khu ăn uống nườm nượp khách với diện tích 1.800 m2 trên con đường Phosri sầm uất nhất tỉnh Udon Thani (đông bắc Thái Lan), tôi vẫn không thể nào hình dung được cơ ngơi đồ sộ này lại bắt nguồn từ những que nem nướng...

Thỉnh thoảng vua nem nướng Hồ Văn Lâm cũng trực tiếp đứng bán - Ảnh: Nguyễn TậpThỉnh thoảng vua nem nướng Hồ Văn Lâm cũng trực tiếp đứng bán - Ảnh: Nguyễn Tập
Từ thợ may đến vua nem nướng
Không ngoa khi gọi Hồ Văn Lâm (tên Thái là Thong Kunthangvawat, 55 tuổi) là vua nem nướng bởi “vương quốc” khá đồ sộ của ông. Không chỉ nổi tiếng tại địa phương, thương hiệu VT nem nướng có đến 20 cửa hàng trên 14 tỉnh tại Thái Lan, xuất hàng sang cả Singapore và Lào. Hiện tại, để làm nem nướng mỗi ngày, hiệu VT của ông dùng đến... 2 tấn thịt heo. “Trước đây, Hoàng gia Thái thường xuyên mua nem nướng của tôi hoặc tiệm mẹ tôi (Daeng nem nướng). Bây giờ vua bệnh nên lấy ít hơn”, ông cho biết.
Không có nem nướng, có lẽ bây giờ Hồ Văn Lâm vẫn là ông chủ tiệm may. Năm 20 tuổi, Lâm cưới vợ. Sẵn gia đình vợ cũng làm nghề may, nên ông “liều mạng” mở một tiệm may lớn ngay trung tâm tỉnh Nong Khai. Nói liều mạng là bởi lúc đó tay nghề may của ông cũng chỉ “phọt phẹt”. Biết vậy, Lâm trốn vào Bangkok tìm thầy giỏi học cắt áo tây để nâng cao tay nghề. Người khác học áo tây trong ba năm mới giỏi, nhưng Lâm chỉ tự cho mình... ba tháng.
Ông kể: “Lúc đó, tôi nói thật lòng là học để về quản lý, không thì sập tiệm. Cộng với việc dù đã biết nghề nhưng tôi chấp nhận làm việc không lương, phục vụ đàn anh hết mình nên chủ cũng thương và dạy nghề hết lòng”. Sau ba tháng “du học”, với khả năng quản lý cũng như tay nghề may cao, hiệu may Milano của ông nhanh chóng trở thành một trong ba hiệu may lớn nhất tỉnh lúc bấy giờ.
Năm 1995 tiền mất giá, thợ kiếm khó, hàng may sẵn ngày càng nhiều nên kiếm tiền ngày càng khó hơn. “Quê bố tôi ngày xưa là làng nem nướng ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Ngày tản cư sang Thái, nhờ gánh nem nướng của mẹ mà anh em chúng tôi lớn khôn. Ai cũng phải ăn, bất kỳ thời nào, tại sao lại không lấy nghề “gia truyền” để phát triển. Thế là tôi quyết định chuyển nghề”, ông bộc bạch.
Đặc sản  nem nướng Việt  trên đất Thái - Ảnh: Nguyễn Tập

Thật ra, tại những tỉnh đông bắc Thái, nơi tập trung đông người Việt, nem nướng không phải là món xa lạ. Trước đó, mẹ của ông đã có tiệm Daeng nem nướng khá nổi tiếng tại Nong Khai. Dù chỉ mới “vào nghề” nhưng Lâm tham vọng hơn, muốn nem nướng phải đi khắp nước Thái để cạnh tranh với nhiều món khác. Vì vậy, ông chọn Udon Thani - một tỉnh lớn ở vùng đông bắc Thái - để phát triển sự nghiệp.


Đưa nem nướng Việt ra thế giới
Hiện ông Lâm đang đầu tư 600 triệu baht (khoảng 19 triệu USD) để xây dựng khu trung tâm thương mại VT nem nướng chuyên bán đồ đặc sản của tỉnh Udon Thani trên diện tích gần
1 ha, dự kiến cuối năm 2016 hoàn thành. “Dù đã được người Thái biết đến, một số tiệm tại Lào và Singapore cũng lấy hàng của VT nem nướng mỗi ngày nhưng tôi muốn nem nướng Việt phải đi xa hơn nữa. Đó là lý do cần phải xây dựng trung tâm chế biến nem nướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm của các nước khác. Trước mắt, đã có người Thái ở Nhật và người Việt ở Mỹ đặt vấn đề xuất nem nướng vào nước họ”, ông khoe.

