'Vua' tiền cổ miền Tây

23/05/2019 10:04 GMT+7

Gần 40 năm sưu tầm, ông Kim Khải (60 tuổi, ngụ xã Hội An, H.Chợ Mới, An Giang) hiện sở hữu hàng trăm loại tiền xu cổ của Việt Nam và được mệnh danh là 'vua' tiền cổ ở miền Tây.

Tự nhận mình là người “sưu tầm nghiệp dư” nhưng ông Kim Khải đang sở hữu hàng trăm loại và kích cỡ khác nhau, có niên đại vô cùng phong phú.

Từ 2 đồng xu của người mua ve chai

Ông Khải kể, một lần được người thân cho mấy đồng tiền cổ, ông thích thú và cất giữ cẩn thận. Tình cờ, trong lúc nằm võng ngủ trưa trước nhà, có người bán ve chai cầm xấp tiền xu cũ, ngả màu, năn nỉ ông mua với giá rẻ vì đã bán cho nhiều người nhưng không ai mua. Thương tình, ông mua lại rồi đem đi tẩy rửa và bất ngờ nhận ra đó là 2 đồng tiền Thiên Minh Thông Bảo của chúa Nguyễn vô cùng hiếm. Từ đó, ông bắt đầu đi khắp nơi sưu tầm tiền cổ.
Mỗi địa danh trên bản đồ Việt Nam đều được ông Khải chọn ra những đồng tiền mang ý nghĩa gắn liền với địa danh đó ẢNH: DUY TÂN
 “Niềm đam mê thôi thúc tôi. Cứ nghe ở đâu có người chơi tiền cùng sở thích như mình, có đồng tiền lạ là tôi muốn làm sao có cái gì để đổi cái đồng tiền chưa có. Đam mê cộng thêm may mắn cái tiền cổ này là nó đi tim mình chứ không phải mình đi tìm nó, mình đâu biết ở đâu có mà mình mua, biết ở đâu có mà mình đổi. Đồng tiền cứ tự tìm tới như một cái duyên. Biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến”, ông Khải chia sẻ.
Bộ sưu tập tiền xu của ông Khải ẢNH: DUY TÂN
Hiện ông Khải đang sở hữu nhiều đồng tiền quý như: tiền Thái Bình Hưng Bảo và Thái Bình Nguyên Bảo thời nhà Đinh; tiền Thiên Phúc Trấn Bảo thời Tiền Lê; tiền Nguyên Phong Thông Bảo, Thiên Phong Nguyên Bảo, Đại Trị Thông Bảo thời nhà Trần; tiền Thánh Nguyên Thông Bảo thời nhà Hồ; tiền Mạc Chính Thông Bảo thời nhà Mạc; tiền Gia Hưng Thông Bảo thời nhà Nguyễn…
Theo ông Khải, mỗi đồng tiền xu ẩn chứa những câu chuyện cùng quá trình biến động của lịch sử của dân tộc ẢNH: DUY TÂN

Những câu chuyện ẩn chứa

Theo ông Khải, tiền không đơn thuần là thước đo giá trị hàng hóa, vật chất… mà còn ẩn chứa những câu chuyện cùng quá trình biến động của lịch sử. Như đồng tiền nhôm 50 xu thời chính quyền Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đúc vào năm 1960 thì đồng tiền đúc dày, ghi là 50 xu. Nhưng đến năm 1963, chính quyền Diệm suy yếu thì đồng tiền đúc mỏng hơn, ghi là 50 xu và mặt sau hình bụi tre bị in lật ngược.
Những đồng tiền xu sưu tầm được ông Khải giữ gìn, sắp xếp theo trình tự thời gian ẢNH: DUY TÂN
Trong bộ sưu tập có một số đồng tiền thuộc loại hiếm như 2 đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo thời Gia Long. Ông Khải giải thích lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu đã cho đúc tiền này sử dụng không muốn dùng tiền nhà Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn đã thu hồi đồng tiền này, những ai giữ đồng tiền này ông đều đãi ngộ hậu hĩnh do có công giúp ông trong lúc kinh nan. Sau khi thu hồi, nhà Nguyễn đã dùng tiền này làm vật liệu đúc lại với chất liệu tốt hơn và vì thế đồng tiền này rất hiếm
 
Những đồng tiền cổ trong bộ sưu tập của ông Khải ẢNH: DUY TÂN
Với ý nghĩa đó mà bộ tiền cổ được ông Khải trưng bày một cách sáng tạo trên mô hình bản đồ Việt Nam. Trên đỉnh bản đồ, ông gắn đồng tiền đúc đầu tiên thời nhà Đinh, sau đó các đồng tiền trải dài qua các triều đại Lý, Trần, Lê… và kết thúc là đồng tiền xu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát hành từ năm 1946 - 1950.
Vua Quang Trung đúc tiền bằng đồng gồm các loại tiền Thái Đức Thông Bảo, Minh Đức Thông Bảo, Quang Trung Thông Bảo… ẢNH: DUY TÂN
Tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo thời nhà Hồ vô cùng hiếm hoi ẢNH: DUY TÂN
Dành hơn nửa đời sưu tầm tiền cổ, đến giờ ông Khải cho biết vẫn tiếp tục sưu tầm và luôn ấm ủ đam mê giải mã ý nghĩa những đồng tiền cổ. “Trong suy nghĩ của nhiều người, những đồng tiền đã ngả màu thời gian chỉ là vật vô tri vô giác. Nhưng với tôi thì nó chứa đựng trong đó những giá trị không thể nào định lượng và gắn liền với biết bao kỷ niệm, thậm chí có lúc mất ăn, mất ngủ cũng vì niềm đam mê này”, ông Khải bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.