Vua Riêm đã ra đi...

Hoàng Kim
Hoàng Kim
14/07/2018 08:00 GMT+7

Vua Riêm của hoàng hậu Xê Đa đã ra đi vĩnh viễn. Một vai diễn để đời khiến người ta nhớ mãi giọng ca trầm ấm giống Út Trà Ôn của NSƯT Phương Quang.

“Lách cái bắt chước, tìm cái khác biệt”
Phương Quang sinh năm 1942, người gốc Bình Dương, từ nhỏ đã mê cải lương, mỗi khi có đoàn hát về quê là ông bám theo để coi hát và coi hình nghệ sĩ. Có lần gặp Út Trà Ôn đi xe hơi đến rạp, trong lòng cậu bé nuôi ước mơ lớn lên sẽ nổi danh như “thần tượng” của mình. Và quả vậy, gần 20 năm sau ước mơ đã thành sự thật. Ông đứng trên sân khấu của đại bang Kim Chưởng, có thể đóng được nhiều loại vai từ văn đến võ, từ trung đến nịnh, từ mùi đến độc. Và năm 1966 ông đoạt giải Thanh Tâm một lượt với nghệ sĩ Phượng Liên.
Nhớ lại chặng đường sự nghiệp, ông từng bùi ngùi: “Khoảng cách 20 năm ấy cũng không phải trơn tru hoa gấm, mà tôi phải học nghề, phải xách đàn cho nhạc sĩ, phải đi từ gánh hát nhỏ mới tới đại bang. Nhưng nhờ vậy mình học được cách đối nhân xử thế, học cách trân trọng từng thành quả nhỏ xíu, học cả thành công lẫn thất bại của đồng nghiệp để tồn tại được”.
Có lẽ người mà ông “học” đầu tiên chính là NSND Út Trà Ôn. Nếu nói ông là “hậu duệ” của Út Trà Ôn cũng không sai. Bởi khó ai có được chất giọng trầm đẹp như thế. Phương Quang từng thẳng thắn: “Ban đầu đúng là tôi có bắt chước Út Trà Ôn, vì trên cơ sở trời cho tôi chất giọng rất giống ông Út. Nhưng sau đó tôi rèn luyện để tìm ra con đường riêng của mình. Làm nghệ sĩ là phải như vậy. Phải có cái riêng, nếu không sẽ chỉ như cái bóng của thần tượng mà thôi”. Rõ ràng Phương Quang tuy giọng chân phương như ông Út nhưng có cách luyến láy khác hơn, nghe lả lướt hơn một chút.Dân sành cải lương chỉ biết xuýt xoa mà thôi. Ngay cả ông Út khi gặp mặt Phương Quang cũng vỗ vai khen: “Được lắm. Em đã lách cái bắt chước mà tìm cái khác biệt, đáng khen”.
Sau này, khi NSND Út Trà Ôn mất đi, thì hầu như tất cả các bài vọng cổ nổi tiếng của ông đều được Phương Quang hát lại trong sự kế thừa cái đẹp kỳ diệu xưa lẫn thấp thoáng cái đẹp riêng. Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Tôn Tẫn giả điên, Đài hoa dâng Bác… là những tuyệt đỉnh thăng hoa của giọng ca trầm ấm ấy. Ngay cả những vai diễn hay của ông Út thì Phương Quang cũng đóng lại thật hay, như ông cò quận 9 (vở Tuyệt tình ca).
Nhưng Phương Quang còn ghi dấu ấn trong rất nhiều vở khác như Nửa đời hương phấn, Tần nương thất, Khi người điên biết yêu, Người đẹp Bạch hoa thôn… Hàng mấy trăm vở của Kim Chưởng và các hãng đĩa lúc bấy giờ đều có Phương Quang góp mặt. Sau năm 1975, ông về Nhà hát Trần Hữu Trang, để lại ấn tượng rất đẹp trong vở Hòn đảo thần vệ nữ, Tình yêu và lời đáp, Nàng Xê Đa… Và vai vua Riêm trong Nàng Xê Đa có hơn 1.000 suất diễn khiến ông “bất tử” cùng với cô đào Thanh Vy. Hai nghệ sĩ quá hay, với lối diễn chuẩn mực, sang trọng, nội tâm tinh tế và phức tạp, NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy đã khiến người xem cảm phục.
Về già, Phương Quang thường được mời làm giám khảo cho các cuộc thi vọng cổ cải lương của TP.HCM và các tỉnh. Ông nói vui: “Giờ mình “lên bàn thờ” ngồi rồi đó. Chứ tuổi này vai đâu nữa mà hát. Nhưng với tôi, chấm thi không phải là để bắt bẻ tụi nhỏ, mà là tìm ra chỗ yếu của các em rồi chỉ dẫn cho các em sửa, để các em tiến bộ. Mình phải chăm chút những búp măng này chớ! Cải lương không lẽ theo đám già tụi tôi xuống mồ, mà phải được truyền lại cho thế hệ trẻ. Tôi mong các em thật giỏi, qua mặt tụi tôi thì càng hay. Khán giả thường nói câu “người trẻ bây giờ ca không hay bằng lớp trước”, tôi nghe vậy thì buồn chứ không có mừng. Tôi thèm có những nghệ sĩ trẻ hay hơn chúng tôi”.
“Mình biết đủ là đủ”
Nghệ sĩ Phương Quang nhà ở Q.7 (TP.HCM), tôi mấy lần qua đó hỏi chuyện để viết bài về ông. Ông sống giản dị. Vợ ông là bà Kim Hương, hiền lành, đảm đang, từng chèo chống cả gia đình khi nghề hát của ông rơi vào giai đoạn lận đận. Và khi ông bệnh, cũng một tay bà chăm sóc. Tôi nói đùa “chị là y tá riêng của anh”.
Hai đứa con của ông, không đứa nào theo nghề hát của cha, mà làm kinh tế. Ông lắc đầu: “Kệ nó. Nó thích gì thì làm cái đó, mình ép sao được. Tôi thấy nghề hát cũng đâu có dễ, nếu không đủ tài năng thì đừng theo. Làm kinh tế miễn đủ sống và yên vui là được.Tôi chỉ mong gia đình hòa thuận bình an, không cần thêm một thế hệ nổi tiếng nữa. Mình biết đủ là đủ!”.
NSƯT Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sinh năm 1942 tại Bình Dương. Ông mất lúc 9 giờ 30 ngày 13.7 tại nhà riêng sau nhiều năm bệnh nặng. Ông đã làm đơn xin hiến xác cho y học, vì vậy khi ông mất Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đến tiếp nhận xác. Gia đình chỉ để lại di ảnh và bàn thờ tại nhà để mọi người đến viếng. Lễ tưởng niệm tổ chức vào 9 giờ ngày 14.7 tại nhà riêng 1033 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.