“Làm bạn” với nem nướng từ gánh hàng nhỏ của mẹ ngay từ khi mới chào đời, về công thức chế biến ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Cũng từng làm quản lý (chủ tiệm may) nên ông hiểu rõ bí quyết để hút và giữ khách hàng, đó là chất lượng và uy tín. Vì thế, dù biết tốn tiền hơn, nhưng ông vẫn quyết lấy thịt từ công ty lớn để đảm bảo vệ sinh, chất lượng. Chưa hết, ông còn có đội ngũ riêng chuyên trồng rau không sử dụng thuốc và “bao giá” nguyên năm để họ yên tâm về đầu ra.
“Muốn nem nướng ngon phải dùng giò sau của heo và dùng thịt thật tươi để khi quết thịt mới dẻo và dai. Ngoài ra sự khác biệt của nem nướng cũng nằm ở nước chấm. Nước chấm hiện giờ ở VT nem nướng thật sự không giống Việt Nam lắm vì phải thay đổi khẩu vị một chút cho phù hợp với người Thái. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng phải ổn định”, ông tiết lộ.
Để quản lý được chất lượng của đại lý ở những tỉnh khác, ông bắt họ phải cam kết theo đúng công thức của mình, nếu vi phạm sẽ không để họ làm đại lý nữa. Ngoài ra, ông còn thuê hẳn hai người thợ thật giỏi, chỉ làm một việc là đi vòng quanh các tỉnh để theo dõi chất lượng. Ông cho biết: “Họ sẽ giả làm khách hàng vào tiệm để xem cách phục vụ thế nào. Những người này giỏi nghề đến nỗi chỉ cần nhìn màu cũng đủ biết nước chấm có đạt hay không, thịt có tươi hay không...”.
Như một phần quê hương mang theo...
Sinh ra và lớn lên tại Thái, nhưng chất Việt trong ông vua nem nướng vẫn “đặc sệt”: lấy vợ người Việt, những món ăn ưa thích cũng toàn món Việt, hiệu VT nem nướng cũng viết tắt từ chữ cái đầu của chữ Vỵ (tên mẹ) và chữ Tuân (tên bố)...
Không những thế, ông còn là người hâm mộ của đội tuyển bóng đá Việt Nam. “Mỗi khi đội Việt Nam gặp Thái Lan là tôi lại mệt. Xem đá bóng phải ngồi coi đông người để cùng cổ vũ mới vui. Tôi có mấy trăm nhân viên người Thái cũng thân thiết nhưng không ngồi coi chung được vì tôi luôn ủng hộ đội... Việt Nam và luôn muốn đội Việt Nam thắng. Cho nên nhiều khi tôi cứ phải vào phòng bật ti vi ngồi ru rú coi một mình. Khổ ghê lắm. Đã vậy, đội Việt Nam cứ thua hoài mới đau chứ”, ông nói mà mặt rầu rĩ chẳng thua người hâm mộ bóng đá chính hiệu nào.
Ông Lâm kể, ông về Việt Nam được năm lần. Ngay lần đầu tiên, khi đang đi trên đường ông bị giật mất cái điện thoại. Chuyện đó làm ông điếng hồn, ở Thái đâu có vậy. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó cũng quên mau khi ông cùng bố ngồi trên sông Hương nghe hò Huế, đưa bố trở lại làng quê ngày xưa ở huyện Phong Điền. “Nhìn bố tôi, một ông già gần 80 tuổi hớn hở như trẻ con được quà, mắt ông sáng lên khi khoe với tôi đây là nơi bố tắm sông hồi nhỏ, kia là nơi bố thường ăn nem nướng... không hiểu sao tôi xúc động lắm. Lúc đó tôi mới cảm nhận rõ ràng được quê hương là thế nào”, ông bồi hồi nói.
Lớn lên ở Thái nhưng thể loại nhạc yêu thích của ông lại là nhạc Việt, trong xe hơi cũng mở nhạc Việt. Nói chuyện về nhạc, ông kể những bài hát mình thường nghe: Trồng cây lại nhớ đến Người, Việt Nam quê hương tôi, Giận thì giận mà thương thì thương, Tình ca Tây Bắc... Rồi ông lim dim mắt, tay đánh nhịp, cất tiếng hát: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về...”. Giọng không hay, phát âm tiếng Việt lơ lớ nhưng ông vẫn hát say sưa, như quên cả người đối diện. Trong thoáng chốc, trước mặt tôi không phải là đại gia Thong Kunthangvawat lẫy lừng trên đất Thái mà chỉ còn cậu bé Hồ Văn Lâm hồn nhiên đang nghêu ngao theo tiếng hát của cô văn công phát ra từ chiếc radio cũ kỹ ngày nào...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.