(TNO) Từng là một tay chơi ở Sài Gòn vài chục năm trước, trong tay có hàng trăm cây vàng, nhạc sĩ Vinh Sử, người được mệnh danh “vua nhạc sến" của âm nhạc Việt Nam, giờ đang sống trong ngôi nhà trọ nhỏ, đồ đạc tuyềnh toàng, đến cái ghế ngồi cũng được người bạn thương mà mua cho.
Nhạc sĩ Vinh Sử - Ảnh: Khôi Nguyên
|
Cách đây 3 năm, một đêm nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử đã diễn ra tại Hà Nội, khi đó ông vừa được chẩn đoán bị ung thư trực tràng. Lần trở lại này, sức khỏe ông đã khá lên nhiều. Ông kể đã phải trải qua 5 lần phẫu thuật cắt bỏ khối u, tạo hậu môn giả. Đến giờ, ông không còn có thể đi vệ sinh như bình thường được nữa. Ông cho biết, suốt mấy năm qua, ngày nào cũng phải uống thuốc khiến ông phát… sợ. Bệnh tật là thế, vậy mà, nhạc sĩ Vinh Sử lúc nào cũng tếu táo, coi mọi sự đơn giản, giống như cái tính của người Nam Bộ.
Giàu có nhờ bán nhạc
Nhạc sĩ Vinh Sử kể, bố mẹ ông là người gốc Bắc chuyển vào miền Nam sinh sống bằng nghề làm bún. Gia đình ông rất khá giả, nhưng bố mẹ không muốn cho con cái đi học. “Ba mẹ tôi không biết chữ, nên vẫn bảo với con cái là không cần phải đi học mà chỉ cần học nghề làm bún cũng đủ giàu rồi. Nhưng tôi không chịu, tôi đi bán báo dạo, lấy tiền để đi học”, nhạc sĩ nhớ về tuổi thơ. Đến khi trưởng thành, ông không sống trong ngôi nhà khang trang cùng với bố mẹ. “Tôi cứ sống vất vưởng đầu đường xó chợ, cứ tha tha thẩn thẩn. Nhiều người tưởng tôi bị điên”, ông nhớ lại.
Trong khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Vinh Sử sáng tác rất nhiều. Ông bảo chẳng gọi được dòng nhạc mình sáng tác theo tiếng Tây là boléro (nhạc sến) mà cứ gọi nôm na là nhạc “bổ lại rẻ”. Con người ông đơn giản “có gì nói đấy”, âm nhạc của ông cũng y như vậy. Nhưng cũng chính nhờ thế mà nhạc của Vinh Sử lại dễ đi vào lòng người. Ông sáng tác hàng ngàn ca khúc, trong đó nhiều ca khúc được bán cho ca sĩ, rồi cả nhạc sĩ. Ông nhớ, tiền bán nhạc đủ mua được mấy chiếc ô tô, đất đai, nhà cửa.
“Từ một thằng sống vạ vật, tự nhiên tôi trở nên giàu có, tiền rơi vào đầu. Tôi nghĩ tiền không tiêu thì để làm gì, rồi mình cũng chết, có mang theo tiền được đâu. Thế là, tôi tiêu tiền không khác gì một dân chơi xộp, vung tiền qua cửa sổ. Có đêm, tôi tiêu tới hơn 10 cây vàng”, nhạc sĩ Vinh Sử nói.
“Tôi toàn bị người ta phụ tình”
Nhạc sĩ Vinh Sử nhận ông xấu trai, nên thường bị các cô gái từ chối không nhận lời yêu. Từ nỗi buồn đó, ông viết ra những ca khúc về tình yêu đơn phương đi vào lòng nhiều người. “Đó là cái hên của tôi”, ông nói. Nhạc sĩ Vinh Sử đã lấy tới 4 đời vợ, nhưng các bà đều lần lượt rời bỏ ông. “Tôi toàn bị người ta phụ tình, chứ chưa phụ tình người ta bao giờ”, nhạc sĩ Vinh Sử nói.
Hỏi có người vợ nào đến với ông vì ông giàu có? Ông bảo: “Nếu nói thế là nói xấu phụ nữ vì không có bà nào là không mê tiền”. Bốn người vợ nay đã rời xa Vinh Sử, ông giờ sống một mình, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, tiền bạc tiêu tan đến đồng cuối cùng.
Đến khi cuộc sống trở nên khốn khó, ông mới nhớ lại những ngày ăn tiêu phung phí. Trong thời gian nằm viện chữa trị, ông đã viết ca khúc Thương quá cha tôi để tạ lỗi với cha mẹ. Ông biết cha mẹ thương ông rất nhiều, còn ông đã làm họ khổ rất nhiều. “Càng cô đơn tôi lại càng không thể khóc”, “vua nhạc sến” nói.
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với các ca khúc: Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... Ông đã có một thời hoàng kim trong sự nghiệp sáng tác với hàng nghìn bài hát. Nhiều nghệ sĩ sẽ đến ủng hộ đêm nhạc Vinh Sử: Lệ Quyên, Bảo Khánh, Ngọc Châm, Bách Nguyễn, Hồ Quang 8, Hạ Vân...
|
Bình luận (0)