Vua Xiêm từng đánh thắng Miến Điện nhờ vào sự giúp đỡ của chúa Nguyễn?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/09/2021 16:00 GMT+7

Vì phụ thuộc vào vị trí địa lý nên quan hệ giữa Việt Nam với Miến Điện (hay Diến Điện, Myanmar), Xiêm (Thái Lan), Chân Lạp ( Campuchia ) và Lào luôn khăng khít, chịu ảnh hưởng lẫn nhau nên chuyện “hậu trường” cũng nhiều đáng nhớ thời chúa Nguyễn.

Tuy nhiên, trong lịch sử thì phần lớn các trường hợp xung đột diễn ra ở vào thời chúa Nguyễn, Việt Nam thường giữ vai trò hòa giải hay “cứu khổn phò nguy”, đều là giúp nước yếu thoát ra sự uy hiếp của nước láng giềng mạnh hơn theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé". Dù ở tương đối cách xa nhau nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Miến Điện không vì thế mà không... có chuyện, thậm chí có nhiều gắn kết sự việc giữa vua chúa và các thuộc hạ.

Chúa Nguyễn Ánh là người có công lớn trong việc giúp đỡ vua Xiêm đánh thắng giặc

Ảnh: T.L
Sách Hoàng Việt Long Hưng chí của Ngô Giáp Đậu, năm 1784 cho biết: “Trong khi chúa Nguyễn Ánh đang nương náu ở Xiêm, Giám quân Tống Phước Đạm cùng một số thuộc hạ từ Đại Việt vượt bể sang Xiêm để bắt liên lạc với chúa. Tuy nhiên “không may gặp gió bão, thuyền của bọn Phước Đạm dạt vào bờ biển Miến Điện. Người Miến vốn có hận thù lâu đời với người Xiêm, ngờ bọn Đạm là gián điệp của Xiêm. Bọn Phước Đạm bị bắt giam hơn một tháng, sau nhân gặp một người nước Thanh (Trung Quốc) cư ngụ ở Miến Điện, Phước Đạm dùng cách bút đàm nhờ người ấy nói giúp, nhờ thế được tha” .

Xiêm vương từng nhiều lần cầu cứu Nguyễn Ánh

Trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn (Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành) có kể chi tiết về mối gắn kết với Xiêm vương như sau: “Tháng 2 ÂL năm 1786, trong lúc chúa Nguyễn Ánh cùng tướng sĩ còn nương náu ở thành Vọng Các thì được tin quân Miến Điện chia thành ba ngả tiến công vùng đất Sài Nặc của Xiêm. Vua Xiêm thân chinh cầm quân đánh giặc, trước khi đi đã tham khảo ý kiến chúa Nguyễn. Ông trả lời 'Diến Điện cất quân từ xa lại, chở lương đi hàng nghìn dặm, kể đã mệt rồi. Tôi xin giúp sức, đánh chóng hẳn được'. Sau đó Nguyễn Ánh cho quân ra trợ chiến vua Xiêm, cử Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng ống phun lửa tấn công quân Miến Điện, gây cho đối phương nhiều thương vong, bắt được 500 tù binh”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn: “Chiến công của chúa Nguyễn và tướng sĩ tòng vong khiến vua Xiêm vô cùng cảm kích, mang vàng lụa ra tạ ơn và ngỏ ý muốn giúp quân cho chúa Nguyễn trở về lấy lại đất Gia Định từ tay nhà Tây Sơn. Sau khi bàn bạc cùng các tướng tâm phúc, có lẽ để tránh những hậu quả như đã xảy ra từ gần hai năm trước, chúa Nguyễn khéo léo chối từ thiện chí của vua Xiêm”.
Tới triều vua Minh Mạng, thời điểm ấy khoảng năm 1822 thì Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành có cử một thuộc hạ là Nguyễn Văn Độ dùng thuyền buôn sang các nước thuộc Anh để mua binh khí, binh dụng bỗng có sự cố xảy ra trên đường đi, chẳng may thuyền bị gió thổi…lưu lạc vào trấn Tavoy (Đào Quai hay Đào Ca).
Đoàn bị viên trấn thủ Tavoy bắt Độ giải về Ava - Enva (sử Việt chép là An Hòa), kinh đô của nước Miến Điện thời bấy giờ. Tại đây, vua Miến Điện có nghi ngờ ông là gián điệp của nước Xiêm, tiến hành xét hỏi gắt gao. Tuy nhiên, sau khi biết rõ ngọn ngành là người ở nước Việt lạc sang, nhà vua liền hậu đãi rồi cho người đưa về mà không phải bị hình phạt gì cả.

Tranh vẽ Hoàng đế Minh Mạng

Ảnh: T.L

"Trong những thập niên dưới thời chúa Nguyễn, mối quan hệ tay ba Việt Nam - Miến Điện - Xiêm thường trở nên phức tạp, phần lớn do Miến Điện tìm cách gây hấn với người láng giềng, và mỗi lần như thế, Xiêm vương lại cầu cứu nước ta. Tháng 2 ÂL 1798, Miến Điện cất quân đánh Xiêm, Xiêm sai sứ sang nước ta cầu cứu. Chúa Nguyễn Ánh cử Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương mang hơn 7.000 thủy quân, hơn 100 chiến thuyền tăng viện cho quân Xiêm", sách Xã hội Việt Nam thời Lê Nguyễn tiết lộ. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